/ 374
816

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 248

Kinh văn: “Phật ngữ A Nan: “Bỉ Cực Lạc giới, vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm, vĩnh vô chúng khổ, chư nạn, ác thú, ma não chi danh”.

Đoạn này ở phía trước đã báo cáo qua với quý vị rồi, ý nghĩa nói vẫn chưa hết, đối với việc tu học của chúng ta có thể thành tựu hay không là một mấu chốt rất quan trọng, cho nên có thể nói nhiều một chút.

Khổ nạn, chúng ta đã thọ chịu rất nhiều rồi, ác thú thì chúng ta cũng hiểu được, có nhân tất phải có quả, cho nên nhân của ác thú thì quyết định không thể tạo. Nhân của “ác thú” thì vô cùng phức tạp, trong các Kinh luận Phật nói với chúng ta, suy cho cùng cũng không ngoài tham sân si. Phạm vi của tham sân si thì rộng sâu vô hạn, chúng ta nhất định phải chú ý cẩn thận ngay trong cuộc sống hàng ngày, bởi vì có rất nhiều người đã bị đọa lạc vào trong tham sân si, bản thân họ hoàn toàn không thể nhìn ra được. Không thể phát giác thì làm sao có thể thoát ly, do vậy vô tình hay cố ý thì đều đi vào trong ba đường ác. Loại tình hình này không những là vào hiện nay, mà từ khi Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế cũng đã vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, trong các Kinh luận Ngài nói với chúng ta, hiện tại những đại chúng này ở thế gian, sau khi mất đi thân người rồi, đời sau còn có thể được thân người là con số rất ít. Trên Kinh Phật đã lấy rất nhiều ví dụ để nói rõ cho chúng ta.

Vì sao ta được thân người, sau khi mất đi thân người thì lại không được thân người nữa? Vấn đề này chúng ta đã từng suy nghĩ qua hay chưa? Đầu óc mà hơi tỉnh táo một chút, suy nghĩ nhiều thì có thể phát hiện. Một số người trong hoàn cảnh xung quanh chúng ta mất đi thân người, đời sau không thể nào được lại thân người, chúng ta dễ dàng nhìn thấy được rõ ràng. Nhưng nhìn thấy chính mình thì khó. Quan sát chính mình như thế nào? Nhìn vào người khác, sau đó quay đầu nhìn lại chính mình, đem người khác làm thành tấm gương thì dễ dàng phát hiện chính mình. Nhìn thấy người khác thì suy nghĩ lại mình, ta cùng họ có giống nhau hay không. Nếu như là giống y như họ, thấy tương lai của họ là ở tam đồ, vậy thì chính chúng ta cũng sẽ đi chung con đường với họ rồi. Thế gian luôn là nhìn thấy người khác thì dễ, thấy bản thân thì khó. Nếu như có thể đem chính mình xem cho rõ ràng, xuất ly lục đạo luân hồi thì quả thật nắm chắc được vài phần, thì có hy vọng. Công phu này thì phải quan sát tỉ mỉ ở trong cuộc sống thường ngày. Nhất định phải nhớ là trồng nhân thiện được quả thiện, tạo ác nghiệp thì tiền đồ nhất định là đen tối.

Tiêu chuẩn của thiện ác là những gì? Trong “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo”, Thế Tôn nói với chúng ta rất rõ ràng, rất minh bạch. “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo” vô cùng quan trọng, chúng tôi đã dùng không ít thời gian để đem bộ Kinh này giảng kỹ càng qua một lần, chúng tôi cũng hy vọng đĩa VCD của bộ Kinh này có thể sớm được lưu hành, giúp đỡ đại chúng xây dựng một tiêu chuẩn về thị phi thiện ác ở trong tâm của mình, khiến chúng ta biết được làm sao để đoạn ác hướng thiện, làm sao tích công lũy đức, làm sao để cải tạo vận mạng của mình, tạo dựng cho mình tiền đồ hạnh phúc mỹ mãn. Phật Đà giáo hóa chúng sanh, căn bản là trong bộ Kinh này. Ngoài ra chúng tôi cũng đã chọn một bộ “Kinh A Nan Vấn Sự Phật Kiết Hung”, hiện tại đang bắt đầu giảng. Hai bộ Kinh nhỏ này là căn bản tu hành của chúng ta, nhất định không thể được lơ là.

Còn như “Ma não”, ở trong thế xuất thế gian pháp, xưa nay trong ngoài nước, có thể nói không có cách nào tránh khỏi được, cũng là điều mà chúng ta nhất định sẽ gặp phải. Những thứ ma não này trong tám khổ chính là oán tắng hội khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, ma não là từ đây mà đến. Ở trong “Kinh Bát Đại Nhân Giác”, Thế Tôn đã đem ma não quy nạp thành bốn loại lớn, chúng ta rất dễ dàng nhớ, rất dễ dàng phân biệt. Ở trong “Kinh Lăng Nghiêm”, Phật đã nói rất nhiều, chỉ một điều là ngũ ấm này mà trong “Kinh Lăng Nghiêm” đã nói thành 50 loại. Trong ngũ ấm, mỗi một ấm nói cho chúng ta là 10 loại. Mười loại là mười cái chủng loại, trong mỗi chủng loại ấy lại không biết có đến bao nhiêu nữa, cho nên bao vây xung quanh chúng ta đều là ma. Bản thân chúng ta phải có tâm cảnh giác cao độ. Chúng ta không thể sợ hãi ma não, chúng ta phải dũng cảm tiếp nhận ma não, phải nhận thức ma não, chúng ta mới có thể ở trong ma não thành tựu chính mình. Thành tựu cái gì? Cái thứ nhất, thành tựu chính mình nhẫn nhục Ba La Mật, thành tựu chính mình thiền định Ba La Mật, thành tựu chính mình Bát Nhã Ba La Mật. Nếu như không có ma não thì Bồ Tát lục độ đến nơi nào để tu?

/ 374