344

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 328

Cho nên chúng ta phải học tập, trước tiên chúng ta phải hiểu được lời nói của chúng ta là thuộc về khẩu nghiệp, mặt ảnh hưởng của nó, thời gian ảnh hưởng của nó. Từ đó chúng ta nhận thức được nghiệp của lời nói là như vậy, thân nghiệp, ý nghiệp cũng là như vậy. Ý nghiệp là khởi tâm động niệm của chúng ta, thân nghiệp là hành động việc làm của chúng ta. Khẩu phóng quang, thân có phóng quang hay không, ý có phóng quang hay không? Tất cả đều phóng quang, là vô lượng quang. Sau khi hiểu được những sự việc này thì quang minh của chúng ta phải thiện, phải thuần tịnh thuần thiện.

Hai, ba năm nay chúng tôi đề xuất điều này, mười mấy năm trước chúng tôi đã đưa ra yếu lĩnh của việc tu hành là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Chúng ta khởi tâm động niệm nhất định phải tương ưng với mười chữ này, vậy thì vô lượng quang, vô lượng thọ của ý nghiệp chúng ta mới tương đồng với chư Phật Như Lai. Thân nghiệp của chúng ta không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục thì thân nghiệp của chúng ta tương đồng với chư Phật Như Lai. Ba nghiệp thân khẩu ý tương đồng thì khoảng cách của chúng ta với chư Phật Như Lai càng lúc càng gần, vậy thì niệm Phật không có đạo lý nào mà không vãng sanh. Việc vãng sanh thật sự là đã nắm chắc.

Bạn có đầy đủ niềm tin rồi, không có một chút hoài nghi nào, cho nên ở thế gian này bất luận là việc lớn hay việc nhỏ, việc thiện hay việc ác, chỉ có cười mà thôi, tuyệt đối không để ở trong tâm. Bản thân mình luôn sống trong hoàn cảnh chân thành thanh tịnh, thuần tịnh thuần thiện. Vậy thì bạn sống được tự tại biết bao, vui sướng biết bao! Pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm hoan hỷ. Những người như vậy đương nhiên là khỏe mạnh sống lâu, không có bệnh tật.

Khi giảng kinh, tôi cũng đã nói rất nhiều lần, con người bị bệnh là có nguyên nhân, nguyên nhân đó là gì? Nguyên nhân là tham sân si, trong kinh Phật có nói tham sân si là tam độc phiền não, là bệnh độc. Bên trong của bạn có bệnh độc, bên ngoài thì luôn có cảm nhiễm, phải nhổ bỏ bệnh độc tham sân si bên trong của bạn thì mới không sanh bệnh. Chư Phật Như Lai không sanh bệnh, Pháp Thân Bồ-tát không sanh bệnh, do nguyên nhân gì vậy? Các Ngài không có bệnh độc, cái gốc bệnh đã bị nhổ bỏ. Các Ngài ứng hóa đến thế gian này, có lúc các Ngài cũng bị bệnh để cho bạn thấy, đó là thị hiện, gọi là giả bệnh, các Ngài thật sự không phải bệnh. Cư sĩ Duy-ma bị bệnh, mọi người đến thăm Ngài, Ngài dùng việc bệnh này để triệu tập mọi người đến để nghe Ngài giảng kinh thuyết pháp, Ngài thật sự không phải là bị bệnh. Chúng ta ngày nay phải hiểu cho rõ ràng sự bí ẩn của đạo lý này.

Trong kinh này nói lời thành thật rất là quan trọng. Không những là học Phật mà trong pháp thế gian, vào thời xưa đọc sách của Khổng Tử, đây là nói pháp thế gian, xem trọng nhất là thành tín. Trong lịch sử chúng ta thấy Tư Mã Quang, sự thành tựu của Tư Mã Quang do chính ông nói, cả cuộc đời của ông không có điều gì mà không nói được với người khác. Tâm của ông ngay thẳng trong sáng, cả cuộc đời của ông làm việc gì cũng đều nói với người khác. Không thể nói được với người khác thì đó là việc không tốt, không có việc gì mà không thể nói cho người khác biết. Ông đã làm được sự chân thành không giả dối.

Cổ Đại Đức thường dạy chúng ta việc tu hành phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ không vọng ngữ, đây là bạn thật sự có công phu. Tội vọng ngữ rất nặng, nặng ở chỗ nào? Không phải là dối gạt người khác, dối gạt người khác tội thì không nặng, dối gạt chính mình, tự dối gạt thì tội rất nặng, đối với bản thân mình đã bị tổn hại quá lớn, bạn nói thử tổn hại cái gì? Là che lấp tánh đức, che lấp trí huệ, bạn sẽ không khai trí huệ, trí huệ đức tướng vốn có trong tự tánh của bạn sẽ không hiện tiền, việc vọng ngữ này đã che mất rồi. Ngũ nghịch thập ác đã làm chướng ngại hết thảy tướng hảo quang minh. Trí huệ đức năng của tự tánh, xin nói với quý vị, chỉ bị chướng ngại chứ không bị mất đi, khi nào sự chướng ngại này mất đi thì trí huệ đức tướng trong tự tánh của bạn liền hiện tiền.

Trong kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: “Tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc”. Đây là Thế Tôn vì chúng ta mà nói, do vậy mới biết, chúng ta chỉ cần buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước thì tất cả đức năng của tự tánh chúng ta đều hiện tiền. Đó là cái vốn đã có. Bồ-tát Mã Minh nói trong Khởi Tín Luận nói rất hay: “Bản giác vốn có, bất giác vốn không”, bất giác chính là mê hoặc, mê hoặc vốn là không có, vốn là không có thì đâu có đạo lý không đoạn được? Chỉ vì tập khí quá sâu, hình như rất khó đoạn, nhưng một đời chắc chắn có thể đoạn được. Trong kinh Phật thường nói, phàm phu tu hành thành Phật phải trải qua vô lượng kiếp, trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp. Lời nói này là phương tiện mà nói, là thuận theo chúng sanh mà nói, chúng sanh khắc phục phiền não tập khí của chính mình quá khó, cho nên Phật mới nói như vậy. Nếu bạn thật sự hạ quyết tâm, đoạn trừ tập khí phiền não thì một đời sẽ thành tựu.