1.062

Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Quán Thế Âm Bồ Tát

Nhĩ Căn Viên Thông Chương

Tập 4

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

 

Mời mở kinh ra, trang 146, hàng thứ nhất.

“Sơ ư văn trung, nhập lưu vong sở, sở nhập ký tịch, động tịnh nhị tướng, liễu nhiên bất sanh, như thị tiệm tăng, văn sở văn tận, tận văn bất trụ, giác sở giác không, không giác cực viên, không sở không tịch, sanh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền. Hốt nhiên siêu việt, thế xuất thế gian, thập phương viên minh, hoạch nhị thù thắng”.

Đoạn kinh văn này có thể nói, đã nói đến phần quan trọng nhất. Ở trước từng nói với quý vị, yếu lĩnh tu hành của Bồ Tát, từ văn tư tu nhập tam ma địa. Vấn đề này đích thực phải lý giải một cách rõ ràng, sau đó chúng ta mới có thể vận dụng pháp có hiệu quả. Tuy nói như vậy, nhưng thật sự lý giải một cách rõ ràng, quả thật không phải là việc đơn giản. Khó ở đâu? Khó ở chỗ hai chướng của chúng ta quá nặng, phiền não và sở tri quá nặng.

Căn nguyên của phiền não chướng và sở tri chướng, chư vị nhất định phải hiểu. Điều này trong kinh luận thường nói, căn bản của phiền não chướng là ngã chấp, có ngã chấp là có phiền não. Chư vị thử nghĩ xem, nếu cái tôi đều không còn, phiền não từ đâu sanh ra? Không có cái tôi, thật sự vô ngã, đoạn tận phiền não. Nhưng sở tri chướng vẫn chưa đoạn, vì sao vậy? Vì sở tri chướng là pháp chấp.

Ví dụ nói, trí tuệ của hàng tiểu thừa, họ đã phá ngã chấp. Biết tướng hòa hợp của tứ đại ngũ uẩn không phải ta, trong này không có cái ta, nhưng họ vẫn chấp trước có tứ đại ngũ uẩn. Do chưa phá chấp trước này, cho nên trí tuệ của họ không thể hiện tiền. Nhưng chúng ta thấy trong đại kinh, hai loại chướng ngại này, đối với bồ đề niết bàn đều sanh khởi chướng ngại. Phiền não chướng không những chướng ngại niết bàn, mà còn chướng ngại bồ đề. Sở tri chướng không những chướng ngại bồ đề, cũng chướng ngại niết bàn. Ví dụ nói, hàng thánh giả tiểu thừa, chỉ có thể chứng thiên chân niết bàn, không thể chứng cứu cánh niết bàn. Chỉ có thể đoạn phân đoạn sanh tử của tam giới, không có năng lực đoạn biến dị sanh tử. Chúng ta ngày nay, bệnh căn ở đâu nhất định phải tìm được, không nhổ tận gốc bệnh, văn tư tu chúng ta không dùng được. Khi dùng văn tư tu, đích thực phiền não chướng đã đoạn, còn lại là sở tri chướng chưa tận, công phu của họ đều dùng vào phá sở tri chướng. Dùng tam tuệ phá sở tri chướng, tam học chủ yếu nhất là phá phiền não chướng. Đương nhiên cũng phá sở tri chướng, nhưng lấy phá phiền não chướng làm chủ. Tam học giới định tuệ, mà tam tuệ là hoàn toàn phá sở tri chướng, sở tri chướng đều phá, phiền não chướng tự nhiên không còn, đây là một chút ý nghĩa ở trước.

Ở trước cũng từng nói với chư vị, văn là từ lý mà nói, tư là từ trí mà nói, tu là từ hành mà nói. Như Kinh Viên Giác Đức Phật nói: “tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác”. Câu này không dễ lập tức lãnh hội được ý nghĩa của nó, quý vị có thể đọc đi đọc lại nhiều lần câu này, sẽ hiểu được ý nghĩa. Như đương thời đại sư Trí Giả đọc Thập Như Thị vậy, như thị tánh, tánh như thị, tánh thị như. Dùng ba cách đọc này, ý nghĩa sẽ rất rõ ràng.

“Tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác”. Chúng ta đọc ngược lại, giác huyễn tức ly, ly huyễn tức tri. Trong câu này, tri, ly, giác là một vấn đề, không phải ba, chư vị giác ngộ từ chỗ này. Hay nói cách khác, tri là trí tuệ, trí tuệ bát nhã hiện tiền. Giác là bổn giác, ly là tâm địa thanh tịnh. Như Lục tổ nói: “Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai”. Ly ở đây là lìa trần ai, không nhiễm một chút trần.

Do đây có thể biết, nếu chúng ta muốn học Phật, thật sự học Phật cầu giác. Trước tiên phải đạt được tâm địa thanh tịnh, không nhiễm chút bụi trần. Hạ thủ từ đây dễ hơn, đắc lực hơn. Nếu nói chúng ta hạ thủ từ cầu khai trí tuệ trước, tất nhiên không phải không được. Trước tiên hạ thủ từ cầu đại giác, cũng không phải không được, nhưng so ra thì khó hơn nhiều, đây là căn tánh mỗi người không giống nhau.

Căn tánh trung hạ, theo cách nhìn khách quan của chúng tôi là từ lìa huyễn, hạ thủ từ đây phương tiện hơn, nghĩa là cầu tâm thanh tịnh trước. Như Kinh Viên Giác, quý vị xem Chương Văn Thù Bồ Tát, đây là chương đầu tiên, vừa mở đầu đã đưa ra cho chúng ta một luận đề trọng tâm_“Tịnh viên giác tâm”, trước tiên đưa ra vấn đề này. Hay nói cách khác, tức là dạy chúng ta hạ công phu từ đây, cầu tâm địa thanh tịnh. Tâm thanh tịnh, thân sẽ thanh tịnh. Tâm là chủ tể của thân, tâm không thanh tịnh, thân dù thanh tịnh ra sao đều là không thanh tịnh. Tâm đã thanh tịnh, thân dù ô nhiễm thế nào vẫn là thanh tịnh, chư vị phải biết đạo lý này. Cho thấy, nhiễm hay tịnh đều tại tâm, không do sắc tướng.