/ 374
610

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 323

PHẨM 23: MƯỜI PHƯƠNG PHẬT TÁN THÁN

Kinh văn: “Phục thứ A-nan! Đông phương Hằng hà sa số thế giới, nhất nhất giới trung như Hằng sa Phật, các xuất quảng trường thiệt tướng, phóng vô lượng quang, thuyết thành thật ngôn, xưng tán Vô Lượng Thọ Phật bất khả tư nghị công đức”. Đến chỗ này là một đoạn. Đoạn này là nói “chư Phật tán thán”. Đông Phương được nói rất chi tiết, chín phương còn lại thì được nói giản lược. Trước tiên chúng ta xem đoạn Kinh văn này. Trong chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có câu: “Thủ tiêu Đông phương, thuận thế tục cố” (phương Đông đứng đầu vì thuận theo thế tục). Thế gian pháp nói đến phương hướng đều nói Đông Nam Tây Bắc bốn hướng trên dưới, nên Phật vì chúng ta giảng Kinh thuyết pháp cũng thuận theo pháp thế gian.

Tất cả chư Phật, Pháp Thân Bồ-tát thị hiện ở thế gian này giáo hóa chúng sanh như thế nào? Các Ngài có một nguyên tắc, đó là y theo nhị đế mà thuyết pháp, chính là căn cứ theo hai nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất là pháp thế gian. “Phật pháp ở thế gian, không phá hoại pháp thế gian”, phải thuận theo, ở đây nói Đông phương đầu tiên, không nói Tây phương. Đây là thuận theo thế gian.

Nguyên tắc thứ hai chính là y theo chân đế mà thuyết pháp. Chân đế chính là cảnh giới trên quả địa của Như Lai, trong giáo pháp Đại Thừa thường nói là thật tướng của các pháp, chân tướng của các pháp. Chân tướng thì người thông thường chúng ta không thể hiểu được. Cho nên Phật y theo hai nguyên tắc này để giảng Kinh thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh.

Hai nguyên tắc này thường hỗ trợ, phối hợp với nhau, lúc nào nên dùng tục đế thì Phật dùng tục đế, lúc nào nên dùng chân đế thì dùng chân đế. Đại khái đối với người mới bắt đầu học thì dùng tục đế nhiều, chân đế ít. Đối với Pháp Thân Bồ-tát thì dùng chân đế nhiều, tục đế ít. Hay nói cách khác, phải xem trình độ của thính chúng, không thích hợp với trình độ của thính chúng là không khế cơ.

Trong bộ Kinh này, đại khái phân nửa là chân đế, phân nửa là tục đế. Đầu tiên là chỉ ra Đông phương. Trên thực tế thì phương hướng này không phải là thật, nếu như nói lời thật thì không có phương hướng. Mọi người đều biết trái đất hình tròn, chúng ta đi theo hướng Đông, đi đến cuối cùng lại quay về chỗ cũ. Vậy thì đâu là Đông? Đâu là Tây? Đi theo hướng Đông đến cuối cùng là từ hướng Tây trở lại. Cho nên Đông Nam Tây Bắc, bốn phương trên dưới không nhất định. Sự việc này, người hiện nay so với người thời xưa thì càng dễ hiểu được chân tướng sự thật, phương hướng chỉ là giả thiết. Singapore chúng ta so với Hong Kong thì chúng ta là ở phương Nam còn Hong Kong là ở phương Bắc. Phương hướng là tùy nơi mà thay đổi, làm gì có sự nhất định! Chúng ta hiểu được chân tướng sự thật thì sẽ không còn chấp trước nữa. Để thể hiện nơi chốn thuận tiện cho việc giả thiết vị trí, máy bay bay trên không, hành trình của tàu thủy nhất định phải nương theo kinh độ và vĩ độ. Kinh độ và vĩ độ là do con người đặt ra, từ kinh độ, vĩ độ mà sinh ra tọa độ. Chúng ta biết được máy bay hiện đang bay ở chỗ nào thì có thể chỉ cho nó vị trí hướng bay chính xác. Hành trình của tàu đi trên biển đi theo hướng nào đều phải dựa vào kinh độ, vĩ độ mới có thể tính toán ra mục tiêu chính xác. Cho nên giả thiết sắp tới sẽ đi vào trong khu vực nào, nó vẫn có tác dụng, sau khi rời khỏi khu vực đó nó sẽ không còn tác dụng. Ở đây Phật nói với chúng ta phương hướng, nhưng vì thế giới quá lớn, không phải là một thế giới nhỏ. “Hằng hà sa số thế giới”. Ấn Độ có một con sông lớn, giống như Trường Giang, Hoàng Hà của Trung Quốc, dài mấy ngàn dặm. Con sông này cát rất là mịn, các đồng tu chúng ta đang ngồi ở đây, có một số vị đã đi hành hương ở Ấn Độ rồi. Đi hành hương ở Ấn Độ nhất định sẽ đến sông Hằng. Có nhiều người mang cát ở sông Hằng về cho tôi xem, xác thực là rất mịn giống như bột mì vậy, Phật nói số lượng nhiều thường dùng cát của sông Hằng làm thí dụ. Năm xưa Thế Tôn giảng kinh thuyết pháp, đại đa số thời gian là ở lưu vực của sông Hằng, cho nên nói cát sông Hằng, người thông thường đều rất quen thuộc, đều biết được. Số cát này rất nhiều không tính đếm được, hình dung được số lượng thế giới là nhiều. Trên thực tế, chúng ta biết cát sông Hằng vẫn là có số lượng, chỉ là không có ai tính đếm, nhưng số thế giới mà Phật nói với quý vị là không có số lượng. Số cát sông Hằng không thể so bì với số lượng thế giới, số lượng thế giới thật sự là không có giới hạn. Phật nói thế giới này không phải chỉ là một quả địa cầu này, không phải chỉ có thái dương hệ, thậm chí chúng ta có thể nói không phải là chỉ có hệ ngân hà này. Ngày nay chúng ta nói những hiện tượng thiên văn trên trời, các nhà khoa học luôn luôn lấy hệ ngân hà làm một đơn vị, đây là tinh hệ lớn nhất hiện nay được theo dõi. Trong quá khứ, những đồng tu học Phật cho rằng thế giới mà Phật nói ở trong Kinh điển, khu vực của một vị Phật giáo hóa chúng sanh là một tam thiên đại thiên thế giới. Tam thiên đại thiên thế giới có tiểu thiên, trung thiên, đại thiên, ba cái này hợp thành khu vực giáo hóa của một vị Phật, thật ra là một đại thiên thế giới. Có rất nhiều người hiểu lầm tam thiên đại thiên thế giới. Tam thiên đại thiên thế giới là một đại thiên thế giới. Cách tính này không phải là cứng nhắc, đây là cách tính đại khái. Thực ra là có tăng có giảm. Trong kinh nói một đơn vị thế giới có một núi Tu-di, mặt trời, mặt trăng, ngôi sao đều xoay xung quanh núi Tu-di này. Chúng ta nói về tinh hệ, trái đất của chúng ta quay quanh mặt trời, mặt trời thì quay quanh ngân hà. Ngày trước chúng ta cho rằng hệ ngân hà có thể là đại thiên thế giới trong Kinh Phật nói. Thái dương hệ của chúng ta có phải là một đơn vị thế giới không? Hãy thử nghĩ và đối chiếu với Kinh Phật xem có vấn đề gì nói không thông, bởi vì trong Kinh Phật nói là mặt trời, mặt trăng đều xoay quanh núi Tu-di. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ là người học khoa học, đã nói với tôi về vấn đề này. Ông nói “đơn vị thế giới” trong Kinh phải là hệ ngân hà, bởi vì mặt trời, mặt trăng, ngôi sao đều chuyển động quanh hệ ngân hà. Cách nói này rất có lý, ông nói núi Tu-di là hình dung từ, hoàn toàn không phải là một ngọn núi lớn, đó là trung tâm của hệ ngân hà. Ở Trung Quốc, trong danh từ thiên văn, gọi trung tâm của ngân hà là hoàng cực, hoàng là màu vàng, ông nói đây chính là núi Tu-di mà trong Kinh đã nói. Hiện nay các nhà thiên văn học nói trung tâm của hệ ngân hà là một lỗ đen, có lẽ Phật lấy cái này để thí dụ cho núi Tu-di. Hệ ngân hà này là một đơn vị thế giới, cái thế giới này thật quá lớn. Một ngàn hệ ngân hà là một tiểu thiên thế giới. Sau đó lại lấy tiểu thiên thế giới làm đơn vị, một ngàn tiểu thiên thế giới là một trung thiên thế giới, lại lấy trung thiên thế giới làm đơn vị, một ngàn trung thiên thế giới là một đại thiên thế giới. Vậy một đại thiên thế giới có bao nhiêu hệ ngân hà? Một tỷ cái. Các nhà khoa học hiện nay không có cách nào, kính viễn vọng vô tuyến điện tiên tiến nhất cũng không nhìn thấy nhiều tinh hệ như vậy. Khoa học ngày nay so với những điều Phật nói trong Kinh là quá nhỏ bé. Đây là một thế giới, đi về phương Đông có bao nhiêu? Vô lượng vô biên vô số thế giới, trong mỗi thế giới có “hằng sa Phật”, giống như thế giới Ta-bà của chúng ta vậy. Thích-ca Mâu-ni Phật nói giai đoạn này gọi là Hiền kiếp, chính là nói cái đại kiếp này. Chữ “kiếp” này là Phật vì chúng ta mà nói ra đơn vị thời gian. Ngày nay chúng ta nói đơn vị của thời gian là ngày tháng năm. Trong ngành thiên văn thì tính khoảng cách bằng năm ánh sáng, ánh sáng một năm đi được bao xa? Đơn vị năm ánh sáng này, các nhà thiên văn học gọi là lượng thiên xích. Đường kính của hệ ngân hà của chúng ta từ bên này qua bên kia là bao xa? Các nhà thiên văn học nói, nếu dùng năm ánh sáng để đo là hai mươi năm ánh sáng. Con số này không có cách nào để tính toán, ánh sáng một giây đi được ba trăm ngàn km. Cái vũ trụ này thật là quá lớn.

/ 374