358

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 329

Chúng ta đọc qua kinh văn một lần: “Hà dĩ cố? Dục linh tha phương sở hữu chúng sanh, văn bỉ Phật danh, phát thanh tịnh tâm, ức niệm thọ trì, quy y cúng dường. Nãi chí năng phát nhất niệm tịnh tín, sở hữu thiện căn, chí tâm hồi hướng, nguyện sanh bỉ quốc. Tùy nguyện giai sanh, đắc Bất Thối Chuyển, nãi chí Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề” (Tại vì sao? Vì muốn tất cả chúng sanh ở các phương khác nghe đến danh hiệu Đức Phật Vô Lượng Thọ mà phát tâm thanh tịnh, nhớ nghĩ, thọ trì, quy y, cúng dường, cho đến phát được một niệm tịnh tín, đem tất cả căn lành chí tâm hồi hướng, nguyện sanh về cõi Cực Lạc kia, tùy nguyện đều được sanh, được Bất Thối Chuyển cho đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề). Đoạn kinh văn này nói rõ với chúng ta, chư Phật mười phương tán thán y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc, dụng ý thật sự là ở chỗ nào? Kinh văn không dài nhưng nói được rất rõ ràng minh bạch.

Hà dĩ cố” nếu dùng lời hiện nay mà nói thì nghĩa là “tại vì sao”, đây là một câu hỏi. “Dục linh tha phương”, “tha phương” là nói ngoài thế giới Cực Lạc ra, các thế giới khác đều gọi là tha phương. Ngoài thế giới Cực Lạc ra thì “sở hữu chúng sanh” trong cõi nước của chư Phật mười phương, chữ “chúng sanh” này là nói chúng sanh trong chín pháp giới, từ Bồ-tát Duyên Giác Thanh Văn cho đến ngạ quỷ súc sanh địa ngục, hết thảy đều được bao gồm ở trong đó, đây là tất cả chúng sanh. “Văn bỉ Phật danh”, “bỉ Phật” chính là nói bổn sư A Di Đà Phật, có những ai biết đến danh hiệu của A Di Đà Phật? Chư Phật mười phương tuyên truyền thay Ngài, chư Phật mười phương giới thiệu với mọi người chúng ta, việc giới thiệu chính là giảng nói cho chúng ta nghe ba bộ kinh Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật và Kinh A Di Đà.

Từ đây chúng ta có thể biết được hết thảy chư Phật Bồ-tát thị hiện ở trong chín pháp giới hằng thuận chúng sanh mà nói ra vô lượng vô biên kinh luận, vô lượng vô biên pháp môn. Mỗi kinh luận, pháp môn đều không giống nhau, căn tánh của chúng sanh ở mỗi nơi không giống nhau, nhưng các Ngài nhất định đều sẽ giảng ba bộ kinh này: Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Di Đà và Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Những kinh khác thì không nhất định phải giảng, phải xem căn tánh của chúng sanh. Do vậy mà tất cả chúng sanh trong thế giới mười phương đều có cơ hội được nghe đến danh hiệu của A Di Đà Phật.

Nghe được là duyên, có bốn loại duyên, đây là tứ duyên sanh pháp mà Phật đã nói với chúng ta trong các kinh luận. Sự phát sinh của hết thảy pháp thế xuất thế gian đều không lìa khỏi bốn loại duyên này. Loại thứ nhất là thân nhân duyên, loại thứ hai là sở duyên duyên, loại thứ ba là vô gián duyên, ba loại này đều là của tự thân chúng ta, bản thân chúng ta tự có đầy đủ. Loại sau cùng là tăng thượng duyên, đó là sự giúp đỡ từ bên ngoài, loại duyên này đối với mọi người không như nhau. Tăng thượng duyên là hiện nay chúng ta đều có thể nghe được danh hiệu A Di Đà Phật. Tất cả chúng sanh trong chín pháp giới đều có cái cơ hội này, vì sao vậy? Vì tất cả chư Phật Bồ-tát đều đang tuyên dương, cho nên cái duyên này thật quá thù thắng, vì sao chúng ta không thể vãng sanh? Đó chính là duyên của bản thân chúng ta, bản thân chúng ta có thân nhân duyên hay không. Thân nhân duyên là trong đời quá khứ đã có trồng thiện căn này chưa? Đây mới là thân nhân duyên của chúng ta, trong đời quá khứ không có trồng thiện căn, ngày nay được nghe đến danh hiệu A Di Đà Phật thì thiện căn liền được trồng rồi. Bây giờ mới trồng thiện căn thì sẽ rất khó kết thành quả. Thiện căn phước đức nhân duyên của mỗi người đều là tu được trong nhiều đời nhiều kiếp trước, mà cũng không phải trong thời gian ngắn. Cho nên tín nguyện hạnh là tu được từ nhiều kiếp, đời này chúng ta lại gặp được nữa. Sau khi gặp được rồi, nếu chúng ta có thể nắm chặt lấy, nắm giữ cho thật chặt thì đời này của chúng ta chắc chắn sẽ khai hoa kết quả, sẽ có thành tựu. Điều này vô cùng quan trọng.