257

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TỐT CHÂN THẬT ĐÚNG NHƯ PHÁP

Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc

Tập 21

Xin chào các vị bằng hữu, chào mọi người!

Tiết học trước chúng ta đã nói đến “bác học” là học rộng uyên thâm. Trong học rộng uyên thâm, quan trọng nhất là phải học tập từ phương diện cuộc sống. Chúng ta cũng nói đến việc trẻ nhỏ phải biết tự lo liệu cuộc sống như thế nào, từ việc chúng tự mình ra sức làm việc nhà mà bắt đầu huấn luyện việc tự chăm lo cuộc sống của chính mình. Từ nhỏ mà chúng biết được cách tự mình quản lý cuộc sống và sinh hoạt của chính mình, trong lúc chúng lao động thì sẽ hiểu được cách đối đãi với người, đặc biệt là biết cảm ân đối với cha mẹ của mình. Bởi vì từ nhỏ đã lao động cho nên chúng sẽ trở nên cần cù, thường sẽ biết cách lao động và biết chủ động giúp đỡ người khác. Vì thế mà các mối quan hệ nhân tế của chúng cũng trở nên tốt hơn, cũng nhận được sự hoan nghênh của người khác. Trong quá trình lao động đó cũng sẽ nâng cao được sức ý chí, nâng cao năng lực đảm đương công việc của chúng. Đây cũng là điều đang thiếu hụt của trẻ trong xã hội hiện tại. Vì vậy, trong đời sống thường ngày chúng ta cũng phải huấn luyện cho trẻ làm việc nhà.

Điểm thứ hai chính là vấn đề lễ nghĩa trong đời sống.

Khổng Lão Phu Tử nói: “Bất học lễ vô dĩ lập”, người không có lễ phép sẽ rất khó có được chỗ đứng trong xã hội, có thể thường xuyên vì một câu nói vô ý, một động tác vô ý mà thất lễ mà đắc tội với người khác, vô tình đã tăng thêm rất nhiều những trở ngại đối với chính mình. Nhưng người có lễ phép thì đi đến đâu đều được mọi người hoan nghênh, lại tăng thêm rất nhiều trợ lực cho cuộc sống của chính mình.

Lễ nghi chào hỏi.

Chúng tôi có một người bạn đã kể một việc khi anh qua hải quan. Bởi vì nhân viên hải quan mỗi ngày phải kiểm tra rất nhiều người, các vị bằng hữu hãy suy nghĩ xem nhiều đến mức nào? Có thể vài nghìn người. Họ đều làm cùng một động tác với mấy nghìn người như vậy, xin hỏi các vị có làm được không? Tính nhẫn nại của bạn có thể duy trì được suốt mấy nghìn người hay không? Chúng ta nói: “Nhân đồng thử tâm, tâm đồng thử lý”. Những nhân viên hải quan này mỗi ngày làm những công việc như vậy kỳ thực họ cũng rất mệt mỏi. Vị bằng hữu này của tôi khi qua hải quan, giấy tờ vừa để xuống liền cúi đầu rất sâu đối với nhân viên hải quan và nói: “Chào anh”. Cái cúi đầu này vừa cúi xuống thì vị nhân viên hải quan này rốt cuộc cũng lộ ra vẻ mặt vui vẻ, hơn nữa chưa xem gì đã đóng dấu cho anh, “được rồi, anh mau đi đi”. Cho nên, có lễ phép rất được ưa thích. Người bạn này của tôi cũng rất vui, anh nói Khổng Lão Phu Tử nói đúng là sự thật, đích thực là trẻ có lễ phép, người có lễ phép tuyệt đối sẽ không bị thiệt thòi, vả lại còn được rất nhiều người yêu quý, cho nên học lễ nhất định phải học từ nhỏ.

Chúng ta thường nói mỉm cười là ngôn ngữ mang tính quốc tế, đều có thể thông hiểu. Giả như con trẻ từ nhỏ đối với người đã không có thiện ý, đột nhiên bạn bảo chúng phải cười một cách vui vẻ thì thật sự là khó khăn, muốn cúi đầu với người khác một cách chân thành cũng không phải việc dễ dàng. Cho nên, chúng tôi trong những lúc dạy học trò thì việc cúi đầu chào đã phải cúi hết bao lâu? Cúi hết hai - ba tháng, cúi đến khi nào mà cái cúi đầu đó phải xuất phát từ sự cung kính ở trong tâm. Bởi vì bất kỳ một động tác nào thì chúng cũng có một tác động qua lại với nội tâm của bạn, cho nên khi chúng ta từ từ thực hiện động tác cúi đầu như vậy thì tâm sẽ càng ngày càng khiêm tốn, tâm sẽ càng ngày càng cung kính. Đây là từ bên ngoài từ từ nội hóa vào trong.

Có một trẻ mới hơn bốn tuổi, chúng tôi dạy em lễ nghi khi ăn cơm no đứng dậy thì nhất định phải nói với những người ngồi cùng bàn là: “Xin mời mọi người cứ tự nhiên!”, sau đó mới rời khỏi bàn. Các vị bằng hữu, động tác này có quan trọng hay không? Con người chúng ta là một đoàn thể sống với nhau, tuyệt đối không thể nào sống riêng một mình, vậy thì trong quá trình sống quần cư như vậy mà lễ nghi của bạn càng đủ đầy thì việc sống chung với mọi người sẽ không dễ gì sinh va chạm.

Ví dụ, hôm nay bạn ngồi ăn cơm với mọi người, bạn ăn xong trước, không nói một câu nào đã đi khỏi bàn, những người ngồi bên cạnh bạn sẽ nói với nhau: “Có phải hôm nay anh ấy cãi nhau với bạn gái hay không?”. Như vậy là có một chút thất lễ! Cùng sống chung một đoàn thể cần phải chào hỏi lẫn nhau thì mọi người sẽ không đến nỗi cảm thấy bị mạo phạm. Nếu tập thành thói quen cho trẻ ngay từ nhỏ lúc nào cũng biết chào hỏi người khác, biết hỏi thăm người khác là rất quan trọng, thì chúng sẽ luôn nghĩ đến sự cảm nhận của người khác.