/ 18
1.285

Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Quán Thế Âm Bồ Tát

Nhĩ Căn Viên Thông Chương

Tập 13

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Nguyên Tâm

Xin mời mở kinh ra!

Năng linh chúng sanh, trì ngã danh hiệu, dữ bỉ cộng trì, lục thập nhị ức hằng hà sa, chư pháp vương tử, nhị nhân phước đức chánh đẳng vô dị”. Đoạn kinh văn này nói về xưng danh vô úy.

Từ đoạn này chúng ta thấy được công đức của danh hiệu Bồ Tát không thể nghĩ bàn. 62 ức hằng hà sa Bồ Tát, số lượng này thực sự không thể nào tính đếm được. Bồ Tát là tự lợi lợi tha, tượng trưng cho các loại pháp môn, mỗi mỗi sai biệt, ý nghĩa chính là tại đây vậy.

Trong Kinh Phật Danh chúng ta thấy đức Thế Tôn nói cho chúng ta biết hơn 10.000 đức Phật, danh hiệu của Phật, Bồ Tát, thực sự mà nói lại càng nhiều hơn. Trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta hiểu rõ Bồ Tát tượng trưng cho pháp môn tu hành ở nhân địa. Phật tượng trưng cho công đức viên mãn trên một địa cầu, một vị Phật, một vị Bồ Tát chỉ tượng trưng cho một loại pháp môn.

Trong tất cả chư Phật Bồ Tát có hai vị rất đặc biệt. Giống như Phật A Di Đà, trong Kinh Nhật Tụng chúng ta đều đọc “pháp giới tàng thân A Di Đà Phật”, quí vị thấy những vị Phật khác không có thêm dòng chữ như. Thêm vào dòng chữ như vậy tức niệm một đức A Di Đà Phật là đã niệm đến tất cả chư Phật trong mười phương ba đời, tất cả đều đã niệm đến. Tức là quí vị niệm danh hiệu một Đức Phật thì tương đương với niệm danh hiệu của tất cả chư Phật.

Trong hàng Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát rất đặc biệt, chỉ cần niệm một câu Quán Thế Âm Bồ Tát tức là niệm 62 ức hằng hà sa số Bồ Tát, điều này quả thật không thể nghĩ bàn. Đây chính là nói Quan Âm Bồ Tát, A Di Đà Phật danh hiệu này tượng trưng cho pháp môn này, đây là pháp môn tổng trì, gọi là “tổng nhất thiết pháp, trì nhất thiết nghĩa”, đây là công đức không thể nghĩ bàn, điểm này chúng ta phải hiểu được.

Huống gì Bồ Tát rất có nhân duyên với chúng sanh trong thế giới Ta bà, nhân duyên này từ đâu mà có? Đều giống nhau là nhĩ căn nhạy bén nhất. Bồ Tát tượng trưng nhĩ căn viên thông, chúng sanh thế giới Ta bà cũng là nhĩ căn sắc bén nhất. Cho nên Quan Âm Bồ Tát chứng viên thông chính là một môn nhĩ căn, từ trong tánh nghe được nhất tâm bất loạn. Trong nhà thiền gọi là minh tâm kiến tánh, sau khi kiến tánh liền có năng lực dùng một thân ứng vô lượng thân, dùng một tâm ứng vô lượng tâm của chúng sanh.

Tuần trước có đồng học nêu ra vấn đề này, chúng tôi cũng đã giải thích qua cho quí vị. Bồ Tát dùng một thân để ứng vô lượng thân, dùng một tâm ứng vô lượng tâm. Vậy rốt cuộc Ngài có một thần thức hay là có nhiều thần thức? Có một vị đồng tu đã nêu ra vấn đề này. Thật tình mà nói, vấn đề này là phàm phu chúng ta dùng kiến lượng của mình để đo lường cảnh giới của Phật Bồ Tát. Tôi dùng một câu trong kinh điển “vô hữu thị xứ”, không có cách nào, không làm được. Cảnh giới của chư Phật Bồ Tát, tư duy và tưởng tượng của chúng ta không thể đến được, cảnh giới này cũng không thể dùng mấy câu để giải thích một cách rõ ràng được. Người căn tánh lanh lợi một câu có thể nói rõ, người căn độn thì càng nói càng mê hoặc, đương nhiên nói nghe đều cần có phương tiện thiện xảo, điểm này cũng vô cùng quan trọng.

“Tùy tâm chúng sanh, ứng ra như thế, tuân nghiệp phát hiện” đoạn này nói về chư Phật Bồ tát ứng hóa tại thế gian. Nghiệp ở đây không phải là nghiệp của chư Phật Bồ Tát, chư Phật Bồ Tát không còn tạo nghiệp nữa, vì thế mới có thể tuân theo nghiệp cảm của chúng sanh. Chúng sanh có nghiệp cảm, Phật Bồ Tát liền có ứng. Vô lượng vô biên chúng sanh có nghiệp cảm, Phật Bồ Tát liền hiện vô lượng vô biên thân, mỗi mỗi tại đó đều được cảm ứng.

Hiện tại đạo lý mà chúng ta nghĩ chưa thông, có một cửa ải chưa đột phá được. Đó chính là mê nơi thần thức này, rốt cuộc là một hay là nhiều? Nghi một hay nhiều đều là mê! Chưa thể phá được cánh cửa này, tức là chưa thể phá mê này. Một và nhiều là nhị biên, lúc chúng ta thoát ra khỏi nhị biên thì ta có thể thấy được đạo. Sau khi thấy đạo thì sự việc này mới bỗng chốc rõ ràng, không còn có nghi hoặc nữa. Vấn đề này hiện tại đang quấy nhiễu chúng ta, chúng ta tạm thời có thể đặt nó sang một bên. Vì sao vậy? Thần thức Bồ Tát một cũng được mà nhiều cũng được, tạm thời không quan tâm đến nó.

/ 18