Kinh Thủ Lăng Nghiêm
Quán Thế Âm Bồ Tát
Nhĩ Căn Viên Thông Chương
Tập 10
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Xin mở kinh ra, hàng thứ bảy. “Tam giả, quán thính toàn phục, linh chư chúng sanh, đại thủy sở phiêu, thủy bất năng nịch”. 14 loại vô úy này, trong đó đoạn thứ ba, ở trước nói về hỏa bất năng thiêu, ở đây nói: “thủy bất năng nịch”.
Thế gian thường nói: “nước lửa vô tình”. Cũng vậy, về lý cũng có nói, về sự cũng có nói. Nếu về lý chúng ta quán thông, về sự nhất định có cảm ứng. Duyên của cảm ứng khá phức tạp, không phải đơn thuần . Cổ nhân nói, tánh văn thuộc về nước. Trong y học chúng ta cũng cho rằng, tai và thận có liên quan, cho nên “quán thính toàn phục”. Nước có thể trở về gốc của nó, cho nên nói “thủy bất năng nịch”.
Trong Phật pháp có rất nhiều ý nghĩa biểu pháp, Phật pháp dùng lửa biểu trưng cho sân nhuế, nước biểu trưng cho tham ái, đây là nặng nhất trong ba độc phiền não. Nếu trong quá trình tu học, chúng ta có thể phản văn, “toàn phục” chính là phản văn. Có thể khiến tánh thấy của chúng ta toàn phục, tánh nghe toàn phục, như Bồ Tát Quán Thế Âm nói, phản văn văn tự tánh, công đức này có thể đoạn phiền não tham sân. Vì sao vậy? Vì không còn phan duyên cảnh giới, như vậy lửa sân không thể đốt, nước ái không thể chìm. Chúng ta có thể đoạn lửa sân và nước ái, là có năng lực vượt thoát tam giới, đây là đạo lý nhất định.
Đoạn thứ tư nói. “Tứ giả, đoạn diệt vọng tưởng, tâm vô sát hại, linh chư chúng sanh, nhập chư ma quốc, quỷ bất năng hại”. Ý đoạn này rất rõ ràng, quỷ là lấy ấm uẩn làm tưởng nhân, lấy sát hại làm đọa duyên. Đương nhiên trong đường quỷ cũng có thiện, nhưng ác nhiều thiện ít, trong kinh điển chúng ta thấy rất nhiều. Người thế gian gọi quỷ là ác quỷ, đó là đáng ghét. Trong Phật pháp gọi là ngạ quỷ, ngạ quỷ là một thông xưng, vì sự đói khát trong đường ngạ quỷ rất phổ biến. Từ đây mà nói, gọi họ là ác quỷ cũng rất có đạo lý, quỷ đại đa số đều bất thiện, thường hại người. Nhưng như Thiên thai tông nói: “bách giới thiên như”, trong mỗi giới đều đầy đủ mười pháp giới, trong nhân pháp giới cũng có quỷ đạo. Chúng ta thấy họ là một người, nếu họ có tâm hiểm ác, thủ đoạn độc ác, tổn người lợi mình, tham dục không chán, ta biết rằng, nghiệp họ tạo tương ưng với đường ngạ quỷ. Tuy hiện tại vẫn ở cõi người, khi họ đánh mất thân người, nhất định tương ưng với quỷ đạo, đây là quỷ đạo trong cõi người.
Bồ Tát tu tâm từ bi, mặc dù là kẻ ác, người hiểm độc, thấy người từ bi họ cũng không làm tổn hại. Đây chính là “nhập chư quỷ quốc, quỷ bất năng hại”. Đây là lấy từ tâm tam muội có thể giải trừ ách nạn này.
Như những phương pháp tu học này, Bồ Tát đang trong quả địa, đương nhiện không có vấn đề gì, 14 vô úy đều đã thành tựu. Thượng thượng pháp của Phật pháp, hiện nay chúng ta cũng có thể tu học. Cho nên nói, pháp môn của Chư Phật Như Lai, trong quá trình tu tập, chúng ta cũng có thể kiêm tu, nhưng nhất định phải phân biệt rõ ràng chủ và khách. Vì hiện tại ta chưa đoạn tận phiền não, tập khí, cần phải lấy tam học làm chủ. Nếu đoạn tận tập khí nghiệp chướng, lúc này lấy tam tuệ làm chủ.
Như trong kinh này nói: “Phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo”, tức là pháp tu học xả thức dùng căn, đây là pháp tu cao cấp nhất. Thành tựu của ngài là đại định Lăng Nghiêm của Như Lai quả địa, điều này phải có thứ tự.
Có rất nhiều người hỏi tôi, trước đây tôi giảng Kinh Lăng Nghiêm, có không ít người sau khi nghe xong rất muốn tu học, nhưng đây là việc không thể. Đó là do tập khí, nghiệp chướng, phiền não của quý vị quá sâu nặng. Nếu học phương pháp này sẽ không đắc lực, ngược lại còn sanh chướng ngại. Nghĩa là học tập nhất định phải đi theo thứ tự, biết căn tánh mình, biết trình độ mình, cũng biết hoàn cảnh sống hiện tại của chúng ta. Cần phải tu học như thế nào, nhất định phải đặt nền móng thật vững chắc.
Chúng ta thấy cổ nhân tu học, trước tiên cầu căn bản trí. Chúng ta từ sáng đến tối khởi vọng tưởng, trèo cao té nặng. Cao như vậy, kết quả sau cùng nhất định đọa lạc, mà còn dễ bị mê muội, rất nhiều người mê muội đều do nguyên nhân này. Chúng ta phải biết, vì sao họ mê muội? Vì họ kỳ vọng quá cao, nghiệp chướng họ quá nặng, sao không mê muội được?
Người học Phật, bất luận là tông môn hay giáo môn, bắt đầu phải lấy căn bản trí làm chủ. Cầu căn bản trí từ đâu? Cầu từ giới định tuệ, cầu từ phá ngã chấp, đoạn hai chướng, đây mới là biện pháp căn bản. Nói đến tu hành về mặt sự tướng, phải từ hiếu thân tôn sư trọng đạo, đặt nền tảng căn bản từ đây.