/ 18
472

Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Quán Thế Âm Bồ Tát

Nhĩ Căn Viên Thông Chương

Tập 16

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Nguyên Tâm

 

Xin mời mở kinh bổn ra, trang 154, hàng thứ ba.

“Tam giả, do ngã tu tập bổn diệu viên thông, thanh tịnh bổn căn, sở du thế giới giai linh chúng sanh xả thân trân bảo, cầu ngã ai mẫn”. Đây là đoạn thứ ba trong bốn bất tư nghì. Kinh văn giống như những đoạn này đều rất quan trọng, bởi vì đây là cảnh giới chân thật mà chư Bồ Tát chứng được, và cũng rất khó lý giải, cho nên khóa đề xưng là bất tư nghì, không thể nghĩ bàn.

Đoạn kinh văn này và ở trong Đại Thừa Khởi Tín Luận có thể nói là rất khế hợp. Trong Khởi Tín Luận đoạn luận văn gần đây đã nói đến, e rằng còn phải tiếp tục bốn năm lần như vậy nữa, cũng tức là bốn năm tuần lễ, chúng ta một tuần giảng một lần. Hoàn toàn giảng về cảnh giới cõi báo của chư Phật Bồ Tát, cùng với bốn loại bất tư nghì mà ở đây giảng rất khế hợp, cũng rất tương ưng, có thể tham khảo lẫn nhau.

Ở đây cần chú ý, chữ “ngã” là Quán Thế Âm Bồ Tát tự xưng. Bản thân Bồ Tát “tu tập bổn diệu viên thông”, đây chính là điều Ngài chứng được. Sở dĩ ngài có thể chứng được, chính vì có tu  tập, hai chữ “tu tập” này trong kinh luận Phật Pháp dùng vô cùng rộng rãi. Tu là tu sữa, chư vị nên ghi nhớ, là tu sữa, tập là thực tập. Trong cuộc sống hằng ngày phải làm được, làm cho trên lý luận và cuộc sống dung hợp thành một thể, đây gọi là tập.

Tiêu chuẩn của tu sữa có rất nhiều loại, không phải chỉ một, nhưng nó đích thực là một phương hướng. Trong một phương hướng có rất nhiều tiêu chuẩn, nói rõ tất cả chúng sanh căn tánh không tương đồng, hay nói cách khác là trình độ khác nhau. Người có trình độ cao thì tiêu chuẩn cao, người trình độ thấp tiêu chuẩn thấp, mỗi người có mỗi tiêu chuẩn. Tất cả điều hướng đến một mục đích, phá mê khai ngộ, minh tâm kiến tánh, luôn theo một phương hướng này.

Ở đây mà nói: “Bổn diệu viên thông” có thể “thanh tịnh bổn năng”, ‘bổn năng’ chỉ cho nhĩ căn. Quán Thế Âm Bồ Tát tu nhĩ căn viên thông, đầu tiên là bổn căn thanh tịnh. Chúng ta nhất định phải rõ ràng, một căn thanh tịnh sáu căn liền tịnh. Bản căn thanh tịnh, nhĩ căn thanh tịnh, nhãn căn chưa cần thanh tịnh vậy là sai. Chỉ cần một căn được thanh tịnh rồi, thì năm căn khác không có căn nào không thanh tịnh.

Ở đây Bồ Tát tượng trưng cho Đẳng giác. Kinh văn này là “Nhị Thập Ngũ Viên Thông Chương”, một đoạn cuối cùng trong đó. Nếu như dựa theo tuần tự sắp xếp thì nó nên xếp vào vị trí thứ hai. 25 viên thông, là sáu căn, sáu trần, bảy đại, dựa theo thứ tự này mà sắp xếp. Quán Thế Âm Bồ Tát nhĩ căn viên thông, trong sáu căn đó là nhãn căn, nhĩ căn, vì thế Ngài đứng tứ hai.  Hiện tại ngài xếp vào cuối cùng, thứ tự này bị đảo lộn, tức pháp môn của Ngài rất đặc biệt, dụng ý tại chỗ này.

Quán Thế Âm Bồ Tát là Đẳng giác vị, Đại Thế Chí Bồ Tát cũng là Đẳng giác vị. Từ đó có thể biết, 25 vị Bồ Tát bất luận thị hiện thân phận như thế nào thì đều là Đẳng giác Bồ Tát. Tiêu chuẩn của họ là tiêu chuẩn Nhất thừa Bồ Tát. Hay nói cách khác, trong tu học các Ngài thuộc về tiêu chuẩn cấp cao nhất, chứ không phải tiêu chuẩn phổ thông.

Nói đến tiêu chuẩn cao nhất, rốt cuộc cao đến mức độ nào, chúng ta có thể thử lật xem Lục Tổ Đàn Kinh sẽ rõ. Lục Tổ Đàn Kinh là tiêu chuẩn nhất thừa Phật Pháp. Ngài nói, mình đã tiếp dẫn là hàng thượng thượng thừa, chính là tiêu chuẩn Nhất thừa, nhất thừa thanh tịnh là phải giải thoát căn trần.

Trong thoát căn, ngoài ly trần, cho nên nói “hồi thoát căn trần, linh quang độc diệu”, là một tiêu chuẩn như thế. Đây là thanh tịnh thật sự, viên mãn thông đạt thật sự. Không những đối với cảnh giới sáu trần, toàn không sở trước, không còn chấp trước, ngay cả sáu căn họ cũng đã thoát ra. Hay nói cách khác, hai loại ngã chấp và pháp chấp đều đoạn tận, đều thoát ly. Đây là cảnh giới mà Bồ Tát đã chứng đắc được.

“Sở du thế giới”, câu này là nói về giáo hóa chúng sanh, nói đến hóa tha. Đoạn trước tự độ còn đoạn này độ tha, tự độ độ tha hay tự hành hóa tha đều cùng một ý nghĩa. Quán Thế Âm Bồ Tát đã chứng địa vị Đẳng Giác, phạm vi thế giới ngài đi qua để giáo hóa chúng sanh rất lớn, cùng với Phật bình đẳng, giống nhau. Đẳng Giác là địa vị Hậu bổ Phật, trong Bồ Tát địa đứng hàng Bồ Tát Thập nhất địa, tiến thêm một cấp nữa chính là cứu cánh Phật. Cho nên phạm vị thế giới Ngài đi qua giáo hóa chúng sanh so với mười phương chư Phật không hai không khác.

/ 18