/ 374
443

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 325

PHẨM HAI MƯƠI BA

THẬP PHƯƠNG PHẬT XƯNG TÁN


Kinh văn: “Hà dĩ cố? Dục linh tha phương sở hữu chúng sanh, văn bỉ Phật danh, phát thanh tịnh tâm, ức niệm thọ trì, quy y cúng dường. Nãi chí năng phát nhất niệm tịnh tín, sở hữu thiện căn, chí tâm hồi hướng, nguyện sanh bỉ quốc, tùy nguyện giai sanh, đắc Bất Thối Chuyển, nãi chí Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề.

Phẩm Kinh văn này không dài, nhưng nó cũng được phân thành hai đoạn, đoạn thứ nhất là “chư Phật xưng tán”, đoạn thứ hai là “trưng thích tán ý”.

Đoạn phía sau này nói ra ý nghĩa xưng tán của tất cả chư Phật. Tại sao phải cần mười phương tất cả chư Phật tán thán? Đây là đại nguyện căn bản của Bổn Sư Di-đà. Phía trước tôi đã chia sẻ với quý vị, chính là nguyện thứ mười bảy trong 48 nguyện, Phật Phật đạo đồng, những điều chứng được, những điều đắc được tất cả là bình đẳng. Trí huệ bình đẳng, đức năng bình đẳng, tướng hảo bình đẳng. Tướng hảo mà người thông thường chúng ta nói là phước báu, không có cái nào mà không bình đẳng. Tại sao A Di Đà Phật lại thù thắng như vậy, đều được tất cả chư Phật tán thán?

Dường như A Di Đà Phật có vẻ cao hơn tất cả chư Phật một bậc, trên thực tế là thật sự bình đẳng. Tại sao chư Phật lại tán thán? Cổ đức nói với chúng ta, trong vô lượng pháp môn, thông thường nhà Phật thường nói là tám vạn bốn ngàn pháp môn, trên thực tế là vô lượng pháp môn. Trong vô lượng pháp môn, pháp môn niệm Phật vãng sanh này, xác thực là mười phương tất cả chư Phật đều không có, không phải là các Ngài không thể thực hiện được, mà là các Ngài không có phát nguyện này. Trí huệ, thần thông, đạo lực tất cả đều bình đẳng. Do chư Phật không phát cái nguyện này, A Di Đà Phật vô cùng hy hữu đã phát ra những đại nguyện như vậy, sau khi đại nguyện này vừa phát ra, mười phương tất cả chư Phật không vị nào mà không tán thán. Điều này cũng giống như là chúng ta không nghĩ ra mà Ngài đã nghĩ ra.

Tất cả chư Phật đều biết chúng ta là cùng một sinh mạng, cùng chung một thể, cho nên nhất định không có sự đố kỵ, nhất định không có chướng ngại. A Di Đà Phật đã phát ra đại nguyện này, tất cả chư Phật đều hoan hỷ, sự việc này là ủy thác cho A Di Đà Phật đi làm. Giống như đi xây trường học, Ngài thì đi xây cái trường học này, mười phương chư Phật thay thế A Di Đà Phật đi các nơi để chiêu sinh. Cách chiêu sinh là như thế nào? Tán thán chính là chiêu sinh, đối với A Di Đà Phật mà tán thán như vậy thì chúng sanh nghe được liền hoan hỷ, đều mong muốn đi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc để gặp A Di Đà Phật, gặp A Di Đà Phật chính là gặp tất cả chư Phật, A Di Đà Phật là đại diện. Điều này một chút cũng không giả. Bạn gặp được một vị Phật nào đó, không nhất định bạn phải gặp tất cả chư Phật, nhưng mà gặp được A Di Đà Phật thì nhất định bạn liền gặp được tất cả chư Phật. Điều này ở trong Kinh có nói rất là rõ ràng, rất là minh bạch. Đây là oai thần của bổn nguyện lực của A Di Đà Phật, Ngài đã gia trì cho chúng ta. Cho nên điều lợi ích này, ở cõi nước của mười phương chư Phật không có được, không có lớn được như vậy, không được viên mãn, chính là vãng sanh đến thế giới Hoa Tạng. Thế giới Hoa Tạng ở trong Kinh Hoa Nghiêm, điều này thì không dễ dàng. Thế gian này của chúng ta, bất luận là tu pháp môn nào, trong tương lai bạn tu chứng quả thành Phật đều phải đến thế giới Hoa Tạng. Sự thành Phật này hoàn toàn không phải là Phật quả cứu cánh, thành Phật này là thành Phật Quả Phần Chứng. Thiền Tông nói rất hay, “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, điều này là thật, không phải giả. Đại Sư Thiên Thai gọi là Phần Chứng Phật, xác thực là đã minh tâm kiến tánh rồi. Thế nhưng chúng ta biết rằng, những người mới kiến tánh, chính là Bồ-tát Viên Giáo Sơ Trụ, đến khi chứng được cứu cánh viên mãn, là quả vị Như Lai, cái cấp bậc này có tổng cộng là bốn mươi hai cấp bậc, sự chứng được cạn sâu, cao thấp xác thực là có sự khác nhau, nhưng đều được gọi là chư Phật Như Lai, đều là chư Phật Như Lai, không phải là giả. Cho nên từ Viên Giáo Sơ Trụ phá một phần vô minh, chứng một phần pháp thân, chính là chứng một phần chân tánh. Nếu chứng được cứu cánh viên mãn, ở trong Kinh, Thế Tôn nói với chúng ta là cần bao nhiêu thời gian? Ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Cũng giống như đi học vậy, bạn có thể học xong tất cả các học phần, phải cần khoảng thời gian dài như vậy. Thế nhưng ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, khoảng thời quá nhiều này được rút ngắn lại, đây chính là Di-đà Tịnh Độ cùng với cõi nước của chư Phật khác thì không như nhau. Bạn ở nơi Phật độ khác thì thời gian thành Phật lâu, bạn ở Tây Phương Tịnh Độ thì thời gian ngắn. Đại ý là như vậy, cho nên hai vị đại Bồ-tát ở thế giới Hoa Tạng, Văn-thù và Phổ Hiền, đạo sư ở thế giới Hoa Tạng là Tỳ-lô-giá-na Phật, Văn-thù và Phổ Hiền là hai vị trợ thủ. Nếu như lấy trường học của chúng ta để làm thí dụ thì Tỳ-lô-giá-na giống như là hiệu trưởng vậy, Bồ-tát Văn-thù giống như chủ nhiệm giáo vụ, Ngài Phổ Hiền là huấn đạo trưởng. Một vị là giáo vụ trưởng, một vị là huấn đạo trưởng, hai vị này mỗi ngày đều dạy bảo. Bốn mươi mốt vị Pháp Thân Đại Sĩ ở thế giới Hoa Tạng chính là từ Sơ Trụ đến Đẳng Giác, bốn mươi mốt vị Pháp Thân Đại Sĩ này là phát tâm cầu sanh thế giới Cực Lạc, đến thân cận với A Di Đà Phật, ngày ngày đều khuyên dạy.

/ 374