/ 374
585

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 173

Nguyện thứ bốn mươi lăm: Cúng Phật Trong Định Nguyện

Kinh văn: “Định trung thường cúng, vô lượng vô biên, nhất thiết chư Phật, bất thất định ý, nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác”.

Trong bốn mươi tám nguyện, từ nguyện phía trước - “Phổ Đẳng Tam Muội Nguyện” về sau đều là nguyện mà A Di Đà Phật phát ra vì chư Bồ Tát mười phương. Từ đó có thể thấy pháp môn Tịnh tông rộng lớn, hoàn toàn không hạn chế ở chuyên tu Tịnh Độ, tu học pháp môn khác cũng được oai thần bản nguyện của A Di Đà Phật gia trì. Nhất là nguyện “Phổ Đẳng Tam Muội” ở phía trước. Phổ Đẳng Tam Muội, nói trên thực tế chính là Niệm Phật Tam Muội.

Có lẽ các vị đồng tu tự mình đã từng có kinh nghiệm, chúng ta ở trong một số ngày lễ kỷ niệm, thường hay có người đề nghị mọi người chúng ta hãy dành một phút mặc niệm. Mặc niệm là ý gì vậy? Không có người nào nói được. Việc mặc niệm này có hiệu quả không? Cũng không có ai có thể nói minh bạch. Thực ra mặc niệm chính là Phổ Đẳng Tam Muội. Ở trong một phút, đem tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều buông xả, một phút này là tâm thanh tịnh, một phút này là tâm chân thành. Ở trong thanh tịnh, chân thành không có giới hạn, cho nên tâm này là ngang với hư không pháp giới. Công đức này thì lớn, ý nghĩa là ở chỗ này.

Bình thường chúng ta khởi tâm động niệm, khởi tâm động niệm liền có phân biệt, liền có chấp trước, cho nên tâm lượng rất nhỏ hẹp. Có thể buông xả tất cả phân biệt chấp trước thì cái tâm lượng này hồi phục về tình trạng vốn có của nó. Nhà Phật thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”, cho nên họ có thể cảm ứng đạo giao với tất cả chư Phật Bồ Tát, thần Thánh trong hư không pháp giới, bên dưới lại còn có thể khởi tác dụng cảm ứng với chúng sanh sáu cõi, thậm chí là chúng sanh địa ngục. Mặc niệm đích thực là mặc ở chỗ đó.

Thân thể tuy bất động, miệng cũng không nói chuyện, mắt cũng nhắm lại mà vẫn nghĩ ngợi lung tung thì không được, đó là hoàn toàn sai lầm rồi. Quan trọng nhất là buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì việc mặc niệm này mới có lợi ích. Nó chính là Phổ Đẳng Tam Muội mà phía trước chúng ta đã nói. Phổ Đẳng Tam Muội là Niệm Phật Tam Muội. Niệm Phật còn thù thắng hơn mặc niệm. Bởi vì mặc niệm thật ra không dễ dàng, đừng nói một phút, một phút là tương đối dài, ở trong một phút không khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, người bình thường đều không thể làm được. Nhưng pháp môn Tịnh tông tuyệt diệu, nó dạy bạn niệm Phật. Ta ở trong một phút niệm Phật không xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì sẽ làm dễ dàng hơn, dễ dàng thu được hiệu quả hơn so với một phút mặc niệm.

Chúng ta trước đây đề xướng “pháp mười niệm”. Pháp mười niệm chỉ mất khoảng một phút, chính là niệm một mạch “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật,…”, niệm mười câu Phật hiệu đại khái mất khoảng chừng một phút. Mười câu Phật hiệu, câu này tiếp nối câu kia, nhất định không có một mảy may vọng niệm xen tạp ở trong đó. Thời gian tuy ngắn, nhưng hiệu quả rất lớn so với niệm Phật bình thường. Từ sáng đến tối, tay cầm tràng hạt, niệm mấy trăm tiếng Phật hiệu, mấy ngàn tiếng Phật hiệu, mấy vạn tiếng Phật hiệu, ở trong đó xen tạp vọng tưởng, vậy thì phá hỏng công phu của bạn rồi.

Cổ đức dạy chúng ta nguyên tắc niệm Phật là phải không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, không hề nói thời gian dài ngắn. Cho nên một phút chúng ta một mảy may hoài nghi không có, xen tạp không có, cũng không có gián đoạn, phù hợp tiêu chuẩn này. Tuy thời gian rất ngắn nhưng mà chúng ta hoàn toàn phù hợp tiêu chuẩn, vậy liền sinh ra công đức bất khả tư nghì. Cho nên, trước đây tôi khuyến khích đồng tu một ngày tu chín lần, số lần bạn tu càng nhiều càng tốt, mỗi lần chỉ cần một phút. Thật sự có thể làm được, đây mới là công phu chân thật. Cổ đức nói “Niệm Phật Tam Muội” có thể trừ tất cả phiền não, có thể giải thoát sinh tử, cho nên cũng gọi là “Thanh Tịnh, Giải Thoát, Tam Muội”.

Chúng ta hãy bắt đầu luyện tập từ phương pháp một phút này, dần dần số lần nhiều rồi, thời gian dài thêm thì hiệu quả này mới có thể nhìn thấy. Bất luận tu học pháp môn nào, dùng công phu như thế nào, nhất định phải biết căn tánh của mình, phải tùy bệnh mà cho thuốc. Ngạn ngữ thường nói: “Người quý ở chỗ tự biết”. Người sáng suốt tự biết, bất luận thế pháp hay Phật pháp, tuyệt đại đa số đều có thể có thành tựu. Phàm là người không thể thành tựu, đều là không tự biết căn tánh của mình, mơ mộng viễn vông. Người miễn cưỡng đi cưỡng cầu, đến cuối cùng chẳng thành tựu gì cả.

/ 374