PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 340
Bạn trụ ở thế gian này là để tự hành hóa tha, mỗi ngày khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều không ngoài nhị lợi. Nhị lợi chính là lợi tha và tự lợi, hay còn gọi là tự lợi và lợi tha. Cho nên phải nhất hướng chuyên niệm, một phương hướng một mục tiêu, chuyên niệm A Di Đà Phật. Câu Phật hiệu này, cổ Đại đức đều gọi là “vạn đức hồng danh”. Vì sao vậy? Vì câu Phật hiệu này bao gồm khắp pháp giới hư không giới, không bỏ sót một pháp nào. Cho nên câu danh hiệu này là nguyên tắc chung, phương pháp chung mà tất cả chư Phật phổ độ chúng sanh trong vô lượng vô biên pháp giới. Thế nên Đại sư Thiện Đạo nói rất hay: “Chư Phật sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải” (chư Phật sở dĩ ra đời là để nói bổn nguyện sâu như biển của đức Di Đà). Niệm câu Phật hiệu này phải niệm cho tương ưng, bạn không thể không biết ý nghĩa của danh hiệu này, bạn phải nên biết nghĩa lý của danh hiệu. Nếu bạn muốn biết hàm nghĩa bên trong của danh hiệu này, vậy thì bạn không thể không đọc kinh luận của Tịnh Độ. Hiện tại Tịnh Tông có năm kinh một luận, nếu bạn có thể thông đạt thì đối với câu Phật hiệu này bạn niệm sẽ sanh tâm hoan hỷ. Nếu bạn không biết ý nghĩa của danh hiệu thì niệm lâu sẽ chán, không ưa thích, không muốn niệm nữa.
Rất nhiều người niệm Phật đã niệm được 2-3 năm thì không niệm nữa, họ không muốn niệm nữa, nguyên nhân vì sao vậy? Vì họ không hiểu ý nghĩa của danh hiệu, họ niệm mà cảm thấy vô vị, “niệm suốt ngày từ sáng đến tối để làm gì chứ?” Nếu bạn hiểu được nghĩa thú của danh hiệu, mỗi tiếng niệm Phật trên thì thông với chư Phật, giống như băng tầng của chúng ta phủ sóng cùng với băng tầng của các Ngài, rất là thú vị! Dùng tín hiệu này qua lại với chư Phật Bồ-tát, thường xuyên qua lại với các Ngài. Câu Phật hiệu này dưới thì thông với chín pháp giới chúng sanh. Cho nên câu Phật hiệu này phá tan hết thảy các chướng ngại trong khắp pháp giới hư không giới, nhà khoa học hiện nay gọi là không gian không đồng duy thứ. Danh hiệu này xác thực là có thể nối liền toàn bộ không gian không đồng duy thứ, chúng ta cùng chư Phật Như Lai và tất cả chúng sanh hợp thành một thể. Điều này thật là thú vị vô cùng, vui sướng không gì bằng! Vì vậy bạn sẽ niệm đến pháp hỷ sung mãn, niệm đến mức thường sanh tâm hoan hỷ.
Nếu bạn không hiểu được thì bạn sẽ không có biện pháp, vì vậy Đại sư Thiện Đạo nói “mỗi người gặp duyên không giống nhau.” Nếu bạn không gặp được thiện tri thức giảng bộ kinh này rõ ràng, thông suốt thì bạn sẽ có khó khăn. Chú sớ của cổ Đại đức tuy rất hay, nhưng chú sớ quá sâu, hiện nay chúng ta không đủ vốn tiếng Hán, chúng ta xem chú sớ xưa sẽ không hiểu. Thế nên điều hiếm có là lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã làm cho chúng ta bản chú giải rất hay, nhưng bản chú giải này vẫn còn thể văn cổ quá nhiều, văn bạch thoại thì ít. Bởi vì Ngài trích dẫn những kinh luận của cổ nhân, Ngài đều dùng nguyên văn, Ngài không dùng văn bạch thoại để giải thích. Nếu dùng văn bạch thoại để giải thích thì phân lượng rất nhiều. Vì vậy điều này rất khó, bạn muốn gặp một người thật sự có thể giảng giải kinh này rõ ràng, thông suốt thì không phải chuyện dễ.
Người xưa giảng kinh dễ giảng, giảng đến đó thì dừng, bởi vì mọi người đều có cái trình độ này. Hiện nay thì không thể được, bạn có gợi ý thế nào họ cũng không thông, cho nên chắc chắn là rất phí công. Nếu giảng một cách tường tận tỉ mỉ thì họ mới có thể hiểu được phần nào, khó hơn ngày xưa rất nhiều, phải giảng rất rõ ràng, phải giảng rất cạn, phải giảng rất rườm rà thì họ mới hiểu được một chút. Vì vậy tôi nói với quý vị, Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh là chú giải tường tận của Kinh Vô Lượng Thọ. Nếu bạn thật sự hiểu được Kinh Hoa Nghiêm thì bạn giảng Kinh Vô Lượng Thọ chẳng có vấn đề gì cả, bạn sẽ giảng rất hay. Kinh Vô Lượng Thọ là cương yếu, là đại cương của Kinh Hoa Nghiêm. Đại Tạng Kinh chính là chú giải của Kinh Hoa Nghiêm. Trong kinh đã nói, Tổ sư Đại đức cũng nói “một là tất cả, tất cả là một”. Không những Phật pháp là như vậy, phải thật sự thông suốt Phật pháp mà hết thảy pháp thế xuất thế gian đều thông suốt. Bạn nói xem bạn có hoan hỷ không, hoàn toàn đã thông suốt.
Ngày nay chúng ta không có nhiều thời giờ để tiếp xúc, thế nhưng những năm gần đây chúng ta nhìn thấy thế giới động loạn, nhân dân quá khổ, muốn tiêu trừ sự động loạn này thì phải nhờ vào giáo dục. Nhưng giáo dục nói thì dễ mà làm thì khó. Giáo dục gia đình, giáo dục luân lý đạo đức nhà trường, giáo dục luân lý đạo đức xã hội, không thể nào khôi phục được, Phật Bồ-tát có đến cũng không làm được. Vì sao vậy? Vì không ai chịu nghe. Cho nên hiện nay chỉ có tôn giáo, tín đồ của tôn giáo tin thần linh nên còn có chút lương tâm, vẫn có thể cứu, nên còn được một tia hy vọng. Vì vậy những năm gần đây, đối với các tôn giáo tôi rất lưu ý, tôi phải qua lại với họ, tôi phải đọc kinh điển của họ, tôi phải học tập kinh điển của họ. Không thể nói ta là tín đồ của tôn giáo, dùng góc độ của tín đồ tôn giáo để xem kinh điển của họ, vậy thì bạn không học được gì. Nhất định phải dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, không phân biệt, không chấp trước. Tôi đọc kinh Tân Cựu Ước thì tôi chính là học trò của Chúa Giê-su, tôi đọc kinh Coran thì tôi là học trò của Ngài Mô-ha-mét. Tôi không phải là học trò tầm thường mà là học trò giỏi nhất thì tôi mới có thể học được, khi vừa tiếp xúc thì liền thông đạt. Vì vậy khi tôi vào giáo đường để giảng kinh Thánh cho họ, tôi giảng rất hay. Nếu tôi vào chùa Thanh Chân để giảng kinh Coran, tôi sẽ giảng khiến cho mọi người nghe đều chấp nhận, thật sự thông suốt. Nhưng kinh điển của họ được phiên dịch sang Trung văn là văn bạch thoại, dịch cũng cạn, người thông thường rất khó hiểu được ý nghĩa trong kinh. Nhưng với trình độ tu dưỡng kinh Phật như thế này, khi xem đến kinh của họ, tuy là văn bạch thoại nhưng tôi cũng có thể giảng được rõ ràng mạch lạc.