/ 18
552

Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Quán Thế Âm Bồ Tát

Nhĩ Căn Viên Thông Chương

Tập 11

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Nguyên Tâm

  Xin mở kinh hàng thứ hai, đây là loại thứ 11 si ám trong 14 loại vô úy công đức.

Thập nhất giả, tiêu trần hoàn minh pháp giới thân tâm do như lưu ly, lãng triệt vô ngại. Năng linh nhất thiết hôn thuần tánh chướng, chư a điên già, vĩnh ly si ám”. Đoạn này là nói về lìa ngu si.

Chúng ta hiểu được ngu si là căn bản phiền não, có thể nói là căn bản của căn bản, cũng là thứ khó đoạn nhất. Người tu hành đích thực cũng dùng cái này làm một trọng điểm tu học quan trọng nhất. Đầu tiên chúng ta phải hiểu được vì sao ta ngu si? Ngu si này trong kinh luận đại thừa thường nói là căn bản vô minh, cũng chính là bất giác mà trong Khởi Tín Luận đã nói. Trong pháp môn Đại thừa đây là vấn đề trung tâm, bất giác chính là mê, chính là si, chính là ám.

Sự việc này trong Kinh Lăng Nghiêm nói rất nhiều, trong bộ đại kinh này, ở trước chúng ta nói đến quyển thứ ba. Về sau chúng ta chọn giảng một bộ phận quan trọng nhất là quyển thứ sáu. Kinh Lăng Nghiêm trước đây chúng tôi từng giảng ba bốn lần, có thể nói là giảng rất nhiều rồi. Lần này chúng tôi chọn phần quan trọng nhất để giảng, đối với người tu học lâu năm mà nói thì vô cùng lợi ích. Đối với những đồng học mới mà nói cũng tương đối nhẹ nhàng một chút. Bởi vì kinh luận này phân lượng nhiều quá, đối với người sơ học sẽ thêm phần áp lực.  

Vô minh, quí vị thấy trong kinh thường nói vô thỉ vô minh, vô thỉ là không có bắt đầu, đây là mê! Trong quyển thứ tư, Thế Tôn nêu ra cho chúng ta một ví dụ Diễn Nhược Đạt Đa Mê Đầu Nhận Ảnh, nêu ra một công án như vậy, nói cho chúng ta biết tình hình của mê. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Viên Giác, Đức Phật nói cho chúng ta: “Tất cả chúng sanh vốn đã thành Phật”. Mắt Phật nhìn chúng ta đều là Phật, Phật nhìn chúng ta đều không mê, mà là thế nào? Bản thân ta mê, điều này rất phiền phức. Là bản thân ta mê, người khác không thấy ta mê, nếu quý vị không tin tôi sẽ nêu ra một ví dụ khác.

Có một người đồng tu, lúc chúng tôi cùng đi ra ngoài, ông ta vô cùng lo lắng, chạy khắp nơi tìm đồ vật, tìm rất lâu mà tìm không ra. Ông ta hỏi mọi người: anh có thấy cái ví của tôi ở đâu không? Ví đương nhiên rất quan trọng rồi, bên trong đựng tiền, đựng chìa khóa, rất quan trọng, lo đến nỗi toát cả mồ hôi. Ví da của ông ta để ở đâu? Đeo ở trên người, chúng tôi vừa nhìn “không phải ví da đeo ở đây sao?”, ông ta lập tức ngộ ra.

Quí vị nghĩ xem ông ta mê ở đâu vậy? Chúng ta thấy thì ông ấy không mất đồ, rõ ràng là đeo trên người mà. Nhưng bản thân ông ấy lo đến nỗi toàn thân toát mồ hôi. Chạy khắp nơi mà kiếm, kiếm không ra, chạy khắp nơi hỏi mọi người “các ngươi có thấy hay không?”

Diễn Nhược Đạt Đa mê đầu nhận ảnh cũng là như vậy. Phật nhìn chúng ta cũng giống như vậy. Bản thân chúng ta lo đến nỗi toàn thân toát mồ hôi, tìm bậy khắp nơi, làm gì hiểu được thứ cần tìm hóa ra ngay trên thân mình. Những đạo lý này có thể nói ở trong kinh luận đã nói rất nhiều, thực sự mà nói thì không mê.

Có ba quyển Kinh Lăng Nghiêm trước là cũng đủ dùng rồi. Nêu ra chân tâm tuy không nói rõ, cũng tương đương với toàn bộ đã thấu lộ ra rồi, đều hiển thị ra. Mười lần hiển kiến, càng nói thấu đáo, tánh thấy, tánh nghe căn tánh sáu căn của chúng ta. Quí vị xem sau khi Thế Tôn nói xong, ngay cả Vua Ba tư nặc cũng đại triệt đại ngộ, cũng đã hiểu.

Căn tánh sáu căn này đã từng mê chăng? Chưa từng mê qua, hiện tại có mê chăng? Hiện tại vẫn không mê, tương lai có bị mê hay chăng? Vĩnh viễn không mê, đó chính là căn bản trí, đó chính là Phật tánh. Lúc nó khởi tác dụng tận hư không biến pháp giới, quá khứ vị lai không gì không biết, không gì là không thể. Những trí năng này hiện tại quí vị đều vốn đã đầy đủ, vốn đã đầy đủ nhưng bị mê, mê như thế nào vậy? Trong Kinh Lăng Nghiêm nói “tri kiến lập tri, thị vô minh bổn", đây là nói vì sao mà mê.

Trong Khởi Tín Luận nói “nhất niệm bất giác”, một niệm bất giác này khiến cho tâm thanh tịnh của ta, tức là tâm thanh tịnh viên giác, tức chân như bản tánh. Nhất niệm bất giác tức là mê, sau khi mê, chúng ta không gọi nó là tâm thanh tịnh nữa, không gọi là bản tánh, đổi thành một cái tên khác. Trên thực tế vẫn là nó, đổi tên khác gọi là A lại da. Nhưng phiền phức ở đâu? Tức là điều này sau khi mê, nó càng ngày mê càng sâu, nó sẽ không quay đầu, phiền phức ở đây vậy? Điều nà do A lại da biến thành tam tế lục thô, mới biến hiện ra y chánh trang nghiêm của thế giới này. Đây là nói rõ mê như thế nào, làm thế nào mà mê.

/ 18