/ 40
648

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TỐT CHÂN THẬT ĐÚNG NHƯ PHÁP

Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc

Tập 5

Chào các vị bằng hữu, buổi chiều tốt lành!

Buổi giảng của chúng tôi ngày hôm qua đã nêu đến mối quan hệ ngũ luân, gọi là “luân thường đại đạo”. Khóa trình của chúng ta ngày hôm nay là thâm nhập để liễu giải luân thường đại đạo. Trong các mối quan hệ của ngũ luân này, chúng ta nên chung sống hòa thuận vui vẻ với nhau như thế nào? Ngày hôm qua đã nhắc đến mối quan hệ của ngũ luân là “Đạo”, vậy cái gì là “đức”? Trong lúc chúng tôi giảng nghĩa đã giải thích đối với chữ “đức”.

Giáo dục nhân loại làm thế nào để thuận theo phép tắc của đại tự nhiên, không vượt quá mà làm người, đây chính là “đức”. Khi chúng ta tuân theo mối quan hệ cha con, cũng không ngoài việc tận hết thiên chức của người làm cha, tận hết sức của bản thân người làm con, bổn phận của con cái, người như vậy chính là có “đức hạnh”. Cho nên ở trong “phụ từ tử hiếu” thì chữ “từ” chính là đức của cha, “hiếu” chính là đức hạnh của con.

NGŨ LUÂN

Luân thứ nhất, “Phụ từ tử hiếu”

Chúng ta xem luân thứ nhất trong ngũ luân: “Phụ từ tử hiếu”. Các vị bằng hữu, mối quan hệ cha con có phải là do một ai đó quy định ra hay không? Không phải, mà nó là trật tự của tự nhiên. Một người làm cha, khi đứa trẻ sinh ra đời, có ai quy định rằng bạn phải từ ái đối với đứa con này hay không? Không có. Khi người làm cha vừa nhìn thấy được đứa bé mới sinh ra này thì sẽ không tự chủ được việc sinh ra lòng từ ái và quan tâm đối với đứa bé một cách vô hạn. Có người cha nào nhìn thấy đứa trẻ mới sinh ra mà trong tâm lại suy nghĩ rằng đứa trẻ này phải mua cho ta một căn nhà lớn, mua cho ta một chiếc xe hơi đắt tiền, có ai lại nghĩ như vậy hay không? Đều không có, chỉ suy nghĩ rằng làm thế nào để đứa trẻ này có thể được lớn lên một cách khỏe mạnh. Đây là một loại quan tâm và từ ái mà bậc làm cha làm mẹ nào cũng sanh khởi ra một cách tự nhiên. Đứa trẻ từ nhỏ đối với cha mẹ cũng vô cùng quyến luyến, lòng yêu thương đối với cha mẹ đó cũng là thiên tánh. Chúng ta nhớ lại một chút, rất nhiều đứa trẻ một - hai tuổi, khi cha mẹ phạt chúng, càng đánh chúng thì chúng càng lao vào lòng của cha mẹ, bạn đánh càng mạnh thì chúng ôm càng chặt. Sự lưu luyến đó đối với cha mẹ cũng là thiên tánh. Cho nên chúng ta xem thấy trẻ nhỏ hễ mở miệng nói đều là “ba tôi nói, mẹ tôi nói”. Cho nên “phụ từ tử hiếu” giữa cha con với nhau, mẹ con với nhau, loại tình thân này là tự nhiên.

Chúng ta hãy xem thử, hiện nay cha con có tình thân hay không? Vì sao từ tự nhiên lại trở thành ra như vậy? Chúng ta nhất định phải tìm ra nguyên nhân. Phụ từ thì từ ái như thế nào với con? Việc này rất quan trọng. Giả như từ ái dùng phương pháp sai, có thể chúng ta cảm thấy rằng như vậy tốt cho con cái, nhưng khi dạy ra thì có thể sẽ không giống như sự tưởng tượng của chúng ta. Cho nên việc làm cha mẹ có cần phải học hay không? Cho nên không chỉ là “học vi nhân sư”, mà còn phải “học vi nhân phụ, học vi nhân mẫu”.

Trong “Tam Tự Kinh” nói: “Nuôi không dạy, lỗi của cha”. Phương pháp bạn giáo dục chúng sai thì cũng là lỗi của người làm cha làm mẹ như chúng ta. Rất nhiều người mẹ nói “lỗi của cha”, vậy thì không có liên can gì đến chúng tôi. Chữ “lỗi của cha” này đã bao hàm ở trong đó cả cha lẫn mẹ rồi.

Tôi cũng thường hay hỏi bạn bè: “Các vị là người làm cha làm mẹ người khác như vậy thì có biết giáo dục là gì hay không?”. Giáo dục là gì? Rất nhiều phụ huynh sau khi bị tôi hỏi như vậy xong, đột nhiên cũng sững người ra, dường như là chưa từng suy nghĩ qua vấn đề như vậy. Dường như đứa trẻ vừa sanh ra thì bận rộn chăm lo nó rồi, thoáng cái cũng đã năm – bảy năm trôi qua, trước giờ cũng chưa nghĩ qua giáo dục là gì? Có vị nào nói thử xem, bạn cảm thấy cái gì là giáo dục?

Ví dụ hôm nay bạn đi trên một con đường ở dưới quê, đúng lúc nhìn thấy một người nông dân đang cày ruộng, đang lúc cắt lúa thu hoạch (tuần trước tôi đến Khánh Môn diễn giảng, ruộng lúa đúng lúc đang gặt), bạn hỏi các vị nông dân đó cách trồng lúa như thế nào? Họ sẽ nói với bạn: “Anh hãy cho tôi thời gian khoảng một giờ, tôi suy nghĩ rõ ràng rồi sẽ báo với anh”, họ sẽ làm như vậy hay không vậy? Sẽ không. Họ sẽ không cần làm bản thảo, vì sao vậy? Bởi vì đó đều là công việc mà họ làm thường ngày, là công việc mà họ quen thuộc nhất, cho nên họ rất là rõ ràng.

/ 40