PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 177
PHẨM THỨ BẢY
TẤT THÀNH CHÁNH GIÁC
Bồ Tát Pháp Tạng ở trước mặt Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai tuyên thuyết hoằng nguyện của Ngài. Phía trước chúng ta đã đọc qua phẩm này. Sau khi nói xong hoằng nguyện, tiếp theo lại ở trước Phật dùng kệ tụng để biểu đạt nguyện vọng của Ngài, còn thỉnh Phật làm chứng minh cho Ngài. Đại nguyện chân thành sâu rộng vô tận, cho nên cảm động trời mưa diệu hoa vô số tướng lành, không trung tán thán Ngài nhất định thành Phật. Đây là đại ý của phẩm này. Kệ tụng tổng cộng có mười một bài. Ý nghĩa trong bài kệ rất sâu rộng; mỗi một bài, mỗi một câu đều đáng được chúng ta học tập.
Kinh văn: “Phật cáo A Nan: Nhĩ thời Pháp Tạng Tỳ Kheo thuyết thử nguyện dĩ. Dĩ kệ tụng viết:
Ngã kiến siêu thế chí
Tất chí vô thượng đạo
Tư nguyện bất mãn túc
Thệ bất thành chánh giác”.
Hàng phía trước này là nói nghi thức của kệ, đây là Thế Tôn lại nói với tôn giả A Nan.
“Nhĩ thời” chính là sau khi Bồ Tát Pháp Tạng phát nguyện, vào lúc này khẩn thiết lấy kệ tụng để tán Phật, cũng là tuyên nói nguyện vọng của chính mình.
Câu nói thứ nhất là: “Ngã kiến siêu thế chí”. “Kiến” là kiến lập, chính là ngày nay chúng ta gọi là phát tâm phát nguyện. “Siêu thế chí” là gì? Chữ “chí” này dễ dàng hiểu, là chí nguyện. Chí nguyện của Ngài kiến lập ra siêu thế. Đại đức xưa đối với hai chữ “siêu thế” này có một số cách nói khác nhau. Thí dụ nói trong 48 nguyện, cầu pháp thân nguyện, cầu Tịnh Độ nguyện, đây là siêu thế. Ý nghĩa này cũng rất hay.
Thời đại nhà Tùy có Pháp sư Huệ Viễn (Pháp sư Huệ Viễn ở Trung Quốc có hai vị, Tịnh Tông sơ tổ của chúng ta cũng là Đại Sư Huệ Viễn. Danh tự của các Ngài hoàn toàn giống nhau, cho nên ở trên lịch sử gọi vị Pháp Sư Huệ Viễn triều nhà Tùy là tiểu Huệ Viễn), Ngài có chú giải “Kinh Vô Lượng Thọ” gọi là “Tịnh Ảnh Sớ”. “Tịnh Ảnh” là tự miếu mà Ngài ở lúc đó, chùa đó gọi là chùa Tịnh Ảnh, cho nên người sau gọi Ngài là Tịnh Ảnh Đại Sư. Ở chỗ này Ngài đã khải thị cho chúng ta, cầu chứng pháp thân chính mình, cầu sanh Tịnh Độ, đây là siêu thế nguyện. Lời Ngài nói, chúng ta tỉ mỉ nghĩ xem có đạo lý hay không? Có vị Bồ Tát nào mà không cầu pháp thân? Có vị Bồ Tát nào mà không cầu Tịnh Độ? Tại vì sao Pháp Tạng chỗ này nói đây là siêu thế nguyện? Đạo lý này chúng ta phải hiểu. Bồ Tát phát nguyện tu hành, cho dù chứng được quả vị Viên Giáo Sơ Trụ, còn phải trải qua ba A Tăng Kỳ kiếp mới có thể chứng được pháp thân viên mãn. Thế nhưng pháp môn Tịnh Tông cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, thời gian rất ngắn thì đầy đủ nguyện vọng của bạn, pháp thân Tịnh Độ của bạn liền hiện tiền. Khi so ra thì Tịnh Độ thù thắng thật nhiều, cho nên hai chữ “siêu thế” này chính là tán thán Tây Phương Tịnh Độ, tán thán đới nghiệp vãng sanh, tán thán bình đẳng thành Phật. Phương pháp của Ngài là bình đẳng, quả đức cũng là bình đẳng, không thể nghĩ bàn.
Viễn Công chú giải “Kinh Vô Lượng Thọ” gọi là “Kinh Vô Lượng Thọ Nghĩa Sớ”, lưu thông rất rộng. Trong chú sớ, Ngài chú được rất tường tận, chú được rất hay, cho nên từ xưa đến nay, nghiên cứu “Kinh Vô Lượng Thọ”, giảng giải “Kinh Vô Lượng Thọ” phần nhiều đều tham khảo bổn này của Ngài. Bổn này tôi cũng đã đọc qua. Quá khứ ở Đài Trung, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam cũng đã giảng qua. Ngài đã nói là Ngài dùng bổn dịch của Khang Tăng Khải. Ngài nói: “Quang Minh Vô Lượng Nguyện”, “Thọ Mạng Vô Lượng Nguyện”, “Chư Phật Tán Thán Nguyện”, ba nguyện này đều là nói pháp thân; “Quốc Độ Thanh Tịnh Nguyện”, “Quốc Độ Nghiêm Sức Nguyện” là nói trang nghiêm nguyện. Đây là Tịnh Độ nguyện. Cho nên, tiểu Huệ Viễn Pháp Sư Ngài cho rằng năm nguyện này là siêu thế gian. Thế nhưng vào thời xưa, có rất nhiều đại đức cho rằng Tỳ Kheo Pháp Tạng phát ra 48 lời nguyện thảy đều là siêu thế nguyện, mỗi nguyện đều là phổ độ pháp giới tất cả chúng sanh. Chỗ này nói được rất có đạo lý, so với tiểu Huệ Viễn ở 48 nguyện chỉ chọn năm nguyện là phải thù thắng hơn. Cho nên, câu này chúng ta có thể xem thành tổng kết của 48 nguyện. “Ngã kiến siêu thế chí”, câu này là tổng kết của 48 nguyện.
Đại sư Thiện Đạo ngay trong truyền thuyết là A Di Đà Phật tái lai. Ngài cũng tán thán đây là tổng kết của 48 nguyện không thể nghĩ bàn, xưng tán 48 nguyện này là vô ngại thệ nguyện, mỗi mỗi hoằng nguyện đều có công đức không thể nghĩ bàn. Chúng ta ở phía trước khi giảng Kinh đã từng nhiều lần nói qua với các vị, mỗi một nguyện quyết định hàm nhiếp 47 nguyện khác, nguyện nguyện đều như vậy. Nếu bỏ sót một nguyện thì nguyện này của bạn liền không viên mãn, cho nên 48 nguyện cùng trên “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói: “Một là tất cả, tất cả là một”, trùng trùng vô tận, là một ý nghĩa. Việc này cũng giống như ráp đồ hình vậy, thiếu một miếng thì không viên mãn. Cho nên, 48 nguyện đích thực là hỗ tương lẫn nhau, mỗi nguyện đều là hoằng nguyện siêu thế.