PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 179
Phổ Linh Thành Phật
Kinh văn:
“Phục vi đại thí chủ
Phổ tế chư cùng khổ
Linh bỉ chư quần sanh
Trường dạ vô ưu não
Xuất sanh chúng thiện căn
Thành tựu Bồ Đề quả”.
Bài kệ này, lần trước bởi vì vấn đề thời gian nên vẫn chưa giảng xong. Thực tế mà nói, ý nghĩa này rất sâu, đặc biệt là trong hoàn cảnh đời sống hiện đại, chúng ta nhất định phải hiểu được làm thế nào học tập. Kệ tụng là A Di Đà Phật chính mình nói. Chúng ta học Phật, đặc biệt là học A Di Đà Phật, A Di Đà Phật là tấm gương cho chúng ta, là điển hình cho chúng ta.
Có không ít người đã từng hỏi tôi, đọc tụng “Kinh Vô Lượng Thọ”, không biết bắt đầu học từ đâu? Chúng ta nghe rồi lập tức liền có thể nghĩ đến, các đồng tu niệm Phật giống như tình hình này của họ, tôi tin tưởng có rất nhiều rất nhiều người như vậy, quyết không phải chỉ có mình họ. Nguyên nhân này do đâu? Nghe Kinh quá ít. Người đọc Kinh thì nhiều, nhưng người nghe Kinh thì ít. Người đọc Kinh chỉ biết đọc “Kinh Vô Lượng Thọ”, không biết được làm thế nào học tập với A Di Đà Phật. Do đây có thể biết, Kinh không thể không giảng, không thể không học tập, chỉ có giải thích tường tận, chăm chỉ học tập thì chúng ta mới có thể đạt được công đức lợi ích thù thắng của Phật pháp.
A Di Đà Phật đích thực là thế xuất thế gian đệ nhất đại thí chủ. Vì sao nói Ngài là đệ nhất? Đây không phải là lời chúng ta có thể nói ra được, mà đây là Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán. Thế Tôn ở trong bổn Kinh tán thán chính là đại biểu mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai cùng đồng tán thán. Thế Tôn nói A Di Đà Phật là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, đây là lời tán thán đến cùng cực. Chúng ta ở trong Kinh luận cũng thường hay xem thấy những câu như vầy: “Tất cả chư Phật Như Lai trí tuệ đức tướng đều là bình đẳng”. Đã là bình đẳng thì vì sao A Di Đà Phật lại đặc biệt như vậy, đạo lý này ở chỗ nào? Vì sao chỉ riêng khen ngợi A Di Đà Phật? Trong Kinh luận, chúng ta chí ít thấy ra được có hai chỗ đặc xuất. Thứ nhất, pháp môn Di Đà này là bình đẳng phổ độ tất cả chúng sanh, đây là chư Phật Như Lai không có, tuy là trí tuệ thần thông, đạo lực mọi thứ đều bình đẳng, thế nhưng phương pháp độ chúng sanh thì không như nhau. Di Đà dùng một câu Phật hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” bình đẳng phổ độ pháp giới tất cả chúng sanh, trên từ Bồ Tát Đẳng Giác, dưới từ A Tỳ Địa Ngục, chỉ đơn giản như vậy, dễ dàng như vậy, thẳng tắt ổn định. Đây là rất đặc thù, thật không dễ dàng. Bình đẳng phổ độ, hiệu quả như thế nào? Khiến tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật, thù thắng không gì bằng.
Bình đẳng thành Phật chính là hai câu trong đoạn nhỏ sau cùng này, “xuất sanh chúng thiện căn, thành tựu Bồ Đề quả”. Đây là chỗ giống nhau của tất cả chư Phật Như Lai, cho nên chúng ta vì sao cứ tán thán Di Đà, đạo lý chính ngay chỗ này.
Ngày nay, ngay chỗ này chúng ta phải đặc biệt học tập, chúng ta cũng phải bắt chước Bổn sư A Di Đà Phật, cũng phải làm đại thí chủ. Ngài là đại thí chủ, đệ nhất trong thí chủ. Chúng ta phải học tập với Ngài, “phổ tế chư cùng khổ”. Bốn câu này tuy là lần trước đã giảng qua, nói lại thêm lần nữa cũng không ngại gì.
“Cùng khổ” là chỉ ai? Chúng sanh sáu cõi, mỗi mỗi đều cùng khổ. Thế nhưng việc cùng khổ thì không giống nhau; có một số người thiếu kém tiền tài, đời sống rất gian nan, đây là cùng khổ của đời sống vật chất; có một số người ngay trong đời quá khứ tu được một chút phước báo, ngay đời này tuy được giàu sang nhưng vẫn cứ là mê hoặc điên đảo, trí tuệ không khai, họ cùng khổ ở nơi đạo nghiệp. Đây là nói cùng khổ không giống nhau.
“Phú túc”. Chúng ta thường đọc ở trong tam quy: “Quy y Phật nhị túc tôn”. Túc là gì? Túc là đầy đủ, tròn đầy. Nhị là gì? Trí tuệ viên mãn, phước báo viên mãn. Chúng ta ở thế gian này phổ biến không có trí tuệ, cho dù là Trời Tứ Thiền Sắc Giới, Đại Phạm Thiên Vương, Ma Hê Thủ La Thiên Vương, ở trong tam giới giàu sang đến tột đỉnh, họ có cùng khổ hay không? Có! Phiền não chưa đoạn, không ra khỏi sáu cõi luân hồi, đây là cùng khổ của họ. Chúng ta không biết, nhưng Phật Bồ Tát - những Thánh triết này rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo. Trên thực tế, một số Thánh Hiền nhân của thế gian đều hiểu được đời sống tinh thần, vượt xa hẳn đời sống vật chất. Bần khổ của đời sống tinh thần mới là bần khổ thật sự, đời sống vật chất tuyệt nhiên không phải là thật cùng khổ.