PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 311
Kinh văn: “Bỉ liên hoa lượng, hoặc bán do-tuần, hoặc nhất, nhị, tam, tứ, nãi chí bách thiên do-tuần”.
Đoạn này là nói số lượng của hoa sen, cũng chính là nói độ lớn nhỏ của hoa sen. Có thể nói ở thế giới Tây Phương mọi thứ đều bình đẳng, duy nhất một điểm không như nhau đó chính là độ lớn nhỏ của hoa sen. Tại vì sao mà độ lớn nhỏ của hoa sen có khác biệt vậy? Thích-ca Mâu-ni Phật vì chúng ta mà giới thiệu thế giới Tây Phương Cực Lạc, đã nói rằng những người niệm Phật ở mười phương thế giới sanh đến thế giới Cực Lạc này do vì nhân địa công phu không như nhau, cho nên đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, từ chỗ hoa sen lớn nhỏ màu sắc khác nhau thì biết được công phu của bạn có khác nhau. Nếu như công phu của bạn tốt, bạn sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc hoa sen sẽ rất lớn, bạn sẽ nhìn thấy sự chênh lệch này là một khoảng cách rất lớn. Hoa sen nhỏ chỉ có nửa do-tuần, hoa sen lớn thì đến trăm nghìn do tuần, đây thật là không thể nào so sánh. Cho nên chúng ta đọc đến chỗ Kinh văn này, thì phải biết dụng công cho tốt, buông bỏ vạn duyên, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc được cái hoa sen lớn thì mới có mặt mũi, hoa sen quá nhỏ thì thật là xấu hổ, vãng sanh cũng rất là miễn cưỡng. Thế gian pháp chỉ có cái pháp này là chân thật, những cái khác đều là giả cả, gọi là “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”.
Trong đồng tu có người thật sự phát tâm từ bi, muốn xả mình vì người, nối dòng huệ mạng vì chánh pháp cửu trụ. Tôi thường nghe được có người đến nói với tôi, có người thì viết thư cho tôi, họ có chân thật phát tâm hay không? Nếu như thật sự phát tâm, họ không cần phải nói, họ cũng sẽ không viết thư cho tôi. Đó là chân thật phát tâm. Vì sao vậy? Vì chân thật phát tâm thì phải hành động, trong sự hành động đó thì quan trọng nhất là tâm thanh tịnh, miệng của bạn nói nghe thì rất hay, mà tâm của bạn không thanh tịnh, bạn vẫn là tự tư tự lợi, vẫn là danh văn lợi dưỡng, bạn vẫn như vậy đâu có gì buông xả. Đây là việc quá đỗi sai lầm, cho nên người nói ra thì rất nhiều, rất nhiều.
Lần này tôi vừa mới đi tham dự hội nghị hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Nhật Bản trở về. Liên Hiệp Quốc một năm mở không biết bao nhiêu lần Hội Nghị Hòa Bình, đã làm được năm-sáu năm rồi, mà thế giới này vẫn càng ngày càng loạn, hòa bình thì càng ngày càng mất hy vọng. Đây là do nguyên nhân gì vậy? Chúng ta vẫn phải tìm cho ra cái nguyên nhân này. Tôi tham gia hội nghị này chỉ mới là lần thứ hai, lần thứ nhất là năm ngoái tổ chức tại Băng Cốc, tôi đã tham gia qua một lần. Lời nói của người Trung Quốc ngày xưa rất hay, trên Kinh cũng có nói, rất nhiều các vị đồng học đều đọc qua Tứ Thư. Sách Đại Học đó là Kinh, ba cương tám mục của Đại Học: cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Làm những hoạt động về thế giới hòa bình là bình thiên hạ. Bình thiên hạ nếu dùng lời của người hiện nay mà nói, chính là thiên hạ thái bình, người trong thiên hạ đều có thể được đối đãi bình đẳng, vậy thì sẽ chung sống hòa thuận. Sự việc này, trên Kinh đã nói rất hay, từ thiên tử cho đến thứ dân đều là lấy tu thân làm gốc. Chính thân bạn không tu, thì bất kỳ cái gì cũng không thể nói, ngày ngày hội họp thì có ích gì? Ngày ngày giảng Kinh, ngày ngày niệm Phật có tác dụng gì chứ? Người xưa châm biếm những người niệm Phật là một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu, hai mươi vạn tiếng Phật hiệu, là “hét bể cổ họng cũng chỉ uổng công”. Nguyên nhân là gì? Miệng niệm Di-đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng cũng uổng công, bạn ngày ngày niệm Phật công phu không đắc lực. Vừa rồi có một vị đồng tu, tôi vừa vào cửa thì nhìn thấy tờ giấy này, tôi xem qua, người đó là phát tâm học giảng Kinh, giảng Kinh công phu không đắc lực, vọng tưởng phân biệt chấp trước đầy dẫy. Phật pháp nói đến tu hành thì phương pháp rất nhiều, đến tám vạn bốn ngàn pháp môn, vấn đề là muốn bạn biết. Đại đức Tông môn thời xưa, Thiền Tông khi kiểm tra người học sẽ hỏi “bạn có biết không?”. Câu nói này ý nghĩa sâu rộng. Bạn phải biết, niệm Phật bạn phải biết niệm, học giáo bạn phải biết học, giảng Kinh bạn phải biết giảng, biết rồi thì bạn sẽ thành tựu, sẽ tương ưng. Vì sao mà bạn không biết? Vì phiền não tập khí chưa trừ. Vì sao mà chưa trừ vậy? Vì nền tảng của bạn chưa tốt.