/ 18
1.233

Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Quán Thế Âm Bồ Tát

Nhĩ Căn Viên Thông Chương

Tập 3

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh


Xin mở kinh ra, trang 145, dạy ta từ văn tu tư nhập tam ma địa.

Bây giờ chúng ta biết, có rất nhiều đồng học phát tâm học bộ Kinh Lăng Nghiêm này, đây là một hiện tượng rất hiếm có. Đã nhiều người phát tâm, hiện tại chúng tôi giảng là một phần quan trọng nhất trong Kinh Lăng Nghiêm. Cũng có thể nói, tinh hoa của toàn bộ kinh điển đều ở trong cuốn thứ sáu. Thật sự muốn hạ công phu đối với Kinh Lăng Nghiêm, vậy thì không thể dễ dàng bỏ qua toàn kinh. Nhưng chúng ta đọc chú giải, cũng phải có một phạm vi. Nếu chú giải này xem quá nhiều, quá tạp, vậy thì không thể đi vào con đường này. Hiện nay quý vị tu học đều lấy giảng nghĩa của pháp sư Viên Anh làm chủ, có thể tham khảo Lăng Nghiêm Chánh Mạch của đại sư Giao Quang, chúng ta chỉ hạn chế hai loại này.

Nếu chư vị muốn đưa ra vấn đề, chỉ cần đưa ra trong hai loại chú giải này, tôi trả lời. Còn như quý vị đưa ra vấn đề trong các chú giải khác, tôi sẽ không trả lời. Chúng ta phải thu nhỏ phạm vi, như vậy nghiên cứu mới có tâm đắc. Phạm những bộ phận chưa học đến, chư vị tự mình xem, có vấn đề nhất định phải đưa ra nghiên cứu thảo luận.

Hôm nay chúng ta tiếp tục xem đoạn kinh văn này, nói tường tận chương này, hai lần trước giới thiệu với chư vị về Bồ Tát Quán Tự Tại. Vì trong chương này, Bồ Tát Quán Tự Tại làm trọng tâm. Nếu chúng ta không biết thế nào gọi là Quán, thế nào gọi là Tự Tại, vậy thì tông chỉ của chương này, quý vị rất khó lãnh hội được.

Ở trước đã giới thiệu về Bồ Tát Quán Thế Âm, lại nói rõ với quý vị về phát tâm bồ đề. Hôm nay nói “bỉ Phật”, chính là thầy của ngài, Phật Quán Thế Âm. Quý vị xem, dạy ngài tu như thế nào? Dạy ngài “từ văn tư tu, nhập tam ma địa”. Đây chính là nói rõ phương pháp tu hành, “văn tu tư” cũng không dễ lãnh hội được. Nếu chúng ta nhìn chữ đoán nghĩa, văn là nghe, tư là tư duy, tu là tu sửa những sai lầm này của chúng ta. Nếu lãnh hội ý nghĩa như thế, đó là sai lầm. Lãnh hội về ý nghĩa này như thế, đây là Phật dạy hàng sơ học, chúng ta nói đến văn tư tu của hàng sơ học. Ở đây Bồ Tát Quán Tự Tại đã là pháp thân đại sĩ, nói cách khác, nếu theo pháp môn Tịnh độ mà nói. Họ đã chứng được nhất tâm bất loạn, đã nhập vào pháp môn bất nhị, làm gì còn có văn tư tu, ba vấn đề này. Chúng ta nhất định phải biết điều này.

Thông thường trong Phật pháp nói, sở học của hàng tiểu thừa là tam học. Tam tuệ so với tam học cao hơn nhiều, chúng ta nhất định phải hiểu điều này. Tam tuệ là một, một mà ba, ba mà một. Tuệ là gì? Là tuệ của giới định tuệ. Nói cách khác, không có tuệ, làm gì có văn tư tu? Văn là tuệ, tư là tuệ, tu vẫn là tuệ, đây gọi là tam tuệ.

Gọi là văn, chỉ cần lấy ý nghĩa của chữ này, quý vị nhất định thấu triệt được nội dung. Nhĩ căn tiếp xúc với âm trần, nó dùng chữ này để làm tượng trưng. Trên thực tế, những gì nó nói chính là lục căn tiếp xúc với cảnh giới lục trần. Từ tiếp xúc mà nói, chúng ta gọi là văn. Vừa tiếp xúc đã thấu hiểu, đã thông đạt, đây gọi là tư. Cho thấy, tuyệt đối không phải thông qua tư duy, trong này nhất định không dùng đệ lục ý thức. Nếu quý vị nói, trong bát chánh đạo nói về chánh tư duy. Chúng ta muốn nói bát chánh đạo, bát chánh đạo còn có tiểu thừa, đại thừa. Chánh tư duy của tiểu thừa, vẫn là đệ lục ý thức. Chánh tư duy của đại thừa, là lìa tâm ý thức, đây là nói về ý nghĩa của tư. Có thể thấy, tư nó tuyệt đối không phải dùng đệ lục ý thức, tư duy tưởng tượng, chúng ta nhất định phải hiểu vấn đề này.

Tu có nghĩa là gì? Chính là ta vừa tiếp xúc liền giác ngộ, liền thấu triệt, liền thông đạt. Từ thấu triệt thông đạt, gọi là tư. Thấu triệt thông đạt, đương nhiên không mê hoặc, không điên đảo. Từ không mê hoặc không điên đảo, gọi là tu. Quý vị thử nghĩ xem, thực tế mà nói ba chữ văn tư tu này cùng một ý nghĩa, là những gì Bồ Tát đại thừa tu học.

Bây giờ chúng ta muốn hỏi, chúng ta có làm được hay không? Chúng ta không làm được. Vì sao không làm được? Vì chúng ta căn bản không có tuệ. Người học Phật phải thừa nhận điều này, tuyệt đối đừng nói “tôi có trí tuệ”. Đó là mê hoặc điên đảo, đây là tăng thượng mạn, cống cao ngã mạn, tuyệt đối không có trí tuệ. Vì sao nói không có trí tuệ? Vì ta không có thiền định, trí tuệ từ thiền định sanh ra. Ta không có thiền định, không được nhất tâm, vậy thì làm gì có trí tuệ.

/ 18