620

PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ KINH YẾU GIẢI GIẢNG KÝ

Phần 8

佛說阿彌陀經要解講記

Diêu Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch kinh

姚秦三藏法師鳩摩羅什譯

Sa-môn Tây Hữu Ngẫu Ích Trí Húc chú giải vào đời Thanh

清西有沙門蕅益智旭解

Pháp sư Tịnh Không giảng thuật

淨空法師講述

Cư sĩ Lưu Thừa Phù ghi chép

劉承符居士記

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

(theo bản in của Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội năm 2006)

Giảo duyệt: Minh Tiến, Huệ Trang, Vạn Từ và Đức Phong

 

(Giải) Bất vị Kiến Tư loạn, cố cảm biến hóa thân Phật, cập chư thánh chúng hiện tiền, tâm bất phục khởi, Sa Bà giới trung, tam hữu điên đảo, vãng sanh Đồng Cư, Phương Tiện, nhị chủng Cực Lạc thế giới.

  (解)不為見思亂。故感變化身佛。及諸聖眾現前。心不復起。娑婆界中。三有顛倒。往生同居方便。二種極樂世界。

  (Giải: Chẳng bị Kiến Hoặc và Tư Hoặc làm loạn, nên cảm được thân biến hóa của Phật và các vị thánh hiện tiền. Do tâm chẳng còn dấy lên ý niệm điên đảo thuộc về ba cõi trong thế giới Sa Bà, nên người ấy sẽ sanh vào hai cõi Đồng Cư và Phương Tiện trong thế giới Cực Lạc).

 

  Đoạn văn chú giải này nói tới quả báo thù thắng nhất của sự niệm Phật. Trong phần kinh văn ở trên có một đoạn ghi: “Kỳ nhân lâm mạng chung thời, A Di Đà Phật dữ chư thánh chúng hiện tại kỳ tiền. Thị nhân chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật Cực Lạc quốc độ” (Khi người ấy lâm chung, A Di Đà Phật và các thánh chúng hiện ra trước mặt. Khi người ấy mất, tâm chẳng điên đảo, liền được sanh về cõi nước Cực Lạc của A Di Đà Phật). Khi người ấy lâm chung, A Di Đà Phật và các vị thánh chúng đến trước mặt tiếp dẫn. “Bất vị Kiến Tư sở loạn” (chẳng bị Kiến Hoặc, Tư Hoặc nhiễu loạn), câu này trọng yếu nhất. Nếu chẳng đạt tiêu chuẩn này, sẽ chẳng thể vãng sanh. Lúc bình thường, đối với pháp thế gian và Phật pháp luôn có thể chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, tức là chẳng bị cảnh giới nhiễu loạn, sẽ quyết định vãng sanh. Công phu này là “năng cảm” (chủ thể tạo ra sự cảm ứng), Phật đến tiếp dẫn là “sở cảm” (điều được cảm ứng). Trong tâm chẳng còn có [những vọng niệm thuộc về] “tam hữu” của thế giới Sa Bà nữa. “Tam hữu” là Dục Giới Hữu, Sắc Giới Hữu, và Vô Sắc Giới Hữu. Nói cách khác, hết thảy cảnh duyên trên trời hay trong cõi người đều chẳng động tâm thì sẽ có thể sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư và cõi Phương Tiện Hữu Dư.

 

  (Giải) Bất vị Nhị Biên loạn, cố cảm thụ dụng thân Phật, cập chư thánh chúng hiện tiền, tâm bất phục khởi sanh tử, Niết Bàn nhị kiến điên đảo, vãng sanh Thật Báo, Tịch Quang nhị chủng Cực Lạc thế giới.

 

(解) 不為二邊亂。故感受用身佛。及諸聖眾現前。心不復起生死涅槃二見顛倒。往生實報寂光二種極樂世界。

 

  (Giải: Chẳng bị Nhị Biên nhiễu loạn nên cảm được thân thụ dụng của Phật và các vị thánh hiện tiền, tâm chẳng còn khởi lên hai món kiến giải điên đảo sanh tử và Niết Bàn nên sanh về hai cõi Thật Báo và Tịch Quang của thế giới Cực Lạc).

 

  Người vãng sanh được thấy Hóa Thân hay là Báo Thân, A Di Đà Phật trọn chẳng phân biệt, đấy là do hạnh nguyện của chúng sanh niệm Phật cảm thành. Chúng sanh có cảm, Phật sẽ có ứng. Cảm ứng đạo giao, pháp vốn sẵn như thế. Điều này cũng cho thấy “sanh thì quyết định sanh, đi thì thật sự chẳng đi”. Niệm đến Lý nhất tâm thì đức Phật hiện ra tiếp dẫn khi lâm chung là Báo Thân Phật. “Tâm bất phục khởi sanh tử, Niết Bàn nhị kiến điên đảo” (Tâm chẳng còn khởi lên hai món kiến giải điên đảo là sanh tử và Niết Bàn), sanh tử là một bên, còn Niết Bàn là bên kia, người ta thường có ý niệm phân biệt ấy, ngỡ thế giới Sa Bà là bên này, còn Cực Lạc là bên kia. Niệm đến Lý nhất tâm thì những ý niệm ấy đều chẳng  còn  nữa, tâm  thật  sự  thanh tịnh, có thể sanh về cõi Thật Báo và Thường Tịch Quang của Tây Phương.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net