/ 28
701

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 2


Xin mở quyển kinh, trang thứ mười, dòng thứ ba đếm từ dưới lên:

“Dụ hình đoan tắc ảnh trực, nguyên trược tắc lưu hôn” (Ví như hình thể ngay ngắn thì hình ảnh ngay thẳng; nguồn đã nhơ bẩn thì dòng chảy đục ngầu). “Hình đoan” (形端): “Đoan” là đoan chánh, tỷ dụ tịnh nhân, thiện hạnh; “ảnh trực” (影直) là tỷ dụ quả báo. Nhân quả trong Tây Phương thù thắng là do chỗ này. Nhìn lại thế giới Sa Bà, “nguyên trược” (源濁), “nguyên” là nói tới “tâm nguyên” (心源: nguồn tâm). Tâm chúng ta nhiễm đắm, nói theo cách hiện thời là “ô nhiễm”. Kinh thường hình dung thế giới của chúng ta là “ngũ trược ác thế” (đời ác năm trược). “Trược” (濁) là ô nhiễm, [“ngũ trược”] là năm thứ ô nhiễm nghiêm trọng. Tâm không thanh tịnh, nên hành vi sẽ bất thiện, hành vi tạo nghiệp Thập Ác, hạnh bèn bất thiện. Do đó, sẽ là “lưu hôn” (dòng chảy đục ngầu). “Lưu” (流) là giống như nước chảy, tự nhiên sẽ chẳng sạch sẽ. Nước ấy “hôn” (昏: đục ngầu), [chữ “lưu hôn”] chỉ thế giới này của chúng ta. Đó là dùng tỷ dụ để nói về nhân và quả báo trong hai thế giới.

Trong đoạn văn tiếp theo, “tựu tịnh thị tu” (dạy cách tu hành để đạt được tịnh), [hãy xem] dòng thứ tư nơi trang mười một: “Cố tri dục sanh Cực Lạc quốc độ, tất tu thập lục diệu quán, nguyện kiến Di Đà Thế Tôn, yếu hành tam chủng Tịnh nghiệp (Vì thế, biết là muốn sanh về Cực Lạc, ắt phải tu mười sáu phép Quán nhiệm mầu, nguyện thấy Di Đà Thế Tôn, phải hành ba thứ Tịnh nghiệp). Ở đây, đại sư đã vì chúng ta thiết tha khai thị: Muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng thể không biết mười sáu môn diệu quán. Tu thành công bất cứ một phép Quán nào trong mười sáu môn diệu quán, đều có thể vãng sanh Tây Phương thế giới. Từ phép Quán thứ nhất là Nhật Quán đến phép Quán cuối cùng là Trì Danh, thành tựu bất cứ phép Quán nào cũng đều được. Tu hai ba phép Quán trong ấy cũng được; tu trọn mười sáu phép Quán cũng được. Bất luận là bao nhiêu, chỉ cần quý vị có thể tu thành công; như thế nào thì mới được gọi là “thành”? Đoạn kinh văn tiếp đó đã giảng rõ: Mười sáu phép Quán ấy đều là diệu quán, vì sao? Bất cứ phép Quán nào cũng đều là tu trọn vẹn Không - Giả - Trung Tam Quán, Nhất Tâm Tam Quán. Mười sáu phép Quán ấy đều là Nhất Tâm Tam Quán, kể cả niệm Phật. Đó là chánh tu, là thiện nhất trong các điều thiện. “Nguyện kiến Di Đà Thế Tôn, yếu hành tam chủng Tịnh nghiệp” (Nguyện thấy Di Đà Thế Tôn, phải hành ba thứ Tịnh nghiệp). Ba thứ Tịnh nghiệp vô cùng quan trọng; khi giảng Di Đà Kinh Sớ Sao, tôi đã nói cặn kẽ cùng quý vị. Ở đây, vẫn phải giảng chi tiết cùng mọi người, vì có những đồng tu chưa nghe Di Đà Kinh Sớ Sao, điều này có quan hệ quá lớn đối với sự tu Tịnh nghiệp của chúng ta. Trong phần sau, chúng ta sẽ xem đến ba thứ Tịnh nghiệp, sẽ đọc thấy [những điều ấy] khi xem đến phần kinh văn [tương ứng]. Chúng ta lại xem phần kế tiếp của lời tựa nơi trang mười hai, dòng thứ hai.

“Nhiên hóa nhân sự tiệm, giáo tạ duyên hưng, thị dĩ Xà Vương sát nghịch, Vi Đề ai thỉnh” (Nhưng nhân duyên giáo hóa phải do Sự mà dần dần hình thành, giáo cậy vào duyên để hưng khởi. Kinh này là do vua A Xà Thế phạm tội nghịch giết cha, bà Vi Đề Hy buồn bã thỉnh cầu). Đoạn này nói đến nguyên do của pháp hội. Vì sao có pháp hội như thế này? Vì hành vi phản nghịch của vua A Xà Thế (Ajātaśatru), khiến cho mẹ ông ta vô cùng đau thương. Phu nhân Vi Đề Hy (Vaidehi) là mẹ của A Xà Thế, bèn khải thỉnh đức Thế Tôn, hy vọng vãng sanh một cõi Tịnh Độ an lạc. Pháp hội do đó mà có, đó cũng là duyên do giáo học của bộ kinh này được hưng khởi như thế đó. “Đại thánh thùy Từ, thừa cơ diễn pháp” (Đức đại thánh rủ lòng Từ, thừa dịp diễn nói pháp), chúng ta hãy xem câu văn được in theo lối đảnh cách trong lời Tựa. “Đại thánh” là Thích Ca Mâu Ni Phật. Trong hết thảy thánh hiền, Phật đã chứng đắc quả vị rốt ráo viên mãn, chẳng có ai cao hơn Ngài, nên chúng ta tôn xưng Ngài là Đại Thánh. “Thừa cơ diễn pháp” là dựa vào cơ duyên này để diễn giảng pháp môn này. “Diệu ngọc tướng dĩ lưu thái, tủng kim đài nhi hiển thụy, tuy quảng thị trân vực, nhi tông quy An Dưỡng” (Tướng ngọc chói ngời tuôn hào quang nhiều màu, đài vàng cao chót vót hiện điềm lành, tuy chỉ bày rộng rãi cõi quý báu, nhưng đề cao, quy kết An Dưỡng). Mấy câu này nhằm nhắc đến câu chuyện đức Thế Tôn phóng quang, hiện tướng lành, phu nhân Vi Đề Hy chọn lựa Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trong phần trước, tôi đã nhắc sơ qua: Thích Ca Mâu Ni Phật triển hiện hết thảy các cõi Phật trước mặt phu nhân để bà ta tự tuyển chọn. Sau khi xem xong, bà ta chọn lấy Tây Phương Cực Lạc thế giới. Câu cuối cùng trong lời Sao, tức là từ hàng thứ ba trong trang mười ba, bà ta nói: “Ngã kim nhạo sanh Cực Lạc thế giới, A Di Đà Phật sở” (Nay con thích sanh về thế giới Cực Lạc là chỗ của A Di Đà Phật), phu nhân tự mình chọn lựa.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 28