/ 40
416

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TỐT CHÂN THẬT ĐÚNG NHƯ PHÁP

Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc

Tập 36

Xin chào các vị bằng hữu, chào mọi người!

Chúng ta vừa mới nói đến hành thiện. Hành thiện đầu tiên là “giữ tâm ái kính”. Có tâm kính yêu này thì hành vi của bạn đều ở trong thiện, đều ở trong đức. Thứ hai, chúng ta phải “kính trọng tôn trưởng”. Đối với người lớn, đối với người có đức hạnh, chúng ta phải cung kính, phải khiêm cung đối xử với họ. Thứ ba là “làm thiện cùng người”. Chúng ta có cái tâm này, luôn luôn đi giúp đỡ người khác làm việc thiện, có thể từ trên thái độ, từ trên ngôn ngữ, thậm chí là họ bỏ sức, bạn bỏ tiền, có tiền bỏ tiền, có sức bỏ sức, đây cũng là “làm thiện cùng người”. Thứ tư, “khuyên người làm thiện”. Cũng vừa mới nói đến, có thể dùng ngôn ngữ khuyên người, có thể dùng sách khuyên người. Thời đại hiện nay, điều quan trọng nhất là phải dùng hành vi, đức hạnh để cảm hóa người mới có thể khuyên bảo người khác.

Vào thời cổ đại, rất nhiều bậc Thánh Hiền rất biết cách khuyên người. Ngày xưa có một vị hiền giả tên là Quản Ninh, các vị có nghe qua “Quản Ninh Cắt Chiếu” chưa? Quản Ninh và một người bạn học của ông tên là Hoa Hâm cùng nhau đọc sách. Bên ngoài nhà lúc đó có người cưới vợ, rất náo nhiệt. Tiếng âm nhạc, gõ chiêng, đánh trống náo nhiệt truyền đến. Quản Ninh tiếp tục đọc sách của mình, còn bạn của ông Hoa Hâm lập tức đứng lên, bước đến bên cửa sổ, nhìn đông nhìn tây. Hiện tại trẻ nhỏ như vậy có nhiều không? Vừa có tiếng động nhỏ lập tức liền không chuyên tâm. Sau khi thấy người bạn này trở lại rồi thì Quản Ninh cầm một con dao, rạch từ ngay giữa, nói: “Bắt đầu từ hôm nay, tôi không làm bạn với anh nữa”. Quản Ninh rất biết nhìn ra tình trạng sau này của một người từ chỗ vi tế. Bởi vì một chút xíu âm thanh như vậy mà tâm của bạn đã không thể tĩnh được, thế thì bạn đọc sách Thánh Hiền chắc chắn rất khó khế nhập được.

Ngoài ra, có một lần, hai người trong lúc đang làm ruộng, dưới đất có một miếng vàng rất nhỏ. Quản Ninh tiếp tục cuốc đất, còn Hoa Hâm vừa nhìn thấy thì lập tức nhặt nó lên. Đây chính là nói, người có ăn học đối với những thứ vàng bạc này cho dù bày ngay trước mắt cũng bất động như núi. Nhưng Hoa Hâm vừa nhìn thấy, lập tức toàn bộ tâm cảnh liền cảm thấy rất thỏa lòng.

Tiên sinh Phạm Trọng Yêm lúc đi học ở trong một ngôi chùa, ngẫu nhiên phát hiện một đống vàng. Vào lúc đó, ông rất nghèo, chúng ta nói cơm cháo cầm hơi. Nấu một nồi cháo, sau khi nấu xong để cho nó tự khô, vò lại với nhau thành một cục lớn, sau đó lấy dao cắt ra, mỗi bữa ăn một phần. Trong tình trạng nghèo khó như vậy, phát hiện một đống vàng thì như thế nào vậy? Có phải mau mau đi mua chocolate để ăn không? Ông hoàn toàn không bị nó làm dao động. Ông đem nó lấp lại. Sau đó ông thi đỗ công danh, vì nhân dân phục vụ, hết lòng hết sức. Lúc đó có một nhân duyên, ngôi chùa này biết ông đã công thành danh toại liền đi tìm ông để hóa duyên. Phạm Trong Yêm nói: “Được rồi! Tôi quyên chừng đó tiền vậy”. Người nghe rất kinh ngạc: “Ông hiện nay cũng không có tiền nhiều như vậy mà!”. Ông nói: “Anh về cái góc nọ ở trong chùa mà đào, chỗ đó có một túi vàng”. Đi đào thì quả thật chính là cái túi vàng đó. Cho nên, một người khi còn chưa có danh, chưa có lợi, họ vẫn có thể không bị dao động bởi danh lợi, đây là công phu chân thật của người có học, gọi là “bần tiện bất năng di, phú quý bất năng dâm”. Ông có công phu như vậy mới có thể ở trong quan trường phức tạp (hiện nay là thương trường), không dễ dàng, có thể “đi qua một rừng hoa mà thân không dính lá”. Không có đức hạnh chân thật, tôi thấy không thể qua cửa nổi rồi. Quả thật, những người có học này đã có nền móng rồi.

Quản Ninh nhìn thấy cái tâm ý này, những tập khí này của bạn mình, ông có thể suy ra kết luận người đó về sau nếu như bước vào quan trường sẽ rất nguy hiểm. Chúng ta nói, bày một triệu ở trước mắt thì bất động, bày mười triệu ở trước mắt mà vẫn bất động, bày 100 triệu liền suy nghĩ lại xem. Cho nên con người đối với tài, nếu không thật sự hiểu rõ đạo lý thì rất có khả năng sẽ không ngăn nổi cám dỗ. Cho nên, học vấn vẫn phải đặt nền tảng thật sâu. Quản Ninh sau đó làm quan vô cùng nghiêm túc và rất thanh liêm. Ông cũng luôn luôn quan sát tình hình của nhân dân có những chỗ nào cần phải giáo hóa.

Có lần ông phát hiện người dân khu vực ông quản lý chỉ vì múc nước mà tranh tới tranh lui, thậm chí còn ra tay đánh nhau, bởi vì giếng rất ít cho nên mọi người xếp hàng, đến cuối cùng thì tranh chấp. Ông không có trực tiếp đến ngăn chặn, mà ông đi mua rất nhiều thùng nước mới. Lúc trời còn chưa sáng, ông tự mình cùng với một số người thuộc hạ múc nước này đổ vào thùng để ở bên cạnh giếng. Rất nhiều người dân vốn dĩ dự định hôm nay 4 giờ rưỡi phải đi, nếu không lại bị người ta chiếm mất vị trí. Khi mỗi người đi đều chỉ nghĩ mình phải nhanh chóng xông lên, nhưng khi đến bên giếng thì thấy người ta đều giúp họ múc nước xong rồi, bỗng nhiên nghĩ lại cái tình cảnh tranh tới tranh lui mỗi ngày, mỗi người đều bắt đầu sinh khởi tâm hổ thẹn. Bởi do Quản Ninh là quan phụ mẫu như vậy, ông biết dùng phương pháp thiện xảo đánh thức tâm hổ thẹn của nhân dân, do đó phong khí giúp đỡ lẫn nhau của toàn bộ làng quê liền dần dần hình thành. Cho nên khuyên người quả thật là phải có trí huệ cao độ.

/ 40