/ 374
575

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 264

THỌ CHÚNG VÔ LƯỢNG

ĐỆ THẬP TAM

Kinh văn: “Phật ngữ A Nan: “Vô Lượng Thọ Phật, thọ mạng trường cửu, bất khả xưng kế””.

Kinh văn đến chỗ này là một đoạn nhỏ. Ở tại phẩm Kinh này, Thế Tôn vì chúng ta tiếp tục giới thiệu ba cái vô lượng của Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thứ nhất là Bổn Sư A Di Đà Phật thọ mạng vô lượng. Thứ hai là giới thiệu chư thượng thiện nhân của Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cũng chính là học trò của A Di Đà Phật, số lượng học trò này cũng là vô lượng. Cái vô lượng thứ ba là Thế Tôn đặc biệt muốn giới thiệu cho chúng ta, phàm là người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, dù là người vãng sanh hạ hạ phẩm Phàm Thánh Đồng Cư Độ, thì thọ mạng cũng giống như A Di Đà Phật, cũng là vô lượng thọ. Đây là nghĩa thú quan trọng ở trong phẩm này.

Ba cái vô lượng này, thực tế có thể nói, Phật thọ vô lượng là thành tựu của pháp thân, đệ tử vô lượng thì chúng ta có thể nói là thành tựu của pháp duyên. Từ đó cho thấy, rộng kết thiện duyên với tất cả chúng sanh là vô cùng quan trọng. Tất cả chư Phật Như Lai kết duyên cùng với chúng sanh, chân thật mà nói, Phật A Di Đà là đệ nhất, cho nên đệ tử của Ngài nhiều không thể tính đếm. Thứ ba là thọ mạng của đệ tử cũng ngang bằng với Phật, việc này thật sự là không thể nghĩ bàn.

Chúng tôi trước tiên giới thiệu sơ lược qua với các vị về đề phẩm này.

“Thọ” là thọ mạng. Thọ mạng có được như thế nào? Chúng ta học Phật, trước tiên phải biết Phật là ý nghĩa gì. Phật là dịch lại từ Phạn văn của Ấn Độ, ý nghĩa là trí tuệ, là giác ngộ, dùng lời của người hiện nay mà nói, chính là hiểu rõ đối với vũ trụ nhân sanh; dùng danh từ của Phật pháp để mà nói, chính là tất cả tánh tướng lý sự nhân quả đều có thể hiểu rõ triệt để thông đạt thì gọi là Phật. Chúng ta học Phật chính là phải học cái sự việc này, phải hiểu được lý sự nhân quả của vũ trụ, đây mới chân thật gọi là học Phật. Hiểu rõ được thì bạn sẽ tự nhiên biết được thọ mạng là từ đâu đến.

Chung quy lại mà nói, chúng ta có thể phân thành ba loại lớn. Loại thứ nhất là chúng sanh lục đạo. Các vị phải nên biết, lục đạo bao gồm người của Vô Tưởng Thiên, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên. Thọ mạng của họ dài, Phật nói ở trên Kinh là tám vạn đại kiếp. Con số này thông thường mọi người nghe đến đều lập lờ mà bỏ qua, đây là họ không hiểu Phật pháp, họ không phải người học Phật. Người thật sự học Phật nghe đến tám vạn đại kiếp, họ sẽ cảm thấy chấn động. Chấn động như thế nào? Các vị suy nghĩ xem, chúng ta nói Thế giới Ta Bà này, thời gian tồn tại của Thế giới Ta Bà là có tính chất thời gian. Trong một cái đại kiếp thì có bốn cái trung kiếp, bốn cái trung kiếp này là thành-trụ-hoại-không. Các vị nghĩ xem, một cái đại kiếp, Thế giới Ta Bà này cả thế giới chỉ có một cái thành-trụ-hoại-không, đây gọi là trung kiếp. Trong một trung kiếp có 20 tiểu kiếp, cái khác thì chúng ta không bàn đến, các vị suy nghĩ xem, cái thế giới Ta Bà này một lần thành-trụ-hoại-không là một kiếp. Vậy phải thành-trụ-hoại-không bao nhiêu lần? Tám vạn lần. Cho nên bạn hiểu được cái chân tướng sự thật này thì làm sao không chấn động? Thế giới Ta Bà không phải là địa cầu này, Thế giới Ta Bà là cả một cái tinh hệ. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói rằng, chúng ta hiện nay nói đến hệ ngân hà, cái hệ ngân hà này là một cái đơn vị thế giới, vậy Thế giới Ta Bà này lớn cỡ chừng nào? Dựa theo cách nói của Phật trên hầu hết các Kinh điển, có lẽ là đến một tỉ cái hệ ngân hà. Một tỉ hệ ngân hà, là nhiều cái tinh hệ đến như vậy, chúng phải trải qua tám vạn lần thành trụ hoại không thì bằng thọ mạng của người trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Bạn phải biết được cái chân tướng sự thật này, mới có thể thể hội được việc không thể nghĩ bàn. Trong số chúng sanh lục đạo thì họ có thọ mạng dài nhất, nhưng vẫn chưa thoát được lục đạo luân hồi.

/ 374