PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 270
Khoa phán đoạn nhỏ thứ ba: “Thuyết pháp lợi sanh”. Cái này phân thành hai đoạn nhỏ, đoạn nhỏ thứ nhất là “thọ thuyết pháp”. Xin xem Kinh văn.
Kinh văn: “Vi phong từ động, xuy chư chi diệp, diễn xuất vô lượng, diệu pháp âm thanh. Kỳ thanh lưu bố, biến chư Phật quốc, thanh sướng ai lượng, vi diệu hòa nhã. Thập phương thế giới, âm thanh chi trung, tối vi đệ nhất”.
Ở chỗ này nói ra sáu trần thuyết pháp, cuối cùng là họ nói ra những pháp gì vậy? Có thể nói không có pháp nào mà không nói, mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai vì tất cả chúng sanh mà diễn thuyết vô lượng vô biên pháp môn, ở trong cây trong gió cũng có thể nghe được. Không những có thể nghe được, mà còn có thể thấy được. Phía sau bộ Kinh có nói đến, “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật” thì nói càng rõ ràng hơn nữa. ‘Quán Kinh” là phần tài liệu bổ sung cho “Kinh Vô Lượng Thọ”, bổn Kinh có chỗ nào chưa nói rõ, “Quán Kinh” đều đã bổ sung đầy đủ rồi. Cho nên chúng ta muốn biết Thế giới Tây Phương Cực Lạc, hiểu rõ Phật quốc độ, thì tam Kinh nhất định phải đọc thuộc.
Trong chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã nói cho chúng ta, đoạn này là nói rõ cây cối ở Thế giới Tây Phương có thể diễn thuyết diệu pháp, lợi ích không thể nghĩ bàn. Chúng ta nghĩ xem, cây ở thế gian này của chúng ta có biết diễn thuyết diệu pháp hay không? Biết! Chỉ có bản thân chúng ta là không biết. Nếu mà chúng ta biết, quốc độ này cùng Tây Phương vốn dĩ không hai. Vô cùng đáng tiếc, bản thân chúng ta đã mê quá sâu, quá nặng. Cho nên giống như Tây Phương Cực Lạc Thế giớiy chánh trang nghiêm như vậy, ở nơi này của chúng ta thì hoàn toàn không thấy được. Sự việc này là có thật, không phải là giả.
Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa khi còn tại thế, có đệ tử hỏi Ngài, thưa Thế Tôn, báo độ của Ngài chẳng lẽ là như vầy sao? Tại sao không bì được với chư Phật Như Lai vậy? Mặt thua kém của Ngài quá nhiều. Thích Ca Mâu Ni Phật mỉm cười, dùng bàn chân, Phật thông thường là hay ngồi kiết già, Ngài liền bỏ chân xuống, bàn chân vừa chạm đất, lúc đó hoa cỏ cây cối trên mặt đất này liền biến thành bảy báu. Mọi người kinh ngạc vô cùng, thì ra báo độ Thế Tôn chẳng thua kém A Di Đà Phật. Phật vì đại chúng hiện bày ra một lúc. Thì ra chúng ta sống trong uế độ, Thích Ca Mâu Ni Phật ở trong Tịnh độ, cùng sống ở nơi như nhau nhưng sự thật là chẳng giống nhau. Tại sao mà không giống nhau vậy? Ở chỗ này chúng ta thật sự thể hội, tướng là giả, không phải là thật. Nếu là thật thì tại sao có thể thay đổi, làm sao mà có hai hình dáng? Tướng là từ nơi nào đến? Tướng từ tâm tưởng sanh, nguồn gốc của tướng là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Đây là nhất chân pháp giới. Nguồn gốc của hình tướng.
Chúng ta hiện giờ đã thấy sự biến đổi của tướng, tướng đã thay đổi. Tại sao lại thay đổi vậy? Là do vọng tưởng phân biệt chấp trước của bản thân chúng ta. Cái này gọi là vọng tâm. Vọng tưởng của chúng ta đã đem nhất chân pháp giới biến thành mười pháp giới, ở trong mười pháp giới biến thành hoàn cảnh cuộc sống hiện tại của chúng ta. Từ tâm tưởng sanh. Đạo lí này thật là quá sâu. Nhưng cho dù pháp có biến đổi thế nào, cảnh giới của Như Lai cũng vậy, cảnh giới của Bồ Tát cũng vậy, cảnh giới của cõi trời, thậm chí là cảnh giới của địa ngục, ngạ quỷ không giống nhau, hoàn toàn không giống nhau, chúng tôi muốn hỏi, lục trần có thuyết pháp hay không? Vẫn có thuyết pháp. Lục trần thuyết pháp xưa nay chưa hề thay đổi, cho dù bạn có thay đổi thế nào, lục trần vẫn đang thuyết pháp. Chỉ có người bị mê hoặc mới không biết, người giác ngộ thì họ biết, người giác ngộ đều có thể nhìn thấy. Thế giới Tây Phương không có người bị mê hoặc, tất cả mọi người đều giác ngộ, cho nên Thế Tôn ở chỗ này đặc biệt tán thán lục trần thuyết pháp ở Cực Lạc Thế giới làm đại biểu. Ý nghĩa của thọ là bao hàm nghĩa thực sự đã nói qua với chư vị ở phía trước rồi.
Chúng tôi dùng cảnh giới của “Hoa Nghiêm” để đọc bộ Kinh này nhất định là chính xác. Tại sao vậy? Thời kỳ Càn Long của Triều Thanh, cư sĩ Bành Tế Thanh, đây là một vị đại đức nhà Phật của chúng ta, không phải là một người thông thường. Ngài nói với chúng ta “Kinh Vô Lượng Thọ” chính là trung bổn của “Kinh Hoa Nghiêm”. Trước đây chưa có người nào nói. Lời nói này có chính xác hay không vậy? Chính xác vô cùng. Rất là tiếc chúng ta không nói được lời này. Tại sao nói không được vậy? Chưa nhập vào cảnh giới. Cực Lạc chính là Hoa Tạng, Hoa Tạng chính là Cực Lạc, cho nên Ngài mới đem “Hoa Nghiêm”, “Vô Lượng Thọ” cùng với tiểu bổn “Kinh A Di Đà” xem thành một bộ. Kinh văn dài ngắn không như nhau, nghĩa lý của cảnh giới được nói trong Kinh không có sự khác nhau. Một bộ thì nói đơn giản, một bộ thì nói tường tận. “Hoa Nghiêm” thì nói tường tận, “Kinh Vô Lượng Thọ” thì nói đơn giản, “Kinh A Di Đà” thì lại nói đơn giản hơn nữa. Tu hành càng đơn giản thì càng tốt, dễ dàng thọ trì. Nhưng chúng ta phải nhận thức, phải hiểu được, càng tường tận thì càng tốt. Đạo lý này chúng ta phải biết. Đã biết ba bộ Kinh này hoàn toàn là giống nhau, điều đã nói là một chuyện, đọc xong “Hoa Nghiêm”, tiếp tục xem “Kinh Vô Lượng Thọ”, ý nghĩa này thì không như nhau. Cho nên phía trước tôi đã giới thiệu với các vị, thọ chính là thiết lập, là dựng nên. Danh từ của chúng ta ngày nay gọi là xây dựng, là gây dựng. Thế giới Tây Phương Cực Lạc xây dựng nên mọi sự mọi vật, chẳng có cái nào mà không dạy học.