/ 374
671

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 312

Người đứng đầu trong tám đại học thức thời Tống là Hàn Dũ. Thầy của Hàn Dũ là ai vậy? Thầy của Hàn Dũ là Sử Ký. Sử Ký là của thời Hán, Ngài học Tư Mã Thiên, lấy Sử Ký làm thầy, cả một đời chuyên chú vào Sử Ký, trở thành một đại văn hào. Những ví dụ về người xưa này rất nhiều rất nhiều. Nổi tiếng nhất trong nhà Phật, chính là Ngẫu Ích Đại sư.

Ngẫu Ích Đại sư học Ngài Liên Trì. Ngài Liên Trì đã qua đời, nhưng trước tác của Liên Trì Đại sư thì còn, cả đời Ngài chuyên môn học ngài Liên Trì. Ngài cũng đã trở thành một tổ sư của Tịnh Tông. Vì vậy, chân thật chịu học thì không nhất định phải ở bên cạnh họ. Đạo lý này bạn phải nên hiểu. Đặc biệt là ở vào hoàn cảnh hiện nay. Hoàn cảnh hiện nay, dùng lời thật mà nói, thì cũng không khác gì với thời Xuân Thu Chiến Quốc. Chúng ta ngày ngày đi khắp nơi cũng là chu du liệt quốc. Hiện tại xin thị thực vào nước khác không dễ chút nào, quốc gia nào cũng đều rất khó lấy được thẻ tạm trú. Tịnh Tông học viện ở Úc Châu của chúng tôi, các vị cũng đều biết rồi. Chúng tôi học chín năm, tôi đem phương pháp dạy trong chín năm của tôi nói với mọi người. Các vị bất luận ở tại một nơi nào mà học thì cũng như vậy. Nói không chừng, thành tựu mà các vị học được còn vượt hơn cả học viên của chúng tôi, thực tế là như vậy, không giả dối một chút nào. Vấn đề là ở thật sự làm, thật sự học, khẳng định là bạn sẽ vượt hơn. Có một số đồng học muốn đi đến Úc Châu, chúng tôi không phải là chính phủ Úc Châu, tôi không có cách nào cấp được thị thực cho bạn cả. Ở nơi đó của chúng tôi, các vị cũng biết, có không ít các thầy có tên lót chữ “Ngộ” đã đi qua bên đó, khoảng hai mươi mấy người. Hiện tại những người đó đều chỉ lấy được thị thực tạm thời mà thôi, thời hạn chỉ có hai năm. Hai năm sau làm lại, nếu người ta không cấp cho bạn thì phải về nước. Thật không dễ dàng. Vì vậy, chúng tôi cũng thường suy nghĩ đến lúc nào thì Phật giáo Trung Quốc mới có thể thành lập được đại học Phật Giáo. Bạn ở tại đất nước của mình cầu học tu hành thì sẽ rất là tiện lợi, sẽ không bị hạn chế nhiều như vậy. Nếu nhà nước làm thì có thể được hay không? Rất có thể, nhưng hiện tại thì không. Hiện tại vì sao mà không thể? Hiện tại nếu nhà nước làm thì không tìm ra được thầy giáo. Làm trường đại học thì rất dễ, không khó, nhưng đi đến đâu tìm cho được thầy giáo? Cho nên chính các vị phải khổ tu, phải thật làm. Sau khi tu được vài năm, bản thân có được thành tựu rồi, nhà nước làm đại học Phật giáo thì các vị có thể làm thầy. Nếu bạn không có học vấn và đức hạnh này, chúng ta hy vọng nhà nước có thể làm trường đại học Phật Giáo thì cũng rất là mờ mịt. Nhà nước dù gật đầu nói họ sẽ làm, bảo bạn tìm giáo sư cho họ, nhưng bạn một người cũng không tìm được. Đây là sự thật.

Cho nên, hiện tại quan trọng nhất chính là chính mình phải phấn đấu, chăm chỉ nỗ lực. Trong các Kinh điển, câu sau cùng trong mỗi bộ Kinh là “y giáo phụng hành”. Chỉ cần bạn làm cho bằng được bốn chữ này, thì bộ Kinh đó bạn sẽ thật sự được lợi ích. Bạn không thể y giáo phụng hành thì Kinh đó bạn không được gì, không liên quan gì với bạn. Vì vậy, hôm nay chúng ta đọc được đoạn Kinh văn này thì cảm khái rất nhiều. Đoạn Kinh văn này chỉ dạy chúng ta phương hướng để nỗ lực, nhất định phải tranh thủ đi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, hoa sen của bạn sẽ lớn, quang sắc của bạn sẽ tốt. Đây là đức hạnh, là giới định huệ tam học. Chỉ có tam học tăng trưởng thì mới có thể lên cao hơn.

Đoạn này sau cùng có một câu: “Nhất nhất hoa trung xuất tam thập lục bách thiên ức quang”.

Đây là đoạn nhỏ thứ sáu, “Liên Phóng Diệu Quang”. Trong phần này, sen báu phóng quang. Quang này trong Kinh đã nói “ba mươi sáu”. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói: “Bách thiên ức là lấy số lượng để biểu thị cho vô lượng”. Lời này nói không sai chút nào. Nói ba mươi sáu thì chưa thấy người xưa chú giải. Chú giải cho Kinh Vô Lượng Thọ từ xưa đến nay chưa có ai giảng câu này cho rõ ràng. Vậy số ba mươi sáu này ở đâu ra? Hoàng lão cư sĩ có một cách nói, ông cho rằng thế giới Tây Phương Cực Lạc có bốn độ, mỗi độ đều có chín phẩm, bốn nhân chín thì được ba mươi sáu. Ông nói có đạo lý, vậy thì được rồi. Cho nên ông nghĩ đó là chỉ số phẩm vị ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, bốn lần chín là ba mươi sáu. “Nhất nhất phẩm hữu bách thiên ức liên”, lấy bách thiên ức để biểu thị con số cực đại. Thông thường thì chúng ta nói là vô lượng, vô lượng vô biên. Vì thế, những con số nói ở trong Kinh điển không phải là con số, mà là biểu pháp. Chúng ta nhất định phải hiểu được ý nghĩa này, phải hiểu được ý nghĩa của sự biểu pháp.

/ 374