/ 374
601

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 183

Văn Danh Cụ Sanh

Kinh văn:

Ngã nhược thành chánh giác

Lập danh vô lượng thọ

Chúng sanh văn thử hiệu

Câu lai ngã sát trung”.

Sự thù thắng của pháp môn Tịnh Tông vượt hơn tất cả các pháp môn khác. Trong số đồng tu nhà Phật, có không ít người nêu ra nghi vấn đối với vấn đề này. Trên Kinh điển Đại Thừa, Phật thường nói: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”, tại vì sao cứ tán thán Tịnh Độ? Lý do ở chỗ nào? Ngày nay chúng ta giảng đến bài kệ này, không thể không lược nói mấy câu. Sự thù thắng của pháp môn này, thực tế mà nói chính là pháp môn này đơn giản, dễ dàng, ổn định, thành tựu lại thù thắng không gì bằng. Đây là chỗ mà các pháp môn khác không thể so sánh. Ở trên lý mà nói thì pháp môn đích thực là bình đẳng, còn trên sự mà nói thì pháp môn này quá thuận tiện, người người đều có thể tu, người người đều có thể thành tựu. Sự thù thắng ưu việt là bình đẳng thành tựu. Cũng giống như trên đề Kinh đã nói: “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác”. Pháp môn này, trên từ Bồ Tát Đẳng Giác, dưới từ chúng sanh địa ngục đều có thể thọ trì, đều có thể học tập; người không phân quý tiện trí ngu; không giống như một số pháp môn khác, đối với thượng căn lợi trí thì thích hợp, nhưng trung hạ căn thì cảm thấy khó khăn, hay ngược lại, có một số pháp môn thuận tiện đối với hạ căn, nhưng thượng căn thì không được lợi ích. Cho nên, người xưa thường nói pháp môn này là “phổ nhiếp ba căn, lợi độn đều thâu”. Đặc biệt là ở vào thời đại hiện đại này của chúng ta, thời đại này chân thật giống như trên “Kinh Lăng Nghiêm” đã nói: “Tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng”. Chúng ta có thể ở trong xã hội này không bị mê hoặc của tà tri tà kiến thì tương đối không dễ dàng rồi, đây chính là trong Phật pháp thường nói “đầy đủ trí tuệ chân thật, thiện căn phước đức chân thật”. Nếu như đối với pháp môn này có thể có lòng tin kiên cố, không chút nghi hoặc, đương nhiên sự việc này rất khó.

Chúng ta thường nói phải xây dựng lòng tin kiên cố, cần phải đầy đủ một trong hai điều kiện.

Điều kiện thứ nhất là thâm nhập Kinh tạng. Bạn đối với tất cả những đạo lý trong Kinh luận của Phật Đà phải thông đạt tường tận thì bạn sẽ không hoài nghi, không bị tà tri tà kiến làm dao động. Đây là người mà chúng ta thường gọi là thượng căn lợi trí. Người thứ hai tuy là họ không có trí tuệ, không thể nào thông đạt Kinh luận của Phật pháp, thế nhưng thiện căn phước đức của họ sâu dày, họ hiếu thiện hiếu đức. Sau khi tiếp xúc Phật pháp, họ liền có thể kiên định tín tâm, thành tựu tín nguyện, cũng sẽ không bị xã hội dẫn sai đường, sẽ không đọa ở trong tà tri tà kiến. Hai người này ngay trong một đời này chắc chắn thành tựu, cũng giống như người xưa gọi là người đương cơ đối với pháp môn này.

Nếu không thuộc về hai loại người này, ngay trong đời này có thể thành tựu hay không thì phải xem duyên phận. Ngày xưa, Đại sư Thiện Đạo nói: “Luôn là ở duyên ngộ không đồng”. Câu nói này rất hay. Nếu như họ có thể gặp được duyên phận tốt, gặp được thiện tri thức tốt, gặp được đạo tràng tốt, đạo tràng như lý như pháp, gặp được đồng tham đạo hữu tốt, họ liền thành tựu. Nếu không thể gặp được, họ cũng tùy theo sóng mà trôi đi, cũng chắc chắn là trống qua một đời này.

Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ trong chú giải nói được rất hay. Ông nói, bốn câu Kinh văn “Nhược ngã thành chánh giác, lập danh vô lượng thọ, chúng sanh văn thử hiệu, câu lai ngã sát trung” là trung tâm của đại nguyện, là toàn bộ tròng mắt của “Kinh Vô Lượng Thọ”, là diệu thủ của mười phương Như Lai độ chúng sanh, là bảo thuyền của tất cả chúng sanh siêu việt sáu cõi luân hồi. Nhận biết bốn câu nói này không dễ dàng, nếu không phải là người tái sanh thì có bày ra ở trước mắt cũng không thấy ra. Chúng ta muốn biết một người có kiến địa hay không, có phải là thiện tri thức chân thật hay không, chính là ở chỗ xem họ có nhận biết đối với Kinh luận hay không. Bốn câu này chính là tổng kết của 48 nguyện, hay nói cách khác, 48 nguyện chính là từ bài kệ này mà diễn giải, triển khai ra. Toàn bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” là từ 48 nguyện mà diễn giải ra. Hướng lên trên mà mở rộng, một bộ “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” chính là diễn giải của “Kinh Vô Lượng Thọ”, một đại tạng giáo mà Thế Tôn đã nói trong 49 năm chính là diễn giải của “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”. Từ diễn giải, quy nạp đến sau cùng chính là bốn câu này, cho nên bốn câu này quan trọng.

/ 374