/ 20
1567.693.151

Liễu Phàm Tứ Huấn

Tập 8

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 17.04.2001

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng

Thâm Quyến_Trung Quốc

 

  Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Ở trước chúng ta nói về “nền tảng sửa đổi lỗi lầm”, nói đến phải khởi tâm biết hổ thẹn, tiếp theo là phải biết sợ hãi. Chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, không những là sợ hãi thiên địa quỷ thần giám sát, đồng thời cũng phải sợ chỉ trách của dư luận xã hội.

Bây giờ chúng ta xem đoạn văn bên dưới: “Bất duy thị dã, nhất tức thượng tồn, di thiên chi ác, do khả hối cải”. Đây là luận lý y cứ sửa đổi chính mình, con người chỉ cần một hơi thở, trong đời dù tạo tội ác lớn đến đâu, đều có thể sửa đổi. “Cổ nhân, hữu nhất sanh tác ác, lâm tử hối ngộ, phát nhất thiện niệm, toại đắc thiện chung giả”. Đây là đưa ra chứng cứ để nói rõ với chúng ta, trường hợp như thế cổ kim trong ngoài đều rất nhiều, chỉ cần chúng ta quan sát tường tận là có thể thấy.

Vì sao trong đời tạo tội ác cực lớn, thật sự sám hối thì nghiệp chướng này có thể tiêu trừ, đạo lý ở đâu? Thực tế mà nói, lý này quá sâu sắc, không phải phàm phu có thể lý giải được. Chẳng những phàm phu không thể lý giải, mà trong kinh Đức Phật nói, bậc thánh giả nhị thừa, quyền giáo Bồ Tát đều không cách nào lý giải. Vì sao vậy? Điều này liên quan đến nguyên khởi của vũ trụ hư không pháp giới, khởi nguyên của sanh mạng và nguồn cội của chúng sanh, liên quan đến những đạo lý lớn lao này.

Trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật nói rất thấu triệt rõ ràng, cho nên cổ nhân khen ngợi Kinh Lăng Nghiêm, nói là Lăng Nghiêm khai trí tuệ, Pháp Hoa thành Phật. Tôi tin rất nhiều người đồng học đã nghe qua hai câu này. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng, Đức Phật dạy rằng hư không pháp giới quốc độ chúng sanh vốn là nhất thể. Do đó tội ác cực lớn, chỉ cần quay đầu, gọi là “quay đầu là bờ”, đạo lý này bên dưới có nói đến.

“Vị nhất niệm mãnh lợi”, hai chữ “mãnh lợi” quan trọng vô cùng. “Túc dĩ địch, bách niên chi ác dã”, ở dưới đưa ra một ví dụ nói với chúng ta: “Thí dụ thiên niên u cốc”. Hiện nay chúng ta đi du lịch sẽ gặp rất nhiều sơn động, động có thạch nhũ, đó chính là “thiên niên u cốc”. “Nhất đăng tài chiếu, tắc thiên niên chi ám câu trừ”, chúng ta cầm một ngọn đèn đi vào, bóng tối ngàn năm bị phá trừ. “Cố quá bất luận cửu cận, duy dĩ cải vi quý”, sai lầm giống như bóng tối vậy, chỉ cần một ngọn đèn là có thể chiếu trừ được nó. Ngọn đèn này ví như trí tuệ, ví với sự giác tĩnh, thật sự đã giác ngộ, mỗi hành động lời nói trong quá khứ điều sai trái. Một niệm giác, một niệm trí tuệ chân thật hiện tiền, tội liền tiêu. Nhưng một niệm giác, một niệm trí tuệ này rất khó được, vô cùng đáng quý. Vì sao vậy? Vì chúng ta mê trong tình dục thời gian quá lâu, vô lượng kiếp đến nay mê trong tình dục. Sinh mạng là vĩnh hăng, sinh mạng không phải tạm thời là vĩnh hằng. Thân mạng chúng ta rất ngắn ngủi, nhưng tinh thần chúng ta trường tồn. Trong nhà Phật nói, chúng ta có pháp thân huệ mạng, đó là vĩnh hằng. Cho nên vô lượng kiếp đến nay sanh tử luân hồi, mê mất bản tánh. Do đó mù mờ vô tri chấp trước thân này là ta, tham hưởng thụ ngũ dục lục trần, tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp. Như vậy mới tạo thành trong đời này mọi việc không như ý, tạo thành rất nhiều đau khổ trong đời này. Chúng ta muốn tìm điều lành tránh điều dữ, trước tiên phải biết sửa đổi lỗi lầm. Ở đây Liễu Phàm tiên sinh đem kinh nghiệm sửa lỗi của mình nói tường tận cho chúng ta, đặc biệt nhắc nhở chúng ta chỉ cần còn một hơi thở, chỉ cần chịu thay đổi thì dù lỗi lầm lớn đến đâu cũng có thể tiêu trừ.

Tiếp theo ông nói: “đản trần thế vô thường, nội thân dị vẫn, nhất tức bất thuộc, dục cải vô do hỉ”. “Trần thế” là phàm phu thế gian, không những thân mạng này vô thường, quốc độ cũng vô thường. Trong Kinh Bát Đại Nhân Giác, vừa mở đầu Đức Phật nói với chúng ta: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy”. Hai câu này là cảnh cáo, thế gian vô thường, biến hóa trong từng sát na, thân thể này của chúng ta rất dễ mất. Thân người khó được mà dễ mất, một hơi thở không vào lại là kết thúc thân mạng đời này, lúc này có muốn sửa đổi cũng không còn cơ hội, “dục cải vô do hỉ”.

/ 20