/ 18
513

Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Quán Thế Âm Bồ Tát

Nhĩ Căn Viên Thông Chương

Tập 17

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

 

Xin mời mở kinh bổn ra! Trang 154, hàng thứ tư từ dưới đếm lên.

“Phật vấn viên thông, ngã tùng nhĩ văn, viên chiếu tam muội, duyên tâm tự tại, nhân nhập lưu tướng, đắc tam ma địa, thành tựu bồ đề, tư vi đệ nhất”. Đây là câu trả lời chính thức về câu hỏi của Phật Thích Ca Mâu Ni, đoạn trước là trần thuật Ngài chứng đắc viên thông như thế nào. Ngài đem tình hình quá trình tu học của mình nói ra hết, đều nói ra hết. Câu trả lời chính thức này cũng là tổng kết, pháp môn nhĩ căn tam muội hơn hẳn những pháp môn khác. Điều này trong 25 vị Bồ Tát mỗi mỗi trần thuật, chúng ta có thể thấy được. Nhưng phương pháp tu hành, bắt buộc phải đem lý luận, phương pháp, cảnh giới làm cho thật rõ ràng thấu triệt, thì công phu của chúng ta mới có thể đắc lực được. Cho nên bộ kinh này có thể nói từ xưa đến nay, từ sau khi phiên dịch ra cho đến ngày nay, trong nghiên cứu học tập Phật Pháp, có thể nói là chiếm vị trí số một. Bất cứ là tông nào phái nào, bất luận là họ tu học pháp môn gì, gần như người học Phật không ai nói là chưa đọc qua Kinh Lăng Nghiêm. Đặc biệt là từ Dân quốc sơ niên trở về sau, trong Phật học Kinh Lăng Nghiêm được xem là kinh được mọi người yêu thích nhất. Kế đến chính là Đại Thừa Khởi Tín Luận và Duy Thức Học. Duy Thức Học trên học thuật cũng có một số người nghiên cứu. Nói chung không có kinh nào phổ biến như kinh này và Khởi Tín Luận.

Cương lĩnh tu học của Bồ Tát chính là dùng trí chiếu cảnh, cảnh chiếu trí. Thực sự mà nói chính là quán chiếu bát nhã như trong Kinh Bát Nhã đã nói. Cũng chính là xả thức dùng căn mà đại sư Giao Quang dạy cho chúng ta. Dùng căn này là nói tánh ở trong căn. Nói cách khác là dùng căn tánh của sáu căn để tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, đây gọi là quán chiếu. Quán chiếu chính là tam muội. Thông thường chúng ta nói là tu thiền định. Quán chiếu chính là thiền định, theo trong bản kinh này mà nói không những là thiền định, mà còn là Lăng Nghiêm đại định, quán chiếu là Lăng Nghiêm đại định. Giả sử lý không hiểu rõ, thì thực sự công phu này không thể nâng cao được. Công phu nâng cao được, nói cho chư vị biết, con người thay đổi rồi. Vì sao vậy? Trước đây là tướng phàm phu, hiện tại vừa thay đổi là tướng Bồ Tát. Trước đây đối với sự việc gì đều mê, đều chấp trước, quán chiếu vừa đắc lực thì không mê nữa, không chấp trước nữa, mà sáng tỏ rõ ràng. Sự sáng tỏ rõ ràng này không phải nói trước mắt chúng ta nhìn đều rất rõ ràng, tôi nghe được rất rõ ràng, không phải như vậy. Quí vị nói quí vị thấy rõ ràng rồi, nghe rõ ràng rồi, kỳ thật không phải vậy. Quí vị không rõ ràng gì cả, thực sự nhìn rõ ràng là cảnh giới gì? Giống như trong Tâm Kinh nói “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, quí vị có chiếu kiến hay không? Quí vị chưa chiếu kiến. Có thể thấy, quí vị chưa thấy rõ ràng về tướng cảnh giới sáu trần, quí vị dùng vẫn là phân biệt hư vọng, chứ hoàn toàn không phải bát nhã trí chiếu. Trí chiếu nơi cảnh thì dễ dàng hiểu, cảnh chiếu nơi trí không dễ hiểu.

Cảnh là cảnh giới bên ngoài. Chúng ta hiểu được trí là năng chiếu, cảnh giới là sở chiếu. Vì sao cảnh cũng có thể chiếu trí? Thực sự mà nói năng sở không khác, năng chiếu sở chiếu là một không phải hai, như vậy mới có thể nhập lưu vong sở. “Ư chiếu ly chiếu, tức duyên vong duyên”, trong đây nhất định không có tương đối, nếu như nói có cái năng chiếu, có cái sở chiếu, có trí, có cảnh, đó là tương đối. Tương đối vậy thì không tìm ra được lối vào, nhất định phải đạt đến năng sở không khác. Như vậy mới nhập môn được. Nhập môn gì vậy? Nhất chân pháp giới, trong một không có hai, cho nên quí vị là khái niệm tương đối, quí vị làm sao có thể vào được nhất chân pháp giới? Cảnh giới tương đối này làm sao có thể được nhất tâm bất loạn? Đây là đạo lý chắc chắn vậy.

Chúng tôi trên giảng tòa thường nhắc nhở chư vị đồng học, nhất tâm bất loạn là năng nhập, nhất chân pháp giới là sở nhập. Nhưng quí vị phải hiểu được năng sở không hai, là cùng một cảnh giới với “viên chiếu tam muội” mà ở đây đã nói. Rơi vào trong năng sở, đã không thể đắc nhất tâm, cũng không thể chứng nhất chân pháp giới, cả hai đều bị mất. Ý nghĩa viên chiếu này chính là nói “trí chiếu ư cảnh, cảnh chiếu ư trí”. “Trí chiếu ư cảnh, cảnh chiếu ư trí” hoàn toàn là một không có hai. Nói cách khác, chúng ta thường nói là tuyệt đối chứ không phải là tương đối. Tương đối thì không có cách nào để vào cảnh giới này được. Lìa tương đối mới có thể vào được cảnh giới này.

/ 18