/ 374
623

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 167

Nguyện thứ bốn mươi: “Vô Lượng Sắc Thọ Nguyện”

Kinh văn: “Ngã tác Phật thời, quốc trung vô lượng sắc thọ, cao hoặc bách thiên do tuần, đạo tràng thọ cao, tứ bách vạn lý. Chư Bồ Tát trung, tuy hữu thiện căn liệt giả, diệc năng liễu tri.

Từ nguyện thứ 37 đến nguyện thứ 43 đều là nói y báo trang nghiêm của Thế giới Tây Phương. Y báo chính là môi trường cư trú, môi trường sống, môi trường học tập, trong tập quán của người Trung Quốc thường nói là phong thủy.

Chúng ta từ trong đoạn nguyện văn này thể hội được phong thủy của Thế giới Tây Phương tuyệt đẹp, đây là điểm mà người của mười phương thế giới đều không thể sánh bằng, chính là điều mà nhà phong thủy gọi là “người phước ở đất phước, đất phước người phước ở”. Hai câu nói này dùng vào Thế giới Tây Phương Cực Lạc, quả thật là danh phù hợp với thực, không một mảy may khoa trương. Y báo trang nghiêm, nói thực ra là vô lượng vô biên. Phật A Di Đà ở trong nguyện văn chẳng qua chỉ là nêu lên mấy điển hình rõ rệt để thuyết minh, chúng ta nhất định cần phải có thể nghe một biết mười, nêu một cái mà suy ra những cái còn lại. Nhìn thấy mấy ví dụ này, liền có thể tưởng tượng được Thế giới Tây Phương là vô lượng vô biên, vô tận trang nghiêm. Đất phước như vậy, chúng ta thử suy nghĩ, đất phước phải người phước ở, chúng ta có bao nhiêu phước báo mà có thể vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc? Vấn đề này không thể lơ là, không thể không nghĩ đến. Nếu như nghĩ đến rồi, chúng ta liền biết hiện nay niệm Phật rất quan trọng, tu phước không được lơ là.

Đại Sư Liên Trì nói rất hay: “Niệm Phật chính là tu phước”, thế nhưng chúng ta hiện tại từ sáng đến tối, tay cầm tràng hạt, niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật…” không ngừng, chúng ta có được xem là tu phước hay không? Giống như vừa rồi có một vị đồng tu đến nói với tôi, ông có một người bạn tu thiền định, định công rất tuyệt vời, nhưng đáng tiếc rất hay nóng giận. Các bạn thử nghĩ, định công của người ấy tuyệt vời thật không? Các bạn phải biết, định công khởi tác dụng gì? Tác dụng của định công là phục tham sân si mạn. Người có định công thì tham sân si mạn nhất định không khởi hiện hành. Người định công sâu thì tham sân si mạn đã đoạn sạch rồi. Trong Kinh điển, Phật thường nói với chúng ta, Tứ Thiền Bát Định phục phiền não, phiền não chưa có đoạn nhưng chắc chắn không khởi hiện hành. Nếu như chúng ta có đọc sơ qua một số Kinh luận, hiểu rõ nghiệp nhân quả báo trong tam giới thì bạn sẽ biết, người ở Trời Sắc Giới trở lên không có sân hận, họ thật sự phục được rồi; đến định thứ chín thì tham sân si mạn hoàn toàn diệt rồi. Định thứ chín gọi là Diệt Tận Định. Diệt cái gì vậy? Diệt phiền não. Kiến tư phiền não hoàn toàn đoạn diệt, đây là định công. Cái định này, ở trong định là có phước báo. Có thể phục phiền não, đây mới được xem là có phước báo.

Chúng ta niệm A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật là phương pháp tu định, điểm này các bạn nhất định phải hiểu cho rõ ràng. Sự tu hành của Phật pháp, bất kể Đại Thừa, Tiểu Thừa, Tông môn, Giáo Hạ, Hiển giáo, Mật giáo, tất cả đều là tu thiền định, pháp môn nào cũng không thể lìa khỏi. Giới định tuệ, định là điểm then chốt của tu hành. Nếu như phương pháp tu học của họ mà trái ngược với giới định tuệ, đây chắc chắn không phải Phật pháp. Nếu như là Phật pháp, bất kể pháp môn nào, nhất định là tương ưng với giới định tuệ, chỉ là phương pháp tu giới định tuệ không giống nhau, cách thức không như nhau, nhưng phương hướng và mục tiêu chắc chắn là nhất trí. Đây là Phật pháp. Cho nên, Kinh điển Phật pháp gọi là tam tạng Kinh-Luật-Luận, sao có thể trái ngược tam tạng? Tương ưng với tam tạng, đó là phước tuệ song tu. Một câu A Di Đà Phật này, bạn niệm đến tâm địa thanh tịnh, tham sân si mạn không khởi, đây là tuệ, bên trong có định, có tuệ. Bạn đem tâm đại từ bi ở trong tự tánh của mình niệm ra rồi. Nếu như nói cạn một chút, đây là đem Từ Bi Hỷ Xả, Tứ Vô Lượng Tâm ở trong tâm tánh của mình niệm ra rồi. Đây là phước báo. Thiên nhân Sơ Thiền đã đem Từ Bi Hỷ Xả niệm ra rồi. Càng lên trên nữa thì Tứ Vô Lượng Tâm này sẽ càng là đích thực vô lượng. Không cần người khác mời gọi, vẫn toàn tâm toàn lực vì chúng sanh phục vụ. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, không có gì không phải vì lợi ích chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh lìa khổ được vui, đây là tu phước. Chúng ta niệm Phật, cách niệm này mới gọi là phước tuệ song tu, mới có thể thọ dụng được đất phước của Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Bản thân chúng ta có phước, đất phước người phước ở. Người có phước mới có thể vãng sanh Thế giới Cực Lạc, người không có phước không thể vãng sanh. Nghĩ đến chỗ này chúng ta mới hiểu rõ, biết mình cần phải làm như thế nào.

/ 374