/ 18
917

Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Quán Thế Âm Bồ Tát

Nhĩ Căn Viên Thông Chương

Tập 9

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

 

Xin mở kinh ra, trang 150, hàng thứ năm. “Nhược hữu chư long, nhạo xuất long luân, ngã hiện long thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ thành tựu”.

Đây là thiên long bát bộ, tuy có một vài năng lực nhỏ, trong Phật pháp gọi là tiểu thần thông, nhưng họ vẫn không thể thoát khổ, cho nên họ cũng hy vọng vượt thoát loại chúng sanh này. Bồ Tát rất từ bi, chỉ cần họ phát tâm, ngài nhất định đến giúp họ. Ở trước chúng ta nói đến trời, trời cũng muốn xa lìa thiên giới, huống gì bát bộ quỷ thần? Tâm này gọi là tâm giác, tâm giác ngộ. Biết cảnh giới mình cư trú không cứu cánh, có thể xả ly, đi cầu một cảnh giới càng tốt, càng thù thắng hơn. Nói tóm lại, hoàn cảnh này đều là vì tu hành chứng quả. Vì trong đường ác, chướng ngại của họ sâu nặng hơn chúng ta rất nhiều. Cho nên tuy là rồng, chúng ta nói có rất nhiều loại, mặc dù là thiên long họ cũng hy vọng đến nhân gian, có cơ hội tiến tu.

Loại thứ ba là dược xoa. “Nhược hữu dược xoa, nhạo độ bổn luân”. “Bổn luân” nghĩa là cùng loại với họ, họ cũng muốn siêu độ cùng loại với họ. “Ngã ư bỉ tiền, hiện dược xoa thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ thành tựu”. “Dược xoa” là tiếng phạn, dịch sang tiếng Trung nghĩa là khinh tiệp. Tiệp tức là tốc độ của họ rất nhanh; khinh tức là họ bay lượn trong không trung.

Trong kinh nói hạng quỷ thần này có ba loại, một là địa hành dược xoa, một loại ở hư không, loại thứ ba ở thiên cung. Địa hành dược xoa, họ có thể bố thí tài vật, họ không thể bay lượn. Thiên dược xoa, trong việc bố thí của họ có xe ngựa, đây là nói đến tu nhân. Có thể bố thí xe ngựa, cho nên họ đạt được quả báo là có thể bay lượn. Khi Phật chuyển pháp luân, địa hành dược xoa truyền tin tức này ra. Sau khi dược xoa bay trên không nghe xong, lại triển chuyển truyền tin tức này đến trời tứ vương, và truyền đến đại phạm thiên vương.

Trong kinh nói, thiên dược xoa cũng là quỷ thần giữ thiên cung. Tuy họ phục dịch ở cõi trời, nhưng vẫn là thân phận của quỷ thần.

“Nhược càn thát bà, nhạo thoát kỳ luân, ngã ư bỉ tiền, hiện càn thát bà thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ thành tựu”. Loại này thuộc nhạc thần của trời đao lợi. Càn thát bà dịch sang tiếng Trung gọi là hương âm. Khi ở thiên cung cần họ tấu nhạc liền đốt hương, họ ngửi được mùi hương này liền tập hợp đến thiên cung. Tấu diễn nhạc trời cho thiên chúng tiêu khiển, là thuộc loại thần này, cho nên cũng là một loại quỷ thần.

“Nhược a tu la, nhạo thoát kỳ luân, ngã ư bỉ tiền, hiện a tu la thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ thành tựu”. “Tu la” chúng ta hơi quen thuộc, vì nói đến lục đạo, họ là một trong sáu đường. Trong kinh này nói về tu la rất tường tận, ngoại trừ đường địa ngục không có, bốn đường khác đều có. Họ ở cõi nào, họ hưởng thụ nghiệp báo đại khái là tương đồng với cõi đó. Cho nên nói, nhân gian có a tu la, súc sanh và ngạ quỷ đều có a tu la, trời cũng có a tu la. Trong kinh điển thường nói đến ngũ thú, ngũ thú chính là năm đường, không tính a tu la, vì a tu la ở cõi nào có thể quy vào cõi đó. Nói lục đạo là chỉ thiên a tu la, chứ không nói nhân a tu la, là chỉ thiên a tu la, tính họ thuộc một cõi. Tu la dịch sang tiếng Trung nghĩa là vô đoan chánh, mặt mày đều rất xấu xí, cũng dịch là phi thiên. Ý này chính là nói, họ có phước báo thiên nhân, nhưng không có đức hạnh của thiên nhân.

Loại này họ tu hạ phẩm thập thiện nghiệp mà được quả báo, gọi là hạ phẩm thập thiện nghiệp, tức họ không thể đoạn trừ sân nhuế ngạo mạn. Vì thế, tuy tu thập thiện nghiệp đạo, hai loại phiền não này chướng ngại họ, tức không đoạn tận tập khí này. Vì thế mặc dù có phước trời, họ không thể được thân trời, mà được thân tu la ở cõi trời.

Chúng ta biết thiên tu la, chỉ cần là tu la, bất luận họ ở cõi nào, tuy phước báo lớn nhưng họ tạo nghiệp cũng khá nặng. Sau khi hưởng hết phước báo này, nhất định đọa lạc, đây là nỗi khổ của tu la. Một khi đã giác ngộ, họ cũng muốn lìa xa quả báo này. Đương nhiên Bồ Tát Quán Thế Âm cũng giúp, khiến họ thành tựu.

“Nhược khẩn na la, nhạo thoát kỳ luân, ngã ư bỉ tiền, hiện khẩn na la thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ thành tựu”. Loại chúng sanh này trong kinh cũng dịch nó thành phi nhân. Hình trạng của họ với người không khác nhau, nhưng trên đầu mọc một cái sừng, không phải mọc hai cái sừng, mọc lên một cái sừng. Họ và càn thát bà tương tự như nhau, là nhạc thần của trời đế thích.

/ 18