/ 20
1.714

Liễu Phàm Tứ Huấn

Tập 7

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 17.04.2001

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng

Thâm Quyến_Trung Quốc

 

  Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

  Mời xem Liễu Phàm Tứ Huấn, bài thứ hai: “Phương pháp sửa đổi lỗi lầm”, chúng ta bắt đầu xem từ đoạn thứ hai.

“Đản cải quá giả, đệ nhất: Yếu phát sỉ tâm. Tư cổ chi thánh hiền, dữ ngã đồng vi trượng phu, bỉ hà dĩ bách thế khả sư, ngã hà dĩ nhất thân ngõa liệt, đam nhiễm trần tình, tư hành bất nghĩa, vị nhân bất tri, ngạo nhiên vô quý, tương nhật luân chi cầm thú, nhi bất tự tri hỉ. Thế chi khả tu khả sỉ giả, mạc đại hô thử. Mạnh tử viết: Sỉ chi ư nhân đại hỉ, dĩ kỳ đắc chi tắc thánh hiền, thất chi đắc cầm thú nhĩ, thử cải quá chi yếu cơ dã”.

Nói đến sửa lỗi lầm, Liễu Phàm tiên sinh đưa ra ba điểm. Thứ nhất là tâm hổ thẹn, gọi là biết hổ thẹn là gần với cái dũng, dũng là mạnh dạn sửa đổi mình. Cho nên câu đầu tiên ông nói: “đản cải quá giả”, phương pháp sửa đổi, thứ nhất “phải khởi tâm hổ thẹn”. Con người biết hổ thẹn, họ tuyệt đối không khởi vọng tâm, không động ác niệm. Phải thường nghĩ đến chư vị đại thánh đại hiền ngày xưa, chúng ta đều là người như vậ. Trong kinh điển Đức Phật nói với chúng ta, chúng ta và Chư Phật Như lai vốn đều là phàm phu như nhau, vì sao họ có thể thành Phật, thành Bồ Tát, thành Thánh, thành Hiền, tại sao mình không thể? Lấy tiêu chuẩn này để quan sát, tâm hổ thẹn chúng ta liền sanh khởi. Bởi vậy họ trăm đời có thể làm thầy.

Khổng phu tử truyền đến nay hơn 2500 năm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền đến nay gần 3000 năm. Vì sao thế gian này không phân biệt quốc gia, không phân chủng tộc, thậm chí không phân biệt Tôn giáo. Lưu truyền đến nay, thế gian này vẫn còn rất nhiều người tôn kính họ, tiếp thu giáo huấn của họ, học tập theo họ? Đây gọi là Đại Trượng Phu. Họ có thể làm được, vì sao ta không làm được? Nếu con người thường có tư duy này, nhất định có thể nỗ lực tự cường.

Tiếp theo nói, đây là nói khuyết điểm của chúng ta: “Ngã hà dĩ nhất thân ngõa liệt”, ngõa liệt tức giống như ngói vụn vậy, không đáng một đồng! Bệnh của chúng ta là “đam nhiễm trần tình”, “đam” là vui quá độ, “nhiễm” là ô nhiễm. Người thế gian đắm nhiễm trong thất tình ngũ dục, mà không biết tình dục này không phải thật. Trong này có vui, không sai, thánh nhân cũng không phản đối, nhưng cái giá phải trả quá lớn. Nói cách khác, được không bằng mất, cái giá này quá lớn. Nếu không phải trong kinh điển đức Phật nói với chúng ta rất tường tận, chúng ta không thể nghĩ đến được, cái giá chúng ta phải trả quá lớn lao, cái giá này chính là trôi lăn trong luân hồi sanh tử. Nếu như hiểu rõ ràng minh bạch, mới biết rất đáng sợ, thế xuất thế gian không có gì đáng sợ hơn điều này.

Từ đó cho thấy, chư vị thánh hiền nhân ở thế gian này, cũng không thể lìa khỏi thất tình ngũ dục, nhưng họ rất xem nhẹ tình dục. Hành vi của họ hợp lễ hợp pháp, “lễ” nhất định có tiết độ. Nói cách khác, nó không được quá đáng, cũng không được bất cập. Bất cập là không hợp lễ, quá đáng cũng không hợp lễ. Cho nên “lễ” gọi là “tiết”, tiết là tiết độ. Trong giáo dục của chư vị thánh hiền, gia đình kết hôn sanh con, vợ chồng tương kính như khách. Họ đều có chừng mực, tuyệt đối không phóng túng đắm nhiễm tình dục, tuyệt đối không như vậy, không giống như xã hội hiện nay! Cho nên gia đình họ hòa thuận, gia đình có trật tự.

Đặt câu này ở trước, có dụng ý rất sâu sắc, nói ra căn bệnh của phàm phu chúng ta. Vì sao phàm phu không thể thành thánh, gốc của bệnh là đây.

Bây giờ chúng ta nói đến chỗ thô thiển nhất, con người thích hưởng thụ thất tình ngũ dục, nhưng con người càng quý trọng sinh mạng của mình. Đến lúc phải bỏ, đại khái thất tình ngũ dục cũng có thể xả bỏ, nhưng không muốn bỏ thân mạng mình, mà còn hy vọng mình trường thọ, đây đều là thường tình của con người. Nếu muốn cho mình được trường thọ, như vậy trong các phương diện cuộc sống ta phải biết cách tiết độ. Lời cổ nhân nói không sai: “bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất”. Muốn xa lìa họa hoạn, không thể không cẩn thận ngôn ngữ, không thể không cẩn thận thái độ. Nếu muốn thân thể mạnh khỏe, việc ăn ở không thể không cẩn thận. Ngày nay rất nhiều người hy vọng mạnh khỏe trường thọ, họ không hiểu đạo lý này. Cho nên từ tuổi trung niên trở về sau, thân thể đã suy nhược, không hiểu đạo dưỡng sinh!

/ 20