/ 9
891

Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký

Phần 3

佛說阿彌陀經要解講記

Diêu Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch kinh

姚秦三藏法師鳩摩羅什譯

Sa-môn Tây Hữu Ngẫu Ích Trí Húc chú giải vào đời Thanh

清西有沙門蕅益智旭解

Pháp sư Tịnh Không giảng thuật

淨空法師講述

Cư sĩ Lưu Thừa Phù ghi chép

劉承符居士記

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

(theo bản in của Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội năm 2006)

Giảo duyệt: Minh Tiến, Huệ Trang, Vạn Từ và Đức Phong


IV. Giải thích chánh kinh

(Giải) Nhập văn phân tam: Sơ Tự Phần, nhị Chánh Tông Phần, tam Lưu Thông Phần. Thử tam danh Sơ Thiện, Trung Thiện, Hậu Thiện. Tự như thủ, ngũ quan cụ tồn. Chánh Tông như thân, phủ tạng vô khuyết. Lưu Thông như thủ túc, vận hành bất trệ. Cố, Trí Giả thích Pháp Hoa, sơ nhất phẩm giai vi Tự, hậu thập nhất phẩm bán, giai vi Lưu Thông. Hựu nhất thời Tích Bổn nhị môn, các phân tam đoạn, tắc Pháp Sư đẳng ngũ phẩm, giai vi Tích Môn lưu thông. Cái Tự tất đề nhất kinh chi cương, Lưu Thông tắc pháp thí bất ủng, quan hệ phi tiểu. Hậu nhân bất đạt, kiến kinh văn sảo thiệp nghĩa lý, tiện phán nhập Chánh Tông, trí Tự cập Lưu Thông cận tồn cố sáo, an sở xưng “sơ ngữ diệc thiện, hậu ngữ diệc thiện” dã tai?

(解)入文分三。初序分。二正宗分。三流通分。此三名初善。中善。後善。序如首。五官具存。正宗如身。腑臟無闕。流通如手足。運行不滯。故智者釋法華。初一品皆為序。後十一品半。皆為流通。又一時跡本二門。各分三段。則法師等五品。皆為跡門流通。蓋序必提一經之綱。流通則法施不壅。關係非小。後人不達。見經文稍涉義理。便判入正宗。致序及流通。僅存故套。安所稱初語亦善。後語亦善也哉。

(Giải: Bước vào phần kinh văn, chia thành ba phần: Một là Tự Phần, hai là Chánh Tông Phần, ba là Lưu Thông Phần. Ba phần này gọi là Sơ Thiện, Trung Thiện, Hậu Thiện. Tự giống như đầu, ngũ quan[1] đầy đủ. Chánh Tông như thân, tạng phủ chẳng thiếu. Lưu Thông như chân tay, đi lại không trở ngại. Vì thế, ngài Trí Giả chú giải kinh Pháp Hoa, coi một phẩm đầu là Tự Phần, mười một phẩm rưỡi trong phần cuối đều thuộc Lưu Thông Phần. Lại trong một thời, chia thành hai môn Tích và Bổn, đối với mỗi môn đều chia thành ba đoạn, tức là năm phẩm như phẩm Pháp Sư v.v... đều thuộc Lưu Thông Phần của Tích Môn. Bởi lẽ, Tự Phần ắt phải nêu lên cương lãnh của một bộ kinh, Lưu Thông Phần chính là pháp thí không úng tắc. Quan hệ chẳng nhỏ! Người đời sau chẳng thông hiểu, hễ thấy phần kinh văn nào dính dáng đôi chút nghĩa lý bèn phán định thuộc phần Chánh Tông, đến nỗi Tự Phần và Lưu Thông Phần chỉ còn là khuôn sáo cũ kỹ, đâu đáng được gọi là “những câu nói trong phần đầu cũng tốt lành, những lời nói cuối cùng cũng tốt lành” đó ư?)


Đoạn văn giảng giải trong phần này nhằm nêu rõ cách phân chia kinh văn thành từng khoa. Tại Trung Quốc, dưới thời Đông Tấn, pháp sư Đạo An đã chia mỗi bộ kinh thành ba đoạn lớn, trước đó không hề có lệ này. Thuở ấy, có người chẳng tán đồng làm như vậy là đúng. Về sau, bộ Phật Địa Luận[2] (tức bản chú giải phẩm Thập Địa của kinh Hoa Nghiêm) của pháp sư Thân Quang tại Ấn Độ được truyền đến Trung Quốc, sau khi được dịch ra thì [người đọc mới thấy ngài Thân Quang] cũng chia kinh văn thành ba phần Tự, Chánh Tông và Lưu Thông. Từ đấy về sau, hết thảy kinh văn đều tuân theo cách phân đoạn này. Cách phân khoa kinh A Di Đà của Ngẫu Ích đại sư có chỗ khác biệt với cổ đức nên Ngài đặc biệt nêu lên cách Thiên Thai Trí Giả đại sư giảng kinh Pháp Hoa, gồm Sơ Thiện, Trung Thiện, Hậu Thiện, [tức là] cả ba phần đều tốt lành. Tự Phần giống như đầu, Chánh Tông Phần giống như thân, Lưu Thông Phần như chân tay, cả ba phần đều tốt lành, chẳng phân chia cao thấp. Trí Giả đại sư là một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, nếu quý vị muốn biết cặn kẽ, xin hãy đọc Trí Giả Đại Sư Truyện. Kinh Pháp Hoa gồm hai mươi tám phẩm, chia thành hai phần trước và sau. Nửa phần trước gọi là Tích Môn, nửa phần sau gọi là Bổn Môn. “Tích” (跡) là nói về sự tướng hoàn toàn hiển lộ trước mặt chúng ta. “Bổn” (本) là nói về quả vị đã chứng đắc trong quá khứ. Giống như Quán Thế Âm Bồ Tát, luận về Tích thì Ngài dùng thân phận Bồ Tát vào thế gian hóa độ chúng sanh. Luận theo Bổn, Ngài đã thành Phật từ lâu, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, thả chiếc bè từ, dùng thân phận Bồ Tát giáng thế độ sanh. Lại như đại đệ tử của đức Thế Tôn là ngài Xá Lợi Phất, [mang thân phận] là Tiểu Thừa Tứ Quả A La Hán, nhưng ngài Xá Lợi Phất cũng là cổ Phật tái lai.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 9