PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 245
“Chúng Khổ”, cái khổ thế gian này của chúng ta thật quá nhiều. Để thuận lợi cho việc dạy học, Phật ở trên Kinh đã đem khổ não thế gian quy nạp thành ba loại lớn, đó là “khổ khổ”, “hoại khổ” và “hành khổ”. Ba loại lớn này phía sau đều có một chữ khổ, chữ “khổ” này là danh từ, chữ phía trước là động từ.
Thứ nhất là “khổ khổ”. “Khổ khổ” chính là nói chúng ta cảm nhận được có khổ não. Loại khổ này là gì vậy? Bát khổ chính là giải thích khổ khổ: Sanh, lão, bệnh, tử, cầu bất đắc, ái biệt ly, oán tắng hội, ngũ ấm xí thạnh. Những loại khổ này, tất cả chúng sanh, không có một người nào có thể tránh khỏi được, còn ở trong lục đạo, chưa có ra khỏi lục đạo thì thảy đều có cả. Loại khổ này gọi là khổ khổ.
Nguồn gốc của khổ là thân, không những Phật nói mà Lão Tử cũng nói: “Ta có tai họa vì ta có thân”. Thân là gốc của khổ, bạn có thân thì bạn làm sao có thể không chịu khổ chứ? Có thân mà không chịu khổ thì cao siêu, không phải người thông thường. Là người như thế nào? Biết cách chi phối cái thân này, khống chế cái thân này. Người biết lợi dụng cái thân này thì họ không khổ, họ có thân mà không khổ. Chúng ta không hiểu được, chúng ta đem thân này cho rằng là ta, cái quan niệm đầu tiên đã sai, cho nên cái thân này mang cho chúng ta vô lượng vô biên khổ sở. Có mấy người có thể giác ngộ thân này không phải ta? Có thể giác ngộ được đến điểm này thì khổ của họ chí ít có thể giảm bớt đến tám mươi phần trăm. Phật ở trên tất cả Kinh luận, mục tiêu dạy học đầu tiên chính là cái này, dạy chúng ta nhận thức chính mình, thân không phải ta. Không phải ta thì là cái gì? Là vật sở hữu của ta, cũng giống như quần áo vậy, là cái ta có, nó không phải là ta. Quần áo mặc hỏng rồi, mặc dơ rồi, sẽ rất dễ dàng cởi bỏ, thay một bộ mới. Cho nên người giác ngộ, người đến lúc lâm chung biết được điều gì? Bộ máy này dùng đã hỏng rồi, dùng cũ rồi, không hữu dụng nữa, xả bỏ, đổi một cái mới, cho nên xả thân, thọ thân giống như là thay áo cũ, đổi áo mới vậy, một chút đau khổ cũng không có.
Chỉ có chấp trước thân này là ta, họ mới có sanh khổ, họ mới có lão khổ, có bệnh khổ, có tử khổ, sanh - lão - bệnh - tử họ không thể tránh khỏi. Người giác ngộ không có sanh - lão - bệnh - tử khổ. Chúng ta phải thật tỉ mỉ mà suy nghĩ, mà quan sát, mới có thể đem chân tướng sự thật này làm cho rõ ràng. Người điều khiển cái thân này mới là chính mình. Giống như người lái xe, chiếc xe hơi đó giống như là thân của chúng ta, đó không phải chính mình, chính mình là gì? Người ngồi điều khiển bên trong đó là chính mình. Xe chạy mà hư hỏng rồi thì có thể bỏ, đi đổi một chiếc xe mới, người lái chiếc xe không có bị hư hỏng theo chiếc xe. Bạn phải hiểu được đạo lý này.
“Ta” không sanh không diệt, tồn tại vĩnh hằng. Thân có sanh diệt, “ta” thì không có sanh diệt. Trong Phật pháp thì không đem nó nói là “ta”. Vì sao vậy? Sợ người khác vừa nhắc đến ta thì chấp trước thân, cho nên nhà Phật thay bằng một tên khác, đó là thần thức, người Trung Quốc thì gọi là linh hồn, người phương tây gọi là tâm linh. Tên gọi không giống nhau nhưng là cùng một sự việc. Cái này không sanh không diệt, không có sanh diệt theo cái thân thể này. Những thứ này có hình tướng hay không? Nó không có hình tướng. Nó không phải vật chất, cho nên nó không có hình tướng. Nó là hình dáng như thế nào? Hình dáng có thể thể hội, ở trên Kinh Phật nói với chúng ta, thấy ở nơi mắt, đây chính là hình dáng của nó. Thần thức của chúng ta (hoặc nói là linh hồn), ở mắt nó có thể thấy, ở tai nó có thể nghe, ở mũi nó có thể ngửi, ở lưỡi nó có thể nếm. Cái thân thể này của chúng ta tác dụng của kiến văn giác tri. Bạn từ trên tác dụng này thì bạn có thể thể hội được.
Trên “Kinh Lăng Nghiêm”, vua Ba Tư Nặc thỉnh giáo với Thích Ca Mâu Ni Phật vấn đề này, Phật lấy một cái tỉ dụ để ông tự thể nghiệm. Đô thành của vua Ba Tư Nặc cách sông Hằng không xa, Phật lấy việc này làm ví dụ. Phật nói: “Đại Vương! Ngài lần đầu tiên nhìn thấy sông Hằng là vào khi nào?”. Vua nói là 3 tuổi mẹ ông dẫn ông đi qua sông Hằng, ông đã nhìn thấy dòng sông Hằng. Sau đó Phật lại hỏi ông: “Ngài hiện tại bao nhiêu tuổi rồi?”. Ông nói: “Ta năm nay đã 62 tuổi rồi”. Vua Ba Tư Nặc cùng tuổi với Thích Ca Mâu Ni Phật, là 62 tuổi. Phật nói: “Ngài 62 tuổi lại đi xem sông Hằng, cùng việc lúc Ngài 3 tuổi xem sông Hằng, cái năng lực thấy này có giống nhau không?”. “Là như nhau”. Sau đó Phật liền hỏi ông: “Ngài hãy suy nghĩ xem, Ngài lúc 13 tuổi so với lúc được 3 tuổi thì như thế nào?”. Ông nói: “Thì đã lớn hơn nhiều rồi, 23 tuổi so với 13 tuổi thì lại lớn hơn một chút, mười năm, mười năm một”. Phật nói: “Ngài hiện tại 62 tuổi, Ngài nghĩ xem, khi Ngài được 52 tuổi, tình hình như thế nào?”. “Đã già yếu hơn nhiều rồi”. Phật liền nói với ông: “Thân thể mỗi năm đang một già yếu, nó có thay đổi. Ngài thấy sông Hằng, cái thấy đó của Ngài lúc 62 tuổi cũng không có thay đổi. Không có thay đổi là tồn tại vĩnh hằng, có thay đổi thì là có sanh diệt, không có thay đổi là bất sanh bất diệt”. Vua Ba Tư Nặc từ chỗ này bỗng nhiên đại ngộ, ông mới biết là bản thân ông có một cái “chân ngã” bất sanh bất diệt, ông rất hoan hỷ, biết được cái gì gọi là sanh tử. Thân có sanh tử, linh tánh không có sanh tử. Hãy tỉ mỉ từ chỗ này mà thể nghiệm thì bạn có thể hiểu rõ.