/ 18
681

Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Quán Thế Âm Bồ Tát

Nhĩ Căn Viên Thông Chương

Tập 14

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Nguyên Tâm


Xin mời mở kinh ra, trang 153, hàng thứ hai.

Nhất giả, do ngã sơ hoạch, diệu diệu văn tâm, tâm tinh di văn, kiến văn giác tri, bất năng phân cách, thành nhất viên dung, thanh tịnh bảo giác. Cố ngã năng hiện chúng đa diệu dung, năng thuyết vô biên, bí mật thần chú”, chúng ta bắt đầu từ đây.

Lần trước đã nói với chư vị, đây là bốn điều không thể nghĩ bàn, bốn điều không thể nghĩ bàn này so với cảnh giới trước càng cao hơn, càng thù thắng. Đây là cảnh giới Quán Thế Âm Bồ Tát chứng đắc viên thông về sau, trong đoạn này chúng ta phải đặc biệt chú ý đến là phương pháp tu hành.

‘Sơ’ của “sơ hoạch”, chữ sơ này trong đoạn mở đầu của chương này, Quán Thế Âm Bồ Tát nói cho chúng ta phương pháp tu học của ngài là khi mới nghe là phản văn văn tự tánh, dùng biện pháp này. Gọi là ‘sơ ư văn trung’, đây là lấy một căn trong sáu căn để nói, một căn hiểu rõ rồi thì các căn khác đều vậy, đều giống nhau.

Điều ngài tu là nhĩ căn viên thông, cảnh giới mà nhĩ căn nhận chính là thanh trần. Cảnh giới thanh trần này đương nhiên vô cùng rộng lớn, cũng vô lượng vô biên, trong Phật Pháp đem nó quy nạp thành hai loại lớn. Một là động, chúng ta nói là có âm thanh, có âm thanh thì gọi là động. Còn một loại khác chính là vô thanh, vô thanh chính là tĩnh, tĩnh cũng là đối tượng mà nhĩ căn hướng đến.

Chư vị nên ghi nhớ, không nên cho rằng lúc nghe mà có âm thanh mới là tôi nghe, lúc không có âm thanh thì tôi không nghe được, lời này rất nực cười, đây là sai lầm. Không có âm thanh là cảnh giới tĩnh, quí vị cũng nghe được. Cho nên nghe được một loại là có thanh, một loại là vô thanh. Tức một là cảnh giới động, một là cảnh giới tĩnh.

Ở đây nói chú trọng nơi chữ ‘sơ’, thực sự mà nói sơ tướng bất khả đắc. Vì sao vậy? Bởi vì tánh nghe là thứ không sanh không diệt, trước nay chưa từng gián đoạn, vậy sơ tướng (tướng ban đầu) quí vị đi đâu mà tìm được chứ? Đây là nói lời chân thật, sơ tướng bất khả đắc. Từ trong phương tiện chúng ta có thể gọi là sơ tướng.

Trước đây chúng ta mê vào trong cảnh giới, từ hôm nay trở đi phản văn, vừa phản là giác, đã giác ngộ. Không biết quay đầu, tùy theo cảnh giới mà lưu chuyển, thì càng mê càng sâu, đây mới gọi là làm việc sanh tử. Vấn đề này tương đối phức tạp, không phải chỉ vài câu thì có thể nói về nó rõ ràng được. Liên quan đến kinh luận cũng rất nhiều.

Gần đây giảng Khởi Tín Luận chúng tôi đã nói đến vấn đề này, giảng về tam tế lục thô. Nếu đem đạo lý tam tế lục thô nói cho rõ ràng thấu đáo, quí vị mới hiểu được phản văn như thế nào, ý nghĩa này mới có thể lãnh hội được. Tam tế lục thô là nói chân như bản tánh của chúng ta, một niệm bất giác mà có vô minh, vô minh này là quá trình như thế nào mà biến hiện ra cảnh giới hiện tiền của chúng ta. Đại Thừa Khởi Tín Luận nói đến đạo lý này.

Nói cách khác, chúng ta vốn đã giác ngộ, bản giác vốn có, vốn là đã giác ngộ, hiện tại không giác nữa, hiện tại đang mê. Nguyên nhân gì mà mê, mê từ lúc nào mà mê cho đến tận bây giờ như thế này? Đây là một vấn đề lớn. Nếu như quí vị thông đạt Khởi Tín Luận, thì tất cả kinh điển Đại thừa sẽ không khó khăn nữa. Khởi Tín Luận là tinh hoa của tất cả kinh Đại thừa, kinh nghĩa đương nhiên nó có độ sâu tương đương, đây là điều không thể hoài nghi.

Nó có độ sâu sắc tương đương, nhưng hàng sơ học chúng ta cũng không cần lo sợ, vì sao vậy?  Vì chúng ta có thời gian, hãy từ từ mà nghiên cứu. Bản thân có thời gian có thể nghiên cứu chú giải, nhưng chú giải không được xem quá lẫn lộn. Chúng tôi đã chọn cho quí vị hai loại, hai loại này có thể nói là chú giải tiêu chuẩn cho người sơ học.

Không nên xem nhiều quá, không nên xem tạp quá, bởi vì chú giải của Khởi Tín Luận rất nhiều, có khoảng gần bảy tám mươi loại chú giải. Không nên xem tạp loạn quá, xem nhiều quá sau này rất loạn, ngược lại càng thêm khó khăn, chỉ nương theo hai bản chú giải này là được. Mà trong hai bản chú giải này, chúng tôi dùng bản chú của pháp sư Từ Châu làm bản chính. Lúc xem thấy có nghi vấn thì tham khảo thêm bản chú giải của Thang Thứ Liễu Vinh người Nhật bản, tức là bản phiên dịch của Phong Tử Khải, xem bản này. Bản của ông ta chú giải tương đối mới mẻ, hai bản này hợp lại xem, lại nghe giảng thêm.

/ 18