/ 374
950

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 272

Xin mời mở Kinh ra, đầu đề là “Kiến Thọ Hoạch Nhẫn”. Xin xem Kinh văn.

Kinh văn: “Phục do kiến bỉ thọ cố, hoạch tam chúng nhẫn: Nhất âm hưởng nhẫn, nhị nhu thuận nhẫn, tam giả vô sanh pháp nhẫn”.

Đây là nói đến lợi ích của chúng sanh, nói đến chỗ cứu cánh. Đây là sự thọ dụng chân thật, người thông thường chúng ta nói tu hành chứng quả, trong Phật pháp nói là khế nhập cảnh giới. Ở chỗ này cùng với “Kinh Nhân Vương” dùng từ nhẫn để biểu pháp. Nhẫn có nghĩa là cho phép, nghĩa là đồng ý. Lời của Phật nói nghĩa lý rất sâu, chúng ta nghe rồi không hoài nghi, có thể khẳng định, có thể thừa nhận thì gọi là nhẫn. Cho nên trong chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có nói, tin cái lý khó tin mà không mê hoặc thì gọi là nhẫn. Cổ đại đức vì chúng ta mà giải thích chữ nhẫn này, huệ tâm an pháp được gọi là nhẫn. Dùng lời hiện nay để nói, chính là chúng ta dùng lý trí để chúng ta biết được, khẳng định tất cả các pháp mà Như Lai đã nói, cái này cũng gọi là nhẫn. Nói đến chỗ cứu cánh, chính là ở các buổi giảng của chúng tôi thường nói về chân tướng của vũ trụ nhân sanh, chúng ta đối với Kinh Đại thừa mà Phật đã nói, chân tướng của vũ trụ nhân sanh, đặc biệt là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”, chúng ta có thể tin tưởng, niềm tin này vô cùng khó. Tại sao vậy? Vì chúng ta chưa gặp qua, xưa nay chưa từng nghĩ đến, bây giờ nghe Phật nói như vậy lại có thể tin tưởng, hơn nữa lòng tin này không phải là mê tín, thông thường gọi là chánh tín. Chánh tín là đối với chân tướng sự thật tuy là chưa biết được nhưng mà có lý do để tin tưởng điều đó, là lý do gì vậy? Thích Ca Mâu Ni Phật không nói dối, giống như trong “Kinh Kim Cang” đã nói, Như Lai là bậc nói lời chân thật, nói lời đúng đắn, không nói lời vọng ngữ, không nói lời giả dối, vì vậy chúng ta có thể tin tưởng, niềm tin này gọi là chánh tín. Vậy có phải là đắc nhẫn hay không? Không phải, điều này hoàn toàn chưa đắc nhẫn.

Cái gì gọi là đắc nhẫn? Tự bản thân bạn chứng đắc mới gọi là đắc nhẫn. Chỗ này đã nói ba loại nhẫn, không phải là người thông thường. Trong “Kinh Nhân Vương” có nói vô sanh pháp nhẫn chính là loại thứ ba, người nào mới chứng được? Là thất địa, bát địa, cửu địa Bồ Tát chứng được. Đây không phải là Bồ Tát thông thường. Từ chỗ này chúng ta có thể suy rộng ra, âm hưởng nhẫn là sơ địa, nhị địa, tam địa Bồ Tát chứng đắc; nhu thuận nhẫn là tứ địa, ngũ địa, lục địa Bồ Tát chứng đắc. Ba loại nhẫn này là từ sơ địa đến cửu địa. Thập địa Bồ Tát đã chứng thì không gọi là pháp nhẫn, mà gọi là tịch diệt nhẫn, đây là bậc cao nhất. Do đây có thể biết, đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, ở nơi đó nghe pháp tu học, những câu nói này chính là đảm bảo cho bạn có thể chứng được Bồ Tát Ma Ha Tát, bạn có thể chứng được, đây là giấy bảo đảm cho bạn có thể chứng được quả vị địa thượng Bồ Tát. Dụng ý thật sự của câu nói là ở tại chỗ này. Nếu chúng ta hiểu rõ đối với Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì tự nhiên sẽ sanh tâm muốn về. Tại sao vậy? Ở thế gian này của chúng ta, bạn muốn chứng đắc quả vị địa thượng Bồ Tát không dễ dàng gì, hay nói cách khác, hoàn toàn không thể chứng được. Trong cuộc đời này của chúng ta, nếu có thể chứng được quả vị Tu Đà Hoàn thì quá tuyệt vời rồi. Tu Đà Hoàn so với sơ địa Bồ Tát còn kém xa, điều này nhất định phải biết. Đoạn Kinh văn này ý nghĩa thật sự của nó chúng ta đã hiểu rõ, bây giờ chúng ta hãy xem tên gọi của ba loại nhẫn này, trước tiên là giảng rõ ràng cái tên này.

Pháp sư Tịnh Ảnh đời nhà Tùy có “Kinh Vô Lượng Thọ Nghĩa Sớ”, pháp sư y theo bản dịch của Khang Tăng Khải. Bản dịch này trước kia chúng tôi đã đọc qua, ngày trước ở Đài Trung lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã từng giảng qua, tôi cũng đã nghe qua. Ở trong chú giải pháp sư có nói: “Tầm thanh ngộ giải, tri thanh như hưởng, danh âm hưởng nhẫn”, đây là sơ địa, nhị địa, tam địa Bồ Tát đã chứng được. Cách nói này cùng với “Đại Thừa Khởi Tín Luận”, Bồ Tát Mã Minh dạy cho chúng ta cách tu học là như nhau. Bồ Tát Mã Minh dạy cho chúng ta phải nghe Kinh học giáo như thế nào để bạn có thể ngộ nhập, hay nói cách khác, bạn mới có thể nhận được sự thọ dụng chân thật? Ngài nói cho chúng ta ba việc.

Việc thứ nhất là ly ngôn thuyết tướng. Âm hưởng nhẫn chính là ly ngôn thuyết tướng, tức là không chấp vào lời nói. Lời nói là phương tiện, không nên chấp trước, bạn phải nghe điều gì? Bạn phải nghe nghĩa lý trong ngôn ngữ đã nói, không chấp vào lời nói, như vậy gọi là biết nghe. Còn đọc Kinh, Kinh điển là do văn tự viết ra, văn tự là ký hiệu của lời nói, khi đã không chấp vào lời nói thì chúng ta còn chấp vào văn tự hay sao? Đương nhiên là không chấp. Cho nên, có những người vô cùng chú trọng vào việc khảo chứng, đây là người có học ở thế gian họ làm công việc này, họ không phải là người tu hành. Người tu hành là ngộ nhập cảnh giới. Là hai sự việc. Một mực chấp vào khảo chứng thì chắc chắn không thể ngộ nhập cảnh giới, họ xem Phật pháp như một môn học của thế gian để nghiên cứu, Kinh điển trở thành thế gian pháp. Bên trong thế gian pháp là gì? Chúng ta có thể nói là văn học ở trong pháp thế gian, xem Kinh điển như là tác phẩm văn học để nghiên cứu. Việc này cùng với học Phật không có liên quan, sai phương hướng rồi, đương nhiên mục tiêu cũng khác nhau.

/ 374