PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 246
****************
Kinh văn: “Phật ngữ A Nan: “Bỉ Cực Lạc giới, vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm. Vĩnh vô chúng khổ””.
Lần trước chúng tôi đã giảng đến câu này, hôm nay chúng ta lại giảng tiếp:
Kinh văn: “Chư nạn, ác thú, ma não chi danh”.
“Chư nạn”, ở trên Kinh Phật thường nói đến bát nạn. Định nghĩa của “nạn” là không có cơ hội được nghe Phật pháp. Từ đó có thể thấy, chúng sanh trong chín pháp giới, đối với việc nghe Phật pháp, nhất là đại pháp nhất thừa cứu cánh liễu nghĩa là xem trọng đến như vậy. Bất kỳ tai nạn thế gian nào, chúng ta thường nói như tiểu tam tai, đại tam tai (trong Kinh Phật nói, nạn chiến tranh, nạn dịch bệnh, nạn đói gọi là tiểu tam tai), không có được tính vào trong tám nạn. Tiểu tam tai, trong quá khứ chúng tôi không có cách nào để giảng cho được viên mãn, bởi vì Phật nói ở trên Kinh, nạn chiến tranh đây nghĩa là gặp kiếp nạn, nạn chiến tranh thời gian bao lâu? Bảy ngày bảy đêm. Vậy chúng ta nghĩ thử xem, quả địa cầu này có lịch sử chí ít cũng từ 5.000 năm trở lên, là có lịch sử ghi chép lại, lịch sử của thời gian trước đó thì còn dài hơn rất nhiều, các nhà khoa học sau khi khảo chứng đã nói với chúng ta, lịch sử của nhân loại ở trên quả địa cầu này ít nhất cũng có đến vài tỉ năm. Quá khứ xa xưa thì chúng ta không bàn, chỉ bàn đến trong khoảng thời gian mấy ngàn năm mà lịch sử có ghi chép, trên toàn thế giới đã xảy ra bao nhiêu lần chiến tranh? Thời gian của chiến tranh không chỉ là bảy ngày bảy đêm. Chỉ kể đến trong một thế kỷ cận đại này, trên thế giới đã xảy ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chiến tranh thế giới lần thứ hai, mạng sống thương vong, tài sản bị hủy hoại không thể tính đếm, mà cũng không được tính vào trong kiếp nạn chiến tranh, đương nhiên càng không được tính vào trong tám nạn. Vì thế, trong lúc chúng tôi giảng về kiếp nạn chiến tranh, rất khó để có thể giảng được viên mãn.
Mãi cho đến thời gian năm ngoái, tôi đến thăm Nhật Bản, đương nhiên nhất định là phải đến thăm Nagasaki và Hiroshima, đã xem thấy họ triển lãm về tình trạng vụ nổ của bom hạt nhân, tôi mới bỗng nhiên hiểu ra, thì ra tiểu tam tai mà Thế Tôn đã nói ở trên Phật Kinh chính là chiến tranh hạt nhân. Phật nói, chiến tranh hạt nhân thời gian bao lâu? Bảy ngày, rất có thể chính là chiến tranh thế giới lần thứ ba. Sau khi bom hạt nhân phát nổ thì bụi phóng xạ sẽ gây ra nạn hỏa hoạn. Còn trên Kinh nói bệnh dịch thời gian bao nhiêu lâu? Là bảy tháng bảy ngày. Nếu bị bụi phóng xạ dính phải thì da của bạn sẽ bị sự tổn thương, tinh thần cũng bị tổn thương. Nếu như có thể chịu đựng qua được bảy tháng, có lẽ là bảy tháng rưỡi, thì bạn có thể giữ được tính mạng. Nếu như không mà nói, trong bảy tháng rưỡi này không sống sót qua nổi.
Sau khi trải qua được bảy tháng rưỡi thì là nạn đói. Vì sao vậy? Tại Nagasaki và Hiroshima, chúng tôi nhìn thấy nơi mà bom hạt nhân đã nổ thì nơi đó cây cối không mọc được, quả đúng như là đến năm thứ tám thì mặt đất mới mọc cỏ. Đây chính là nạn đói mà trên Kinh Phật đã nói. Mặt đất không có sinh trưởng thì sao không xảy ra nạn đói? Nạn đói kéo dài bảy năm bảy tháng lẻ bảy ngày, là tai nạn.
Vì vậy, tiểu tam tai chính là chiến tranh hạt nhân, không phải là loại chiến tranh bình thường. Ba ngàn năm trước, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Kinh thuyết pháp đã đem tình trạng này nói cho chúng ta biết rồi. Trước khi chưa có phát minh ra bom hạt nhân, những pháp sư giảng Kinh nghĩ mãi cũng không ra. Sau khi chúng tôi xem thấy tình trạng bom hạt nhân nổ, thì đọc Kinh Phật mới bỗng nhiên đại ngộ, thì ra tiểu tam tai mà Thế Tôn nói chính là chiến tranh vũ khí hạt nhân.
Những năm gần đây, Đông - Tây phương đều có rất nhiều lời tiên tri, chúng ta cũng đã từng tiếp xúc qua, thậm chí là tờ báo liên hợp buổi sáng của Singapore, tôi cũng nghe thấy có người bàn đến những vấn đề này. Nhà khoa học đã tính thử, nếu như nội trong bảy ngày này mà có 7.000 quả bom hạt nhân phát nổ, thì số người trên địa cầu đại khái sẽ bị tiêu diệt trên hai phần ba. Đây là một sự phỏng đoán bình thường. Nhà tiên tri thế kỷ 16 của nước Pháp đưa ra dự đoán, sau khi xảy ra cuộc chiến tranh này thì số lượng nhân loại trên địa cầu còn lại chỉ khoảng chừng một phần mười mà thôi. Nói một cách khác, trong mười người thì có đến chín người không thể vượt qua được tai nạn lần này. Cho dù con người vượt qua tai nạn này, họ đã nói rất hay: “Người còn sống sẽ ngưỡng mộ người đã chết”. Câu này ý nghĩa là nói, sống không bằng chết, sống rất là đau khổ.