/ 374
395

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 339

Xin mời mở kinh, khoa hội trang 49 hàng thứ ba, chúng ta đọc đoạn kinh văn này:

Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc”.

Hôm qua tôi đã giảng đến phát Bồ-đề tâm. Câu này nếu như giảng tường tận, thì giảng 100 giờ đồng hồ cũng giảng chưa xong, chúng tôi cũng chỉ có thể giảng sơ lược. Hôm qua đã giới thiệu với mọi người về thể và dụng của Bồ-đề tâm.

Thể của Bồ-đề tâm là chân thành, nhất định phải thể hội được ý nghĩa của chân thành, không phải là sự thành khẩn trong sự tưởng tượng của chúng ta, đó không phải là Bồ-đề tâm. Nhất định phải nhớ kỹ, phải lìa bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước thì mới gọi là tâm chân thành. Phân biệt là vọng tâm, vọng tưởng là khởi tâm động niệm, chúng ta từ sáng đến tối, sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài vẫn còn khởi tâm động niệm thì tâm chân thành không còn. Thật sự chân thành thì ban đêm khi ngủ cũng không nằm mộng, nằm mộng thì không chân thành, không có tâm chân thành nên nằm mộng vẫn còn khởi tâm động niệm. Như vậy bạn mới biết cái tâm chân thành này khó. Tâm chân thành là chân tâm, chân tâm là Phật tâm, chân tâm là bản tánh của chính chúng ta. Tâm của chúng ta vốn là chân thành, hiện nay trở nên không chân thành, không chân thành chính là đã bị nhiễm ô, sự nhiễm ô này rất là nghiêm trọng. Không phải trong đời này mới bị nhiễm ô, nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ đã bị nhiễm ô. Bởi vì nhiễm ô nên chúng ta đã hoàn toàn quên mất chân tâm. Nếu không phải là Phật Bồ-tát nhắc cho chúng ta thì chúng ta đâu biết được bản thân mình có chân tâm, cùng lắm chỉ biết được mình có thiện tâm. Nhà Nho nói “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”, là có thiện tâm, không biết có chân tâm. Chân tâm và thiện tâm khác nhau. Nhà Nho nói bản tánh vốn thiện, cái thiện này cũng có thứ bậc khác nhau, bậc cao nhất là thuần tịnh thuần thiện, đó là chân tâm. Chân tâm của chúng ta không khác với Bồ-đề tâm. Tâm chân thành khởi tác dụng, chúng tôi đã giới thiệu với quý vị về tự thọ dụng rồi. Tự thọ dụng chính là thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác. Một người tu hành chân chánh thì Bồ-đề tâm rất quan trọng. Trong Phật pháp Đại thừa, Bồ-đề tâm là căn bản của việc tu hành, bất luận là tu học pháp môn nào nếu không phát Bồ-đề tâm thì nhất định không thể thành tựu. Ngay cả Tịnh Tông được gọi là đạo dễ hành, vẫn phải nương vào Bồ-đề tâm, nếu bạn không phát Bồ-đề tâm thì tu Tịnh Tông cũng không thể vãng sanh, phải hiểu được điều này.

Phát Bồ-đề tâm trong Tịnh Tông cũng có thứ bậc khác nhau, cho nên vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc có sự khác biệt ở ba bậc, bốn cõi, chín phẩm. Bạn muốn hỏi tại sao có sự khác biệt như vậy? Vì bạn phát Bồ-đề tâm không giống nhau. Có người phát tâm sâu, có người phát tâm cạn, có người phát tâm lớn, có người phát tâm nhỏ. Cho dù phát tâm nhỏ, phát tâm cạn nhưng vẫn tốt, được vãng sanh vào ba phẩm hạ Phàm Thánh Đồng Cư Độ cũng tốt rồi. Tóm lại là bạn có thể vãng sanh được, cho nên nhất định phải phát Bồ-đề tâm.

Phát tâm cạn nhất chính là tin sâu nguyện thiết, xem việc vãng sanh là việc quan trọng nhất trong đời này của chúng ta, đây mới được gọi là phát Bồ-đề tâm. Thí dụ như trước đây lão sư Lý giảng kinh cho chúng tôi, lão sư Lý đã từng cảm khái nói: “Hôm nay tôi đang giảng kinh ở nơi đây, mọi người đến nghe kinh, tôi nêu lên một thí dụ, tối hôm nay bạn trúng được một hợp đồng làm ăn, có thể kiếm được một triệu đô-la Mỹ, vậy bạn đi nghe kinh hay là đi kiếm tiền?” Có cơ hội như vậy thì liền đi kiếm tiền, không đến nghe kinh, cái này thử nghiệm bạn điều gì? Là bạn không có Bồ-đề tâm, tâm của bạn không chân thật, bạn chưa buông bỏ được danh lợi. Người xưa nói “nghĩa lợi”, nghĩa là đạo nghĩa, lợi là lợi hại, thấy lợi thì quên nghĩa, vậy là không có nghĩa. Nghe kinh là nghĩa, lúc này đi kiếm tiền đó là lợi, thấy lợi thì quên mất nghĩa. Phật không có, kinh cũng không có, vậy thì làm sao có thể vãng sanh? Tôi nhớ lão sư Lý còn đưa ra một thí dụ, thí dụ này có thật. Mọi người đang ở đây nghe kinh, đột nhiên có người đến báo với bạn, nhà của bạn bị cháy, bạn vẫn như như bất động ngồi nghe kinh hay là chạy nhanh về nhà chữa cháy? Tâm của bạn vừa loạn thì lập tức phải chạy về nhà, vậy thì bạn không thể thành tựu. Bởi vì trong số đồng tu của chúng ta có một vị, người nhà đến cho hay là nhà của ông ấy bị cháy, ông thản nhiên như không có chuyện gì, ông vẫn ngồi nghe kinh như như bất động, nghe kinh xong mới trở về nhà. Việc này khó, thật sự không dễ. Chúng ta phát tâm, tín nguyện này là tin sâu nguyện thiết, ít nhất là không bị cảnh giới bên ngoài lay động thì mới có thể vãng sanh. Phát Bồ-đề tâm như thế này thì hoàn toàn không quá lớn, hoàn toàn không quá sâu. Bồ-đề tâm như thế này có thể vãng sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ của Thế giới Cực Lạc, phát Bồ-đề tâm như thế thì hoàn toàn không khó. Trong Vãng Sanh Truyện và Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, thậm chí là trong cuộc đời này chính chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều người niệm Phật vãng sanh, họ thật thực chính là cảnh giới này. Nếu bạn nỗ lực, thật sự buông bỏ vạn duyên, quyết định không bị ảnh hưởng của cảnh giới bên ngoài thì có thể thành tựu, hơn nữa sự cảm ứng thật sự là không thể nghĩ bàn.

/ 374