374

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 326

Chư Phật Bồ-tát dùng tâm chân thành đối với tất cả chúng sanh, ta cũng dùng tâm chân thành. Tâm chân thành khởi tác dụng, tâm chân thành đối với bản thân mình thì gọi là thâm tâm. Thâm tâm không dễ hiểu, tôi đã nói đến ba tâm: tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, đây chính là thâm tâm. Đối với bản thân mình phải thanh tịnh, phải bình đẳng, phải giác ngộ, đối với bản thân mình không thể mê hoặc. Nếu bạn giả dối không thật lòng thì tâm của bạn nhất định là tâm nhiễm ô, là tâm không bình đẳng, là tâm mê hoặc điên đảo, vậy là bạn bị thiệt thòi quá lớn rồi. Sáu chữ “thanh tịnh bình đẳng giác” trong kinh Vô Lượng Thọ là thâm tâm, nếu bạn đạt được thanh tịnh bình đẳng giác thì cuộc sống của bạn rất an lạc, bạn rất hạnh phúc, rất là mỹ mãn, trong tâm không có lo âu, không có bận tâm, không có phiền não.

Tôi thường nói, nhất định không đối lập với tất cả người, việc, vật. Không có đối lập, không có mâu thuẫn, đây là chân tâm. Đối xử với người khác với tấm lòng từ bi, từ bi là tâm thương yêu chân thật, tâm thương yêu thanh tịnh, đây là tâm Phật, đây là cái tâm vốn có của chính chúng ta. Chúng ta vốn có là cái tâm này, hiện giờ thì đã mê mất chân tâm rồi. Sau khi mê thì chân tâm biến thành vọng tâm. Hiện nay, trong cuộc sống hằng ngày, vọng tâm đã làm chủ, không nhìn thấy chân tâm. Chân tâm không hiển lộ ra không phải là không có. Chân tâm vĩnh viễn không rời xa ta, nhưng từ trước đến giờ bạn không quan tâm đến nó, không hỏi thăm đến nó, cho nên tuy là có nhưng nó không khởi tác dụng, vì vậy mà tạo ra sáu nẻo luân hồi.

Nền tảng của việc học Phật, trước đây lão sư Lý thường nói với tôi, cách học Phật như thế nào? Là sửa chữa tâm, thay đổi tâm. Thay đổi tâm không phải là bảo bạn đi phẫu thuật để thay tâm, mà là thay vọng tâm thành chân tâm, thay tâm giả dối thành tâm chân thành, vậy mới đúng. Chỉ có sự chân thành đối nhân xử thế tiếp vật là vĩnh hằng không thay đổi, tuyệt đối không bị thiệt thòi, tuyệt đối không bị mắc lừa, chẳng lo sợ một chút nào.

Mọi người thấy tôi học Phật đã năm mươi mấy năm rồi, tôi cũng chứng minh cho các bạn, trước mắt thì thấy là tôi bị thiệt thòi, bị mắc lừa, nhưng về sau thì có phước báu rất lớn. Khi bị xúc phạm, chúng ta đừng để trong tâm sự trở ngại này, trong tâm vẫn thản nhiên như không, hãy tìm cách tránh xa là được. Sau khi tránh xa thì biển rộng trời cao, tôi thường nói, sau khi bỏ đi thì quang minh sắc vàng, thù thắng vô cùng. Tất cả các chướng nạn, nhà Phật gọi là ma chướng, không phải là ma, mà là Phật Bồ-tát thị hiện ra ở nơi đó, cũng là Phật Bồ-tát đến để thử thách.

Bị thử thách mà bạn qua được thì lập tức được thăng cấp, nếu thử thách mà bị rớt thì sao? Thử thách bị rớt thì bạn bị đọa lạc xuống dưới. Lúc nào cũng có những chướng nạn, tất cả đều là thử thách. Hằng ngày chịu thử thách nhỏ, thử thách lớn, mỗi ngày chúng ta qua được thì mỗi ngày đều được thăng cấp. Vậy là bạn được tự tại, phiền não giảm, trí huệ tăng, chắc chắn không sanh phiền não. Đối với những người đến gây phiền não, không những ta không có tâm oán hận mà phải có tâm cảm ân, tại sao vậy? Vì họ đến để thử thách ta, họ đến hủy báng ta, xem ta có nổi giận không, xem ta có chấp nhận không. Người đến thử thách ta, nếu ta không tiếp nhận, không nổi giận, vậy là ta đã vượt qua rồi.

Nếu ta tiếp nhận, rất hận họ, rất giận họ, vậy là ta bị đọa rồi, bạn nói xem họ là Phật hay là ma? Nếu họ đến hủy báng ta, ta liền nổi giận, oán hận họ, thì họ là ma, vậy là ta đã gặp ma rồi. Họ dến hủy báng ta, ta không nổi giận, ta chẳng có một chút sân hận nào, ta phải cám ơn họ vì họ đã tiêu nghiệp chướng cho ta, vậy họ chính là Phật.

Cổ Đức thường nói không Phật cũng không ma, Phật hay ma đều là do chính tâm của mình biến hiện ra. Bạn vừa niệm thanh tịnh bình đẳng giác thì tất cả đối phương đều là Phật không phải là ma. Nếu bạn niệm mê tà nhiễm thì mười phương tất cả chư Phật đều là ma, không có vị nào là Phật. Cho nên xin nói với quý vị, bên ngoài không Phật cũng không ma. Phật từ đâu đến? Bản thân chúng ta vừa niệm giác chánh tịnh thì cả thảy đều là Phật, mê tà nhiễm thì tất cả là ma, bạn phải biết cái đạo lý này, đây là chân lý.

Sau đó thì bạn có thể nhận thức được, người ở thế gian này, ai là người thiện, ai là người ác. Bạn dùng tâm thiện đối xử với họ thì chẳng có ai không phải là người thiện, mọi người đều là người tốt. Khi phiền não của bạn nổi lên thì hết thảy mọi người đều là người ác, không có người tốt. Đây chính là ở trong kinh thường nói, cảnh chuyển theo tâm. Bản thân bạn nếu chuyển được cảnh giới thì bạn mới có sự an lạc. Cho nên an lạc hay phiền não đều là do chính tâm của bạn tạo ra, bạn làm sao lại trách người? Bạn có thể chuyển được cảnh giới rồi, trong kinh Lăng-nghiêm có nói: “Nhược năng chuyển vật tức đồng Như Lai (người có thể chuyển vật thì đồng với Như Lai)”, vậy thì bạn chẳng kém gì Phật Bồ-tát. Bản lĩnh của Phật Bồ-tát chính là chuyển cảnh giới, phàm phu đáng thương chính là bị cảnh giới chuyển. Bị cảnh giới chuyển, vậy làm sao bạn có thể ra khỏi sáu nẻo luân hồi? Bạn có thể chuyển được cảnh giới thì lập tức ra khỏi.