/ 18
5.718

Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Quán Thế Âm Bồ Tát

Nhĩ Căn Viên Thông Chương

Tập 1

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

 

Xin mở kinh ra, trang 145, hàng thứ tư từ dưới đếm lên. Chúng ta đọc trước vài câu kinh văn, để dễ so sánh.

“Nhĩ thời Quán Thế Âm Bồ Tát, tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, nhi bạch Phật ngôn: Thế Tôn, ức niệm ngã tích, vô số hằng hà sa kiếp, ư thời hữu Phật, xuất hiện ư thế, danh Quán Thế Âm. Ngã ư bỉ Phật, phát bồ đề tâm, bỉ Phật giáo ngã, từng văn tư tu, nhập tam ma địa”.

Đây là từ nơi bản kinh này của chúng ta, kinh văn không phân quyển, trong các bản kinh thông thường khác, đoạn này là mở đầu quyển thứ sáu. Ở trước cũng từng nói với chư vị về tinh hoa của Kinh Lăng Nghiêm, chính là quyển này. Trong quyển này bao gồm ba đoạn lớn.

Đoạn thứ nhất là Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương, cũng chính là hiện tại chúng ta đang học. Chương này có thể nói, nó nói đến một điển phạm tốt nhất để tu Lăng Nghiêm đại định. Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương là khế hợp với căn cơ của tất cả chúng sanh khắp mười phương thế giới, cho nên đó là chương đặc biệt không sắp xếp theo thứ tự. Nếu đúng theo thứ tự, Đại Thế Chí Viên Thông Chương là căn đại. Trong thất đại, địa thủy hỏa phong không kiến thức, kiến này chính là căn, thuộc về căn đại. Đúng ra nó phải được xếp trước Di Lặc, Di Lặc là thức đại. Thứ tự điên đảo nghĩa là nói, nó là pháp môn đặc biệt.

Quan Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương, trong lục căn, trong bốn khoa thất đại, phải xếp ở vị trí thứ hai. Nhãn căn tiếp theo là nhĩ căn. Nó xếp sau cùng, ý này nói lên điều gì? Phương pháp tu hành của Bồ Tát Quán Thế Âm, thích hợp với chúng sanh ở thế giới Ta bà nhất. Hay nói cách khác, quả thật là cùng chí hướng với chúng ta. Bồ Tát Quán Thế Âm rất nổi tiếng ở thế giới Ta Bà, gọi là nhà nhà Quán Thế Âm, hộ hộ Di Đà Phật, điều này có nguyên nhân. Chúng ta với Bồ Tát Quán Thế Âm quả thật cùng chí hướng, phương pháp tu hành của ngài thích hợp với chúng ta nhất. Đây là chương thứ nhất, Bồ Tát Quán Thế Âm tu hành thành Phật ra sao. Đây là cung cấp yếu lĩnh tu học tốt nhất cho chúng ta.

Đoạn lớn thứ hai chính là Bồ Tát Văn Thù Giản Tuyển Viên Thông, chương này cũng rất quan trọng. 25 vị Bồ Tát, mỗi vị nói phương pháp tu hành của họ, Bồ Tát Văn Thù thay chúng ta chọn. Chúng sanh ở thế giới Ta Bà chúng ta, ngài đại diện chúng ta chọn. Ngài chọn chính là Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông, đây là ngài chọn, ngài chọn giúp chúng ta.

Đoạn thứ ba là trong Kinh Lăng Nghiêm nói về một môn giới luật, quyển kinh này quả thật tam học giới định tuệ đều có. Nhĩ Căn Viên Thông Chương nói về định học, Văn Thù Bồ Tát Giản Tuyển thuộc về giới học, bốn loại ở sau Thanh Tịnh Minh Hối là giới học.

Ngày xưa, khi tôi giảng Kinh Lăng Nghiêm tại HongKong, gặp hòa thượng Hải Nhân, khi chúng tôi gặp nhau, ngài đã hơn 90 tuổi. Ở HongKong, người ta xưng hòa thượng Hải Nhân là vua Thủ Lăng Nghiêm, ngài suốt đời chuyên tham cứu Lăng Nghiêm. Tôi đến thăm ngài, chúng tôi cùng thảo luận Kinh Lăng Nghiêm. Ngài đặc biệt nói rõ với tôi, quyển thứ sáu chính là tinh hoa của Kinh Lăng Nghiêm. Mặc dù không có năng lực, hoặc là không có thời gian đọc toàn kinh. Có thể đọc được quyển này là đủ, cho nên nói quyển này rất quan trọng.

Tôi ở HongKong chưa giảng hết Kinh Lăng Nghiêm, cũng giảng được hai đoạn. Giảng tại Cửu Long, chính là nói đến ba quyển trước, vừa đúng chúng ta đã nói đến đoạn này. Về sau ở giảng đường Quang Minh giảng quyển thứ sáu, hay nói cách khác, cũng là đem phần tinh hoa của Kinh Lăng Nghiêm nói ra.

Hy vọng chư vị đồng tu, phải đặc biệt lưu ý đối với quyển kinh này. Tương lai bất luận tu học theo pháp môn nào, đều có lợi ích rất lớn. Vì những gì kinh điển nói, đều thuộc về nguyên lý nguyên tắc, có thể vận dụng vào bất kỳ pháp môn nào. Đặc biệt là tu Tịnh độ, Quán Âm và Thế Chí là hai cánh tay đắc lực của Phật A Di Đà. Giống như một trường học vậy, nếu Phật A Di Đà là hiệu trưởng, Bồ Tát Quán Thế Âm là chủ nhiệm giáo vụ, Bồ Tát Đại Thế Chí là chủ nhiệm huấn đạo, có tính chất như vậy. Cho nên rất quan trọng, đặc biệt là tương ưng với pháp môn Tịnh độ. Đây là giới thiệu đại ý quyển thứ sáu cho chúng ta.

/ 18