/ 18
1.288

Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Quán Thế Âm Bồ Tát

Nhĩ Căn Viên Thông Chương

Tập 2

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

 

Xin mở kinh ra, trang 145, hàng thứ hai từ dưới đếm lên. Chúng ta vẫn đọc từ ở trước.

“Nhĩ thời Quán Thế Âm Bồ Tát, tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, nhi bạch Phật ngôn: Thế Tôn, ức niệm ngã tích, vô số hằng hà sa kiếp, ư thời hữu Phật, xuất hiện ư thế, danh Quán Thế Âm. Ngã ư bỉ Phật, phát bồ đề tâm, bỉ Phật giáo ngã, tùng văn tư tu, nhập tam ma địa”.

Ở trước chúng ta nói rõ về ba chữ Quán Thế Âm, điều này rất quan trọng, hôm nay nói với quý vị về phát tâm.

Ở đây nói: “Ngã ư bỉ Phật phát tâm bồ đề”. “Bỉ Phật” là chỉ cổ Phật Quán Âm. Thầy của ngài tên là Quán Thế Âm, học sinh cũng gọi là Quán Thế Âm. Nếu chúng ta tu học theo pháp môn này, chúng ta cũng là Quán Thế Âm. Ở đây Bồ Tát Quán Thế Âm là Đẳng giác Bồ Tát, chúng ta hiện nay là hàng sơ học, Quán Thế Âm sơ phát tâm. Nhất định có cảm ứng đạo giao, nhất định có cảm ứng. Chỉ cần quý vị thật sự phát tâm, phát tâm rất quan trọng.

Phát tâm gì? Chư vị phải nhớ, phải phát tâm bồ đề. Nói đến tâm bồ đề, chúng ta nghe rất quen tai, thường nghe. Bản thân chúng ta cũng biết khuyên người khác, phải phát tâm bồ đề. Thế nào gọi là tâm bồ đề? Không biết, như vậy làm sao phát tâm? Nam Mô A Di Đà Phật, sáu chữ này chính là phát tâm bồ đề.

 A Di Đà Phật dịch sang tiếng Trung nghĩa là vô lượng giác. Vô lượng giác là gì? Chính là trong kinh thường nói A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

Nam mô nghĩa là quy y, quy y là sao? Trước đây chúng ta không giác, hiện nay quay đầu cầu giác, đây là quy y. Từ bất giác quay đầu lại, đây là quy. Y là gì? Nương vào vô lượng giác. Cho nên tâm bồ đề, bồ đề là tiếng Ấn độ, dịch sang tiếng Trung nghĩa là giác. Tâm bồ đề chính là tâm giác, giác là đối với mê mà nói. Nếu trong tất cả cảnh giới mê mà không giác, đó không phải tâm bồ đề. Nếu trong tất cả cảnh giới giác mà không mê, đây chính là tâm bồ đề. Bởi vậy chư vị phải nhớ điều này, trong kinh Phật thường nói chánh tri chánh kiến, lại thường gọi là chánh tri chánh giác, những chữ này đều là tâm bồ đề. Nhưng trong kinh thường nói với chúng ta, Bồ Tát trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh, đây cũng là tâm giác. Tâm giác, nhất định là hành sự như vậy, không thể thượng cầu hạ hóa, đây là không giác.

Tâm bồ đề, trong Đại Thừa Tín Khởi Luận nói với chúng ta, Bồ Tát Mã Minh giải thích với chúng ta là trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm. Chư vị tổ sư đại đức ngày xưa chú giải kinh luận, hầu như đại đa số đều nương theo ý nghĩa của Khởi Tín Luận để giải thích tâm bồ đề.

Trong các buổi giảng chúng tôi cũng nói rất nhiều, tuy nói rất nhiều lần, chư vị vẫn chưa phát tâm này. Hay nói cách khác, nói thêm vài lần cũng không sao, vì sao vậy? Vì ta chưa phát. Thế nào gọi là trực tâm? Hiện nay tâm chúng ta đã trực chưa? Tự cho rằng rất trực, rất chánh, rất chánh trực. Đó là tự cho đã chánh trực. Cho nên tiêu chuẩn tâm bồ đề, chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Phát tâm bồ đề rồi, nói cho chư vị biết, quý vị đã khai ngộ, đã chứng quả. Vì sao vậy? Chúng ta biết, người mà tâm bồ đề hiện tiền, là Viên giáo sơ trụ Bồ Tát. Trong pháp môn Tịnh độ gọi là lý nhất tâm bất loạn, tâm bồ đề hiện tiền. Do đây có thể biết, đại triệt đại ngộ, giác mà không mê. Sự nhất tâm vẫn mê, lý nhất tâm không mê. Là cảnh giới Viên giáo sơ trụ, cảnh giới Biệt giáo sơ địa trở lên, chúng ta phải nhận thức rõ ràng điều này.

Nói như vậy, sau khi quý vị nghe xong, tuyệt đối không được sanh tâm tự ti tự khuất. Vừa nghe nói Viên giáo sơ trụ, Biệt giáo sơ địa, tôi làm sao được? Tôi quá kém! Chúng ta không được sanh khởi tâm này, vì sao vậy? Vì Viên giáo sơ trụ, lý nhất tâm, chúng ta có thể chứng được, mỗi người đều có phần. Đừng vừa nghe đến liền khiếp sợ, cảnh giới này quá cao, địa vị quá cao, chúng ta không có phần. Không có phần, vậy chúng ta nói đến nó làm gì? Chúng ta đã giảng giải ở đây, đương nhiên là có phần. Mặc dù hôm nay ta mới đến nghe kinh, trước đây chưa từng nghe, ta cũng có phần. Nếu không có phần, nhân duyên này ta không gặp được. Còn như gặp được, chứng tỏ quý vị có duyên. Trong đời quá khứ ta có thiện căn phước đức, mới gặp được nhân duyên này.

/ 18