PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 227
PHẨM THỨ CHÍN: VIÊN MÃN THÀNH TỰU
Kinh văn: “Phật cáo A Nan, Pháp Tạng Tỳ Kheo, tu Bồ Tát hạnh, tích công lũy đức, vô lượng vô biên”.
Đây là phẩm thứ chín của bổn Kinh này “viên mãn thành tựu”. Tiêu đề trong đoạn lớn này là “quả đức viên mãn”. Từ phẩm một mãi đến phẩm thứ 42 giới thiệu y chánh trang nghiêm của Thế giới Tây Phương tổng cộng phân làm năm đoạn lớn. Đoạn thứ nhất là “tổng thị thành Phật thời xứ”, chính là phẩm thứ chín cùng thứ mười. Nội dung của chỗ này chính là nội dung của phẩm này, Phật xưng tán Pháp Tạng Tỳ Kheo tu hành thành tựu. Những chỗ này chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực để học tập.
Bồ Tát Pháp Tạng, chúng ta đọc thấy ở Kinh văn phía trước, Ngài tu đại hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền, ở trong vô lượng kiếp tích lũy công đức vô lượng vô biên. Sau khi chúng ta đọc rồi, phải tỉ mỉ mà tư duy, mà phản tỉnh, mà kiểm điểm, đặc biệt là trên Kinh nói “tích công lũy đức”. Cái gì là “công”, cái gì là “đức”, cần phải phân biệt cho rõ ràng. “Công” là nói công phu tu hành. Công phu ở chỗ nào? Chẳng qua là đoạn ác tu thiện, thay đổi tự làm mới. Phổ Hiền hạnh môn vô lượng vô biên. Ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Bồ Tát đem vô lượng vô biên công hạnh quy nạp làm mười loại lớn, đây là “Mười đại nguyện vương” nổi tiếng. Đây là mười khóa mục, chúng ta phải nỗ lực học tập, cũng giống như Bồ Tát tích lũy công đức.
Trong khóa mục thứ nhất nói với chúng ta “lễ kính chư Phật”. Chúng ta chưa làm được, chúng ta đối với chư Phật không hề có chút tâm cung kính. Đây là lỗi lầm. Chư Phật Như Lai tại vì sao muốn chúng ta cung kính đối với các Ngài? “Lễ kính chư Phật” có phải là cái ý này không? Không phải vậy. Không phải nói chư Phật Như Lai, A La Hán trở lên tâm thanh tịnh hiện tiền rồi, nếu như còn có một ý niệm mong muốn người khác cung kính đối với ta, đó là vọng tưởng, là phân biệt, là chấp trước, đó là phàm phu không phải Thánh nhân.
Tại vì sao Bồ Tát dạy chúng ta điều đầu tiên thì phải tu lễ kính? Chúng ta cần phải tường tận. Lễ kính là tánh đức, hay nói cách khác, là đức năng tự tánh chúng ta vốn đủ, cho nên người tu hành chứng quả, không cần nói chứng đại quả, mà chứng quả nhỏ như Thanh Văn, Duyên Giác, họ đối người đối việc đối vật đều có tâm chân thành cung kính. Vì sao vậy? Tánh đức tự nhiên lưu lộ ra, vốn dĩ chính là như vậy, một chút miễn cưỡng ở trong đó cũng không có. Do đây có thể biết, tánh đức của chính chúng ta mê mất rồi, chúng ta ngày nay đối người đối việc đối vật cống cao ngã mạn, không có chút tâm cung kính, vậy thì sai rồi. Đây là tâm gì vậy? Cái này ở trong Phật pháp gọi là “tâm luân hồi”, chúng ta đem bổn tánh biến thành tâm luân hồi, đây là đặc biệt sai lầm. Bồ Tát giúp chúng ta chỉ có một mục tiêu, là giúp chúng ta hồi phục tự tánh mà thôi. Tự tánh chúng ta có đầy đủ vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, không hề khác biệt với chư Phật Như Lai, cho nên trong Phật Kinh đã nói khóa mục tu học, cương lĩnh tu học, không có điều nào mà trong tự tánh không sẵn đủ. Phàm phu chúng ta hiểu sai cho rằng đó là giáo điều của Thích Ca Mâu Ni Phật, Phật Bồ Tát cố ý chế định nhiều thứ hạn chế, đây là chúng ta hoàn toàn hiểu sai, thảy đều suy đoán sai, mà không biết được nó là đức năng của tự tánh vốn đủ. Do đây có thể biết, Phật dạy chúng ta làm như vậy, đây là phương pháp hồi phục tánh đức, hoặc giả nói đây là một loại phương thức hồi phục tánh đức đều được. Nếu chúng ta không dùng phương pháp này mà muốn hồi phục tánh đức, vậy thì khó rồi. Cho nên sau khi hiểu rõ chân tướng sự thật này, chúng ta đối với khóa mục tu học trong Kinh điển tự nhiên liền rất hoan hỉ chăm chỉ mà tu học.
“Lễ” là nói biểu hiện bên ngoài, “kính” là nói nội tâm, trong ngoài nhất như. Đúng như câu “thành ư trung, hình ư ngoại”, trong nội tâm có thành kính, biểu hiện bên ngoài tự nhiên chính là lễ kính, chúng ta làm sao có thể không học? Bạn là người tu hành có công phu hay không, xem qua tướng mạo của bạn, xem qua biểu thái động tác của bạn thì biết được, công phu của bạn toàn biểu hiện ở ngay trong động tác, dung mạo của bạn, toàn biểu hiện ở ngay trong đó. Nhà Phật đã nói “oai nghi”, người thế gian gọi là “phong độ”. Xem qua oai nghi của bạn, xem qua phong độ của bạn, liền biết được công phu tu hành của bạn đến được tầng thứ nào. Không cách nào lừa gạt được người, người trong nghề vừa nhìn liền thấy biết. Vì sao chúng ta có thể không chăm chỉ mà công phu? Cái công phu này chính là đem sai lầm cải đổi lại, đây là công phu. Chúng ta bất kính đối người đối việc đối vật, làm thế nào đem nó cải đổi lại kính người, kính nghiệp, kính vật. Kính nghiệp là nói đối với công tác bổn phận của chính chúng ta, chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực mà làm, đó là kính nghiệp.