/ 20
1.300

Liễu Phàm Tứ Huấn

Tập 12

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 18.04.2001

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng

Thâm Quyến_Trung Quốc

 

  Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Mời xem đoạn văn bên dưới: “Ngô bối thân vi phàm lưu, quá ác vị tập, nhi hồi tư vãng sự, thường nhược bất kiến, kỳ hữu quá giả, tâm thô nhi nhãn ế dã”. Đến đoạn này, sau khi đưa ra ví dụ, bây giờ mới chính thức nói. Chúng ta thân là phàm phu, lỗi lầm và ác nghiệp quá nhiều. “Vị tập” là ví dụ, giống như kim đâm vậy, tụ tập tại một nơi. “Nhi hồi tư vãng sự”, chúng ta nghĩ lại ngày xưa, thường thường giống như “bất kiến hữu kỳ quá giả”, không cảm nhận được mình có sai lầm gì. Thông thường chúng ta nói: tôi không có tội gì lớn, tôi không có lỗi lầm gì. Điều này đối với bản thân chúng ta, cũng thường có cảm nhận này, đây là nguyên nhân gì? Vì tâm quá thô thiển, mê muội không nhận ra lỗi lầm của mình. Cho nên thực tế mà nói Cự Bá Ngọc, là tấm gương rất tốt của chúng ta.

Đoạn văn bên dưới nói với chúng ta, ác nghiệp cũng có điềm báo: “nhiên nhân chi quá ác, thâm trọng giả”, trong Phật pháp gọi là nghiệp chướng sâu nặng. Nghiệp chướng quá nặng, nhất định có điềm báo không tốt.

“Diệc hữu hiệu nghiệm, hoặc tâm thần hôn tắc, chuyển đầu tức vọng”. Chúng ta quan sát tường tận những người xung quanh, có khi chúng ta phát hiện, người này rất hay quên, hồ đồ, đần độn. Nói với họ chuyện gì họ quên rất nhanh.

“Hoặc vô sự nhi thường phiền não”, những vấn đề này chúng ta thử nghĩ xem, bản thân mình có chăng? Khi không có việc gì, khi không có ai gây rắc rối, cũng tự sanh phiền não, chỉ cần bình tĩnh quan sát là có thể phát hiện.

“Hoặc kiến quân tử, nhi noãn nhiên tiêu tự”, đây là sợ gặp chính nhân quân tử, gặp chính nhân quân tử, bản thân cảm thấy rất khó chịu. Hiện tượng này, nói thực thì vẫn còn cứu vãn, vì sao vậy? Vì họ còn có tâm hổ thẹn.

“Hoặc văn chánh luận nhi bất lạc”, không vui khi nghe người khác nói lời đúng đắn, vì sao vậy? Vì bản thân tạo ác đa đoan, dưỡng thành tập khí ác, nghe lời đúng hoàn toàn tương phản với những gì mình làm, không thích nghe những lời nói đó.

“Hoặc thí huệ nhi nhân phản oán”, chúng ta bố thí, lấy lễ vật tặng người, người ta còn oán. Trong tình huống họ không thể không nhận, ví dụ họ chịu lạnh, chịu đói, khi đói lạnh bức bách, chúng ta tặng cho họ một ít áo quần hay thức ăn, đương nhiên họ nhận. Sau khi nhận họ không cảm kích, trái lại còn oán hận, có tình hình này. Trong thế gian hiện nay rất thường gặp, đây đều là điềm báo ác nghiệp sâu nặng, chúng ta phải thường suy nghĩ.

“Hoặc dạ mộng điên đảo”, buổi tối gặp ác mộng, gặp ác mộng chắc chắn không phải điềm tốt. Bản thân nhất định phải cảnh giác, do lỗi lầm ác nghiệp rất nặng, nên buổi tối mới gặp ác mộng.

“Thậm tắc vọng ngôn thất chí”, đây là không có tinh thần, không muốn nói gì cả.

“Giai tác nghiệt chi tướng dã”. Đây là nói sơ lược vài ví dụ, đều là tướng không tốt. “Cẩu nhất loại thử, tức tu phấn phát, xả cựu đồ tân, hạnh vật tự ngộ”. Nếu chúng ta tự kiểm điểm như các trường hợp ở trên đưa ra. Bản thân có một điều, hai điều chúng ta phải cảnh giác, lỗi lầm và ác nghiệp nhất định rất nghiêm trọng. Phải cảnh giác, nhanh chóng quay đầu, lập tức phấn chấn. “Xả cựu đồ tân”, nghĩa là phải sửa đổi lỗi lầm. “Hạnh vật tự ngộ”, câu này là khuyến khích chúng ta, hy vọng ta không làm lỡ chính mình. Điều này nhất định phải tự mình phấn đấu, người khác không giúp được.

Phương pháp sửa đổi chỉ nói đến đây, tiếp theo là bài thứ ba: “Phương pháp tích thiện”. Mở đầu bài văn, Liễu Phàm tiên sinh trích dẫn hai câu trong Kinh Dịch để nói rõ với chúng ta.

“Dịch viết: tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”. Hai câu này có thể dùng lịch sử để chứng minh, từ xưa đến nay phàm là người trung hậu thật thà, người tích thiện, đời sau của họ luôn phát đạt. Cho dù không phát đạt lớn, cũng có thể giữ bình an qua ngày, không đến nỗi gặp những chuyện hung hiểm. Điều này có thể thấy qua lịch sử, trước mắt chúng ta cũng có thể quan sát được, chỉ cần chúng ta lưu ý quan sát tường tận. Hay nói cách khác, nếu tương phản, tổ tiên gia đình này và bản thân họ tích ác, ức hiếp người, làm những việc tổn người lợi mình, gia đình này chắc chắn không hưởng được phú quý lâu dài, mặc dù hiện tại họ rất giàu có. Có một số người thấy hiện tượng này nghĩ rằng, gia đình này không có việc ác gì không làm, vì sao giàu đến thế? Đây là họ không hiểu đạo lý. Điều này là do gia đình đó trong đời quá khứ, hoặc là bản thân họ, tiền bối của họ trong đời quá khứ tu phước báo lớn. Nhà Phật nói: “tu phước không tu tuệ”, vì họ không có trí tuệ, đời này họ mới tạo ra ác nghiệp, tạo ác nghiệp nhất định giảm phước. Ví dụ trong quá khứ họ tu phước, có của cải ức vạn. Đời này tuy phát tài, nhưng tâm bất thiện, luôn đàn áp người, làm những việc tổn người lợi mình. Phước báo của họ bị tổn giảm, của cải ngàn vạn trở thành của cải chỉ còn trăm vạn, tổn thất quá nhiều. Nhưng họ vẫn còn trăm vạn của cải, giàu hơn nhiều so với người bình thường. Nhân quả thông ba đời! Đời này họ hưởng hết dư phước này, tội báo của họ liền hiện tiền. Có một số người đời sau họ mới chịu quả báo, có một số người ngay trong đời này, đến tuổi già mất tất cả, phá sản. Nguyên nhân là gì? Do gia đình họ tích ác, nên họ gặp báo ứng như vậy. Con người phải hiểu đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật. Nhất định phải biết đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức. Đối với cá nhân mình, đối với gia đình mình, đối với dân tộc mình, nhất định có lợi ích lớn.

/ 20