565

Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Quán Thế Âm Bồ Tát

Nhĩ Căn Viên Thông Chương

Tập 15

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Nguyên Tâm

 

Xin mời mở kinh ra, trang 153, hàng thứ năm.

Kỳ trung hoặc hiện nhất thủ, tam thủ, ngũ thủ, thất thủ, cửu thủ, thập nhất thủ, như thị nãi chí, nhất bách bát thủ, thiên thủ, vạn thủ, bát vạn tứ thiên, thước ca la thủ”, đây là nói dùng một thân hiện nhiều thân.

Điều này một vị đồng học có nêu ra một câu hỏi, vấn đề anh ta hỏi là về quả báo. Trên cơ bản anh ta đọc được trên sách báo, đây cũng là một công án trong kinh Phật. Một vị tỳ kheo tụng kinh, có một tiểu sa di nghe được liền cười ông ấy, tiếng tụng kinh nghe không hay, giống như chó sủa vậy. Sa di chê bai, nói ông tụng kinh giống chó sủa. Vị tỳ kheo già nói với sa di, ta đã chứng đắc quả A la hán rồi, ngươi tạo khẩu nghiệp tương lai phải chịu ác báo. Tiểu sa di này sám hối, sau khi sám hối còn đọa làm thân chó, đây là một câu chuyện. Trong Pháp Uyển Châu Lâm, Kinh Luật Dị Tướng chúng ta đều có thể thấy công án này.

Ngoài ra trong Kinh Di Đà có một vị là Kiều Phạm Ba Đề thọ thiên cúng dường đệ nhất, dịch ra tiếng Trung Quốc nghĩa là Ngưu Kha tôn giả. Ông ấy mắc phải quả báo này, cũng là vào nhiều kiếp về trước cười một vị tỳ kheo tụng kinh giống như bò ăn cỏ vậy, cho nên bị quả báo.

Ý của vị đồng tu này là, thế gian cho rằng người không biết thì không có tội, đây là pháp thế gian không phải là Phật Pháp. Trong pháp thế gian có thể lấy công chuộc tội. Nhân quả báo ứng thì không thể, không thể lấy công chuộc tội, cho nên thiện ác nhất định có báo ứng. Không thể nói tôi trước kia tạo ra rất nhiều nghiệp ác, tôi hiện tại tất cả đều làm nghiệp thiện, thì ác nghiệp kia của tôi sẽ không báo nữa, không có đạo lý này. Điều này trên định luật nhân quả nói không thông, cho nên nói nhất định là có quả báo.

Nói người không biết thì không có tội, trong Phật Pháp thì không được. Bởi vì không biết, họ phạm điều này có tội, nếu như biết mà cố phạm thì tội của họ sẽ đọa A tỳ địa ngục, tội rất nặng rất nặng. Điều này không biết nên họ phạm, tội của họ nhẹ, đọa vào cõi súc sanh, không đọa địa ngục. Nếu như biết là A la hán mà còn cố ý đi hủy báng vị kia, vậy thì họ phải đọa vào địa ngục kéo lưỡi, chứ không chỉ là đọa vào cõi súc sanh thôi. Chúng ta phải hiểu điều này.

Chư Phật Bồ Tát không dùng thân phận Phật Bồ Tát thị hiện trong đời ác thế, ngũ trược ác thế. Quí vị nghĩ xem vì sao vậy? Chúng sanh khổ nạn như vậy, Phật Bồ Tát vì sao không hiện thân đến độ hóa cho họ? Phật Bồ Tát nếu như hiện thân chúng sanh hủy báng thì mỗi mỗi đều đọa địa ngục, đều phải chịu ác báo, lúc chúng sanh không có phước báo, Phật Bồ Tát không dám đến, đến quí vị sẽ tạo tội.

Chúng sanh có phước báo là gì? Họ có thể tôn kính người khác, có thể tán thán người khác, gặp được người, việc tốt một chút, họ đều chân thành tán thán, Phật Bồ Tát đều gia trì cho họ. Vì sao vậy? Vì ta tán thán ta có phước báo, đang trau dồi phước. Phật Bồ Tát hiện thân hay không là do nơi chúng sanh, không do Phật Bồ Tát. Phật Bồ Tát không đâu không hiện thân, không lúc nào không hiện thân, hiện thân hay không hiện thân đều là vì lợi ích chúng sanh, chính là đạo lý này.

Chúng ta hiểu được sự việc này rồi, tạo khẩu nghiệp rất dễ, dễ dàng tạo nhất chính là khẩu nghiệp. Thường thường lúc tạo nghiệp bản thân không biết. Chư Phật Bồ Tát không hiện thân là không dùng thân phận Phật để xuất hiện, không dùng thân phận Bồ Tát để xuất hiện, dùng thân phận phàm phu chúng ta để xuất hiện trên thế gian này.

Có thể chư vị đang ngồi đây cũng có rất nhiều người đều là cổ Phật, Bồ Tát tái sanh, chúng ta phàm phu nhục nhãn không nhận ra. Họ hiện thân là tướng phàm phu, quí vị hủy báng họ, đương nhiên cũng là tạo nghiệp, nghiệp này nhẹ. Nếu như họ thị hiện là thân phận một vị Phật, Bồ Tát, thân phận A la hán, nếu hủy báng họ, thì tội này nặng rồi. Họ dùng thân phận phàm phu thị hiện, rất từ bi, tránh cho quí vị tạo nghiệp nặng, chính là ý này.

Chúng ta xem đoạn kinh văn hôm nay.

“Thủ” là một bộ phận có thể nói là quan trọng nhất trong thân thể chúng ta, cũng có thể tượng trưng chung cho một người. Đoạn kinh văn dưới đây nói đến tay, mắt, đều có dụng ý của nó. Dùng “thủ” (đầu) để tượng trưng chung. Dùng tí, tí là cánh tay, tượng trưng cho sự tiếp dẫn, tiếp dẫn chúng sanh. Con mắt này tượng trưng cho trí chiếu. Đây là lược cử ba sự việc để thuyết minh cho thần thông đức dụng của Bồ Tát, dùng bổn số, bổn số này, bổn số đầu là một cái, bổn số của cánh tay là hai cái, bổn số của con mắt cũng hai hai cái. Bổn số là hai tay, hai mắt.