Kinh Thủ Lăng Nghiêm
Quán Thế Âm Bồ Tát
Nhĩ Căn Viên Thông Chương
Tập 6
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Xin mở kinh ra, trang 146, hàng thứ sáu: “Sanh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền”, bắt đầu xem từ đây.
Chúng ta xem kinh văn của ngày hôm nay, “sanh diệt ký diệt” nghĩa là đã lìa cả hai bên sanh diệt. Gọi là giác trí năng không, lý chướng sở không, tuy đều đã lìa năng và sở, nếu cho rằng như vậy là viên mãn, cho cảnh giới này đã viên mãn, cho là cứu cánh, vậy là sai. Vì sao vậy? Vì lại đọa lạc vào bên pháp thân.
Cho nên Phật pháp lên cao một bậc đều gọi là diệu pháp, năng không và sở không đều đã diệt. Cảnh giới không tệ, nhưng như thế nào? Không cách nào đi vào diệu pháp, vì sao vậy? Vì chữ diệt của năng diệt sở diệt lại trở thành chướng ngại. Cho nên ở trước nói, tâm bồ đề sanh, tâm sanh diệt diệt. Chư vị thử nghĩ xem, cảnh giới này có tốt không? Cảnh giới này vẫn có một sanh một diệt.
Bởi vậy nếu thật sự chư vị có thể ghi nhớ những lời trong Lục Tổ Đàn Kinh, sẽ hoát nhiên đại ngộ. Lục tổ nói với ngài Ấn Tông, Phật pháp là không hai pháp, hai thì không phải Phật pháp. Tâm bồ đề sanh là một pháp, tâm sanh diệt diệt lại là một pháp, đây không phải là hai pháp ư? Cảnh giới không tệ, nhưng không diệu, không thể nhập huyền, không thể nhập diệu. Do đó phải biết sanh và diệt rốt cuộc là gì, có sanh mới có diệt. Còn diệt thì sao? Diệt cũng không thể chấp trước, cũng phải xa lìa nó, như vậy mới thật sự đạt đến năng sở đều vong, mới đạt đến thanh tịnh.
Công phu của chúng ta khi đạt đến cảnh giới tương đối, cảm thấy tâm địa mình rất thanh tịnh, tâm thanh tịnh hiện tiền. Bản thân cảm thấy hiện nay rất thanh tịnh, rất thanh tịnh tức không thanh tịnh. Tôi rất tự tại, rất tự tại tức không tự tại, vì sao vậy? Vì trong tâm thanh tịnh của mình vẫn còn cái thanh tịnh, trong tâm thanh tịnh vẫn còn cái tự tại. Vốn không có một vật, đâu ra thanh tịnh hay tự tại? Bởi vậy ta có thanh tịnh hay tự tại, đã không còn thật sự thanh tịnh hay tự tại rồi. Đương nhiên so với cảnh giới của phàm phu thông thường thì cao hơn rất nhiều.
Hai câu này là nói cảnh giới của đại Bồ Tát, cũng là cảnh giới tịch diệt nhẫn. Trong kinh luận nói rằng, tịch diệt nhẫn là cảnh giới pháp vân địa trở lên. Thập địa Bồ Tát, Đẳng giác và Như Lai quả địa, cảnh giới của ba địa vị này, cho nên tiêu chuẩn này mới cao như vậy. Quý vị xem chứng được vô sanh pháp nhẫn, vẫn có năng chứng và sở chứng, vẫn có năng và sở. Cảnh giới tịch diệt nhẫn là năng sở đều không có, là năng sở đều vong, lúc này mới thật sự thấy đạo. Nghĩa là chứng được tất cả pháp thế gian, sanh tức vô sanh, là thật sự chứng được. Tất cả pháp xuất thế gian thì sao? Là diệt cũng vô diệt.
Cảnh giới hiện tại của chúng ta, trong pháp thế gian có sanh có diệt, trong pháp xuất thế gian có diệt có sanh, đây là cảnh giới hiện tiền của chúng ta. Nhưng nhất định phải thấu triệt, cảnh giới của chư Phật và đại Bồ Tát. Thấu triệt có những lợi ích gì? Biết cảnh giới hiện tại của chúng ta không cứu cánh. Hay nói cách khác, ta nhất định phải phát tâm, phải chứng sâu hơn, nghĩa là phải nâng cao cảnh giới chính mình. Không được dừng lại nơi sở đắc hiện tại, trong cảnh giới nhỏ bé này, như vậy là sai. Đã thật sự thấu triệt, sanh thuộc huyễn sanh, diệt cũng thuộc huyễn diệt. Giống như trong Kinh Kim Cang nói: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, ở sau lại nói rằng: “tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bào ảnh”. Trong pháp hữu vi này, cũng thông pháp thế xuất thế gian. Cho nên chúng ta đừng cho rằng, pháp thế gian này là hữu vi, xuất thế gian cũng thuộc về hữu vi. Tâm lượng của hữu vi, tri kiến của hữu vi, quán hết thảy pháp đều là pháp hữu vi. Đến khi sanh diệt đã diệt, cảnh giới tịch diệt hiện tiền, quán tất cả pháp thế gian đều là pháp vô vi. Cho thấy hữu vi, vô vi, trong tất cả pháp làm gì có hữu vi hay vô vi? Không có. Hữu vi, vô vi chính là giữa mê và ngộ, đại triệt đại ngộ tức là vô vi, mê hoặc điên đảo rơi vào hữu vi. Hay nói cách khác, pháp có hữu vi và vô vi chăng? Không có, hữu vi và vô vi đều là huyễn pháp, liễu bất khả đắc.
Những ý nghĩa này trong Kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng, trong Kinh Viên Giác cũng nói rất rõ ràng. Trong Chương Thanh Tịnh Tuệ của Kinh Viên Giác nói đến cảnh giới này, hoàn toàn tương đồng với cảnh giới trong đoạn này, có thể hỗ tương tham khảo.