PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 208
Năm xưa, tôi đến thăm Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, tôi xem thấy một câu đối tám chữ rất là hoan hỷ, đây là tập thể giáo thọ của đại học Bắc Kinh cùng đồng nêu ra. Phó hiệu trưởng của trường dẫn tôi đi tham quan trường học của họ. Tôi nói với Phó hiệu trưởng cùng với các giáo thọ, tám chữ này chính là trong Phật pháp Đại Thừa - “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”.
Bạn muốn hỏi “Kinh Hoa Nghiêm” nói gì? Chính là tám chữ này, nội dung bên trong “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” chính là ngày nay chúng ta đọc Kinh văn này, bốn câu đến: “Quán pháp như hóa, tam muội thường tịch”. Mười sáu chữ này là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”, cho nên mười sáu chữ này nếu nói tỉ mỉ thì chính là một bộ “Kinh Hoa Nghiêm”. Chúng ta ở chỗ này mỗi ngày giảng một tiếng rưỡi đồng hồ, phải giảng đến mấy chục năm, chẳng qua là giảng bốn câu này mà thôi. Cho nên chúng ta đem bốn câu này làm thành tổng đề mục giảng Kinh nói pháp ở mỗi nơi trên toàn thế giới.
Người chân thật giác ngộ rồi (người giác ngộ ở trong Phật pháp gọi họ là Phật, là Bồ Tát, không giác ngộ là phàm phu), thì khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều sẽ làm tấm gương của xã hội đại chúng. “Quỹ” là qui củ, phép tắc; “phạm” là mô phạm, tấm gương tốt. Người chân thật giác ngộ thì nhất định có cách làm này. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói rất đầy đủ, mỗi mỗi người không đồng thân phận, nam nữ già trẻ, các ngành các nghề, không luận ở đời sống tư riêng, đang làm việc hoặc đang giao tế thù đáp, mỗi niệm đều là đang làm tấm gương tốt của xã hội đại chúng, từng li từng tí đều là điển phạm của xã hội đại chúng. Họ không chỉ nói cho chúng ta nghe, mà họ làm ra tấm gương để cho chúng ta xem. Nhất là đến Kinh văn phía sau, Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham học, làm thành một tổng kết mô phạm, dùng 53 vị Bồ Tát đại biểu xã hội các ngành các nghề khác nhau. Thân phận của họ không như nhau, địa vị trong xã hội không như nhau, công việc không như nhau, họ dùng tâm gì? Họ làm ra là những việc gì? Chúng ta ở chỗ này tổng kết một câu, không có một người nào mà không vì xã hội, vì chúng sanh, nhất định không tìm ra một người vì chính mình, vì gia đình của chính mình, vì cái đoàn thể nhỏ của chính mình. Mỗi mỗi đều là vì chúng sanh, vì xã hội, đích thực làm ra là “học vi nhân sư” (sư là sư biểu, biểu pháp), “hành vi thế phạm” (hành động việc làm đều là điển phạm xã hội).
Phật pháp, đặc biệt là Phật pháp Đại thừa, Phật pháp Đại thừa chính là đời sống phước đức trí tuệ đầy đủ viên mãn. Chúng ta thường hay nói, muốn học thành Phật, muốn học được làm Phật, đời sống phước huệ đầy đủ viên mãn, người đó chính là Phật. Phàm phu cùng Phật không ở trên hình thức, ở trên hình thức mà nói thì sai. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” thị hiện ra có nghèo giàu sang hèn không như nhau, có nam nữ già trẻ không đồng nhau, đây là hiện tượng của xã hội chúng ta, thế nhưng thảy đều là chư Phật Như Lai. Chúng ta phải ở ngay chỗ này mà nghĩ. Phàm phu cùng Phật, thực tế mà nói chính là khác biệt ở mê và ngộ. Một niệm giác ngộ thì phàm phu liền làm Phật, một niệm mê hoặc thì Phật liền biến thành phàm phu.
Các vị nghe qua hai câu nói này rồi có lẽ sẽ sanh ra nghi vấn, chúng ta đã phí ngàn vạn lần khổ hạnh tu hành thành được Phật, sau khi thành Phật, đến lúc nào lại có thể biến thành phàm phu? Nghi vấn này không phải người hiện tại có, mà khi Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế đã có. Ở trên hội Lăng Nghiêm, tôn giả Phú Lâu Na đã nêu ra vấn đề này rồi. Ngài thỉnh giáo với Thích Ca Mâu Ni Phật, chúng sanh do mê mất đi tự tánh mới luân hồi sáu cõi, chúng ta phí hết thời gian của ba đại A Tăng Kỳ kiếp tu hành chứng quả thành được Phật, sau khi thành Phật, lúc nào lại có thể mê hoặc, lại có thể biến thành chúng sanh? Thích Ca Mâu Ni Phật ở trong Kinh điển có khai thị rất tỉ mỉ, việc này ở quyển thứ tư của “Kinh Lăng Nghiêm”. “Kinh Lăng Nghiêm” tổng cộng có mười quyển, nếu các vị hy vọng tường tận vấn đề này thì nên đọc “Lăng Nghiêm”.
Phật ở trên “Lăng Nghiêm” nói với chúng ta, sau khi giác ngộ sẽ không còn mê hoặc nữa. Lời nói này là lời thành thật. Chưa có giác ngộ, chúng ta ở trên đạo Bồ Đề có tiến có thoái, tiến là ngộ, thoái chính là lại mê hoặc, lại thoái chuyển. Tình hình của chúng ta là tiến tiến thoái thoái. Cần phải đến sau khi phá một phẩm vô minh mới chân thật không thoái chuyển, vào lúc đó chỉ có tiến, không có thoái, thế nhưng mỗi một người tốc độ tiến không như nhau. Có người rất dụng công, dũng mãnh tinh tấn, họ tiến bộ được nhanh; có người tương đối lười biếng, tiến bộ tương đối chậm, quyết định không thoái chuyển. Cho nên, nhà Phật nói “tam bất thoái”.