/ 374
450

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 322

Đoạn sau nói rất hay: “Đương tri nhất thiết chúng sanh sở hữu thần lực” (nên biết trí lực thần thông của tất cả chúng sanh), cái này thì mỗi người chúng ta đều có. “Bổn dữ Như Lai vô nhị vô biệt” (vốn không hai không khác với Như Lai), trí lực thần thông của chúng ta không khác gì với chư Phật Như Lai, nhưng hiện nay vì sao lại khác biệt với chư Phật Như Lai lớn đến như vậy? “Đặc vô đại nguyện, đại hạnh, phát khởi thắng nhân, bất giác bất tri, trầm luân vĩnh kiếp” (Vì không phát khởi nhân thù thắng của đại nguyện, đại hạnh nên bất tri bất giác mà trầm luân nhiều kiếp). Câu nói này đã nói ra bệnh căn của chúng ta, trí huệ đức năng của chúng ta cùng với chư Phật là như nhau. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: “Tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai.” “Đức” chính là năng lực, “tướng” là tướng hảo; chính là phước báo, trí huệ. Năng lực, phước báo của chúng ta cùng với chư Phật Như Lai không hai không khác, vì sao mà ngày nay lại thành ra như vậy? Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nhưng vì vọng tưởng phân biệt chấp trước mà không thể chứng đắc”, chỗ này nói rất hay. Bạn không có đại nguyện, không có đại hạnh, cái nhân thù thắng thì có, nhưng cái nhân thù thắng đó không thể phát khởi được, cho nên đã biến thành bất giác bất tri. Vốn là đại giác đại tri, hiện tại đã biến thành bất giác bất tri, đọa lạc trong sáu nẻo luân hồi nhiều kiếp đến nay, bạn nói xem có đáng thương không! Mỗi câu này đều là lời thật, chúng ta phải nên chăm chỉ nỗ lực, phải thật làm. Một đời bạn đi con đường này khẳng định sẽ thành công, huống hồ đây là chánh đạo. Chánh đạo thì nhất định là chư Phật Như Lai gia trì, chư Phật hộ niệm, long thiên hộ pháp bảo vệ bạn, không cần phải lo lắng. Cả đời tôi đắc lực là nhờ giáo huấn của Chương Gia Đại sư. Chương Gia Đại sư đã cho tôi một sự an tâm, cả đời của tôi một chút lo âu cũng không có. Chân chánh phát tâm vì Phật pháp, vì chúng sanh thì Phật Bồ-tát sẽ chăm lo cho cả đời bạn, việc gì cũng không cần bận tâm. Tôi thật sự tin lời Ngài, nghe lời Ngài. Thuận cảnh là Phật Bồ-tát an bài, nghịch cảnh cũng là Phật Bồ-tát an bài, nhẫn nhục chịu đựng. Vừa chịu đựng thì sau đó quả nhiên quả báo rất tốt, rất thù thắng ngoài sức tưởng tượng. Toàn bộ để cho Phật Bồ-tát an bài, bản thân không cần phải bận tâm. Tự mình bận tâm thì phiền phức rồi, tự mình bận tâm lo lắng thì Phật Bồ-tát sẽ không lo cho bạn. Vì sao vậy? Vì bạn tự lo cho mình rồi, Phật Bồ-tát việc gì phải lo cho bạn nữa, thần hộ pháp cũng không cần bận tâm nữa. Ta toàn bộ đều giao cho Phật Bồ-tát, các Ngài mà không chăm lo cho ta thì ta cũng hết cách. Toàn bộ nhờ các Ngài, chính là dựa vào, nương nhờ vào, việc này mới có thể tự tại được. Bản thân bạn mới có thể chuyên tâm, tâm không phân tán, thì con đường đó sẽ đi đến đích.

Lúc tôi mới xuất gia, học Kinh giáo với lão sư Lý tại Đài Trung, ra đi giảng Kinh được mười mấy năm, những vị đồng tham đạo hữu xuất gia cùng một lượt với chúng tôi đều rất quen thuộc. Các huynh đệ thọ giới cùng lúc, nhìn thấy tôi, họ đều nói, không ngờ tôi có thể giảng Kinh được thông như vậy. Cái thông này có ý nghĩa gì? Là tôi còn có thể tiếp tục duy trì được, vào lúc đó mọi người đều lo lắng. Đây là sự thực đã tạo thành, nhất định không thể trách họ. Tự miếu đều không có đất đai, không như ngày xưa, chùa miếu vào thời xưa đều có ruộng đồng nương rẫy. Các cư sĩ không cúng dường tiền bạc, họ cúng dường ruộng đất, núi non. Đây là những thứ có thể cho nông dân thuê lại để làm, thu tiền thuê đất. Kinh tế của tự miếu đạo tràng đều có thu nhập cố định, họ không cầu người, đời sống kinh tế của họ đã được đảm bảo, không cần phải dựa vào tín đồ. Tự viện tòng lâm ngày nay đều không có tài sản, không có tài sản thì đành phải nhờ vào pháp hội, nhờ Kinh sám. Việc này rất khổ. Phải nhìn sắc mặt của tín đồ, bạn đắc tội với họ thì lần sau họ sẽ không đến nữa, những ngày tháng như vậy thật không dễ sống. Đây là hiện tượng mà xã hội đã tạo thành. Thế nhưng, một bộ phận các đồng học học Phật xuất gia khác không có lòng tin đối với Phật Bồ-tát, không dám tin vào Phật Bồ-tát. Tôi tin vào Phật Bồ-tát, không làm Kinh sám, không làm Phật sự, tôi ngày ngày lo niệm Phật, nghiên cứu Kinh điển. Ngày mai không có cơm ăn thì phải làm sao? Họ đã đặt ra rất nhiều nghi vấn đối với sự giáo huấn của Phật Bồ-tát, thật sự là bán tín bán nghi. Lòng tin của các vị không như tôi. Tôi không có cơm ăn, không có quần áo mặc, không có nơi để ở, tôi tuyệt đối cũng không thối tâm, tôi vẫn tin vào Phật Bồ-tát. Vì sao vậy? Vì tôi còn chưa chết, có lẽ là Phật Bồ-tát đang thử thách tôi thôi, xem có thể chịu đựng được không, tôi nhất định không đắn đo do dự. Cho nên cả đời thật sự là do Phật Bồ-tát chăm lo, trời không tuyệt đường của con người. Con đường này rồi sẽ đi đến đích, càng đi thì càng thù thắng. Ngày trước, không cần nói đâu xa, mười hay hai mươi năm trước, tôi quen biết với những Pháp sư cùng tuổi với tôi, phước báo của họ thù thắng. Vào lúc đó tôi đang lưu lạc khắp nơi, ăn nhờ ở đậu phải nhìn sắc mặt của người ta. Khi người ta không vui thì liền biết mình đã sai rồi, phải đi thôi, cho nên nên đến bây giờ mới xây một đạo tràng. Thế nhưng, hiện nay xem những người bạn ấy của tôi, tôi lại thấy có phước báo hơn họ, họ đều không như tôi. Phước báo đầu tiên là gì vậy? Là khỏe mạnh. Sức khỏe của họ kém tôi rất xa, hai năm nữa thì tôi được 80 rồi, họ nhìn tôi rất là ngưỡng mộ. Thứ hai là tiền bạc. Hiện tại thì họ cảm thấy chùa lớn quá, sự nghiệp lớn quá, việc xoay sở tiền bạc rất khó khăn, không có đủ tiền, do vì tai nạn nhiều, tín đồ cúng dường càng ngày càng ít. Muốn làm một việc gì đó, bảo họ bỏ ra mấy triệu thì sẽ vô cùng khó khăn, không cần nhiều, chỉ một hai triệu thôi cũng không có. Điều này thì họ không bằng tôi. Tôi không có một đồng nào cả, tôi ở đây nói vài câu thì sẽ có rất nhiều tiền đến, đích thực là tâm tưởng sự thành, hữu cầu tất ứng. Cho nên đến những năm về sau mới thấy được, hết thảy đều có sẵn, không có cái gì mà không phải Phật Bồ-tát an bài. Nếu như không có việc sử dụng chính đáng thì một đồng tiền tôi cũng không cần, nhất định là phải chính đáng, vì Phật pháp, vì chúng sanh. Không phải vì Phật pháp và chúng sanh, nếu vì bản thân thì một đồng tôi cũng không xài, cuộc sống của bản thân tôi vô cùng đơn giản. Sau khi từ Indonesia về thì tôi càng thận trọng hơn. Ngày trước, người ta mời dùng cơm tôi đều đi, hiện nay thì tôi không dám đi. Nguyên nhân là gì vậy? Ở Indonesia hơn một tuần cũng không phải là thời gian dài, ở tại một khách sạn cao cấp nhất. Ở Indonesia thì nơi càng cao cấp thì càng lạnh, tôi đã bị cảm lạnh. Còn lúc ăn uống thì trong thức ăn có bột ngọt. Lúc bình thường tôi không ăn bột ngọt, mấy mươi năm nay đều không ăn bột ngọt. Thứ này hương vị thì rất ngon, nhưng đối với thân thể thì có sự tổn hại nghiêm trọng. Năm xưa tôi ở Đài Trung, lão sư Lý đã cảnh báo tôi rất nhiều lần, nói với tôi là tuyệt đối không nên đi đến quán để ăn uống. Chúng tôi có một đồng học là cư sĩ Du Tuấn Kiệt, tuổi tác trẻ hơn tôi, cũng vì thích ăn bột ngọt, mỗi bữa ăn của ông đều không thể thiếu, ông chưa được 40 tuổi thì đã qua đời. Lúc đó lão sư Lý nói chúng tôi hãy xem đó làm ví dụ, chúng tôi biết được nó rất nghiêm trọng. Bột ngọt mà ăn trong thời gian dài thì sẽ bị trúng độc, tổn hại đến gan và thận. Cho nên nói “họa từ miệng ra, bệnh từ miệng vào”, những lời của người xưa rất có đạo lý. Hiện nay nếu ra ngoài ăn uống thì đều là bột ngọt, đây là một việc rất phiền phức. Cho nên đi du lịch thì tự mang theo đồ để nấu ăn, không nên ăn đồ ăn của người ta nấu, vậy mới thật sự an toàn. May mà cuộc sống của người xuất gia tu hành, người niệm Phật đều rất đơn giản, việc ăn uống cũng rất dễ dàng, đây gọi là cẩn thận.

/ 374