408

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 166

Các đồng tu! Chúng ta phải chân thật tinh tấn, nếu muốn đạt được chỗ tốt lợi ích chân thật thù thắng của Phật pháp, nhất định phải quên ta. Quên ta bắt đầu làm từ chỗ nào? Đại Thừa thì phương tiện hơn so với Tiểu Thừa, Đại Thừa Phật dạy chúng ta đem ý niệm chuyển đổi lại. Trước khi chưa chuyển, mỗi niệm là vì ta, khởi tâm động niệm quyết định ta là đệ nhất. Hiện tại Phật dạy chúng ta, đem ý niệm chuyển đổi lại, khởi tâm động niệm đều nghĩ đến chúng sanh, quyết không nghĩ chính mình, đem tất cả chúng sanh xếp ở vị trí thứ nhất, ta đến thế gian này chính là để phục vụ tất cả chúng sanh, vì tất cả chúng sanh phục vụ, không phải là vì ta, ta nhất định là người phục vụ, chỉ tận nghĩa vụ không hưởng thụ quyền lợi, hưởng thụ quyền lợi chính là có "ta", quyết không hưởng thụ quyền lợi, chỉ tận nghĩa vụ.

Cư sĩ Hứa Triết làm được, bà khởi tâm động niệm từ trước đến giờ chưa từng vì chính mình, mà đều là vì một số người khổ nạn mà lo nghĩ, bà cả đời vì người già phục vụ, vì người bệnh phục vụ, vì người nghèo cùng khổ nạn phục vụ, từ trước đến giờ chưa từng có ý niệm vì chính mình. Các bạn xem thấy bà ăn, bà mặc, ăn rau xanh, không có dầu muối, người thông thường chúng ta có chịu nổi không? Thân thể của bà khỏe mạnh như vậy, tất cả phối liệu bà đều không dùng đến, ngay đến dầu, muối, nước tương, giấm đều đoạn tuyệt, bà hoàn toàn ăn rau xanh, nhiều nhất là nấu qua nước sôi, không có mùi vị. Bà một ngày ăn một bữa. Quần áo của bà là nhặt từ thùng rác mà có. Hôm đó cư sĩ Lý Mộc Nguyên hỏi bà: “Vì sao bà không may một bộ đồ mới? Tại vì sao phải nhặt trong thùng rác?”. Các vị đã nghe trả lời của bà, bà thường ở chung với người nghèo, ngày ngày giúp những người nghèo này, “ta cần phải trải qua đời sống giống như người nghèo vậy!”. Đây là vì người cùng khổ mà phục vụ. Bạn mặc một bộ đồ mới, đời sống của bạn dồi dào hơn người khác, bạn tiếp cận với họ, thì họ sẽ không bằng lòng tiếp cận bạn. Bà vì chúng ta làm thị hiện, là thị hiện của Phật Bồ Tát. Đây là giáo huấn chân thật, giáo huấn trí tuệ chân thật. Chúng ta xem thấy đời sống của bà, thấy hình tượng của bà, thì phải nên giác ngộ. Người thế gian thông thường lơ là qua loa, không thấy  được biểu pháp. Tôi thấy được chỗ diệu của bà, cho nên tôi tán thán bà là người phú quý chân thật của thế gian, chân thật giàu sang. Bà giàu ở chỗ nào vậy? Giàu ở chỗ đời sống của bà không thiếu kém, nhu cầu đời sống không thiếu đó chính là giàu có, đời sống được rất an vui. Bà quý ở chỗ nào vậy? Đạt được tôn kính tán thán của đại chúng xã hội, đây là quý, tuyệt nhiên không phải phú quý của thế tục. Phú quý thế tục thì có tiền là phú, có địa vị là quý, bà không có tiền tài, bà cũng không có địa vị, phú quý của bà là phú quý chân thật. Phú quý của người thế gian là giả, vì sao vậy? Khi tiền tài của họ, địa vị của họ tiêu mất rồi thì không có người qua lại với họ. Không như cư sĩ Hứa, phàm hễ qua lại với bà, đó đều là thật tâm, đều là có thành ý, quyết định không phải hư ngụy.

Cho nên, phải biết được quang minh là tự tánh vốn đủ. Thế giới Phật như vậy, thế giới của chúng ta, từ trên lý luận mà nói, cũng phải nên như vậy. Quang minh bị mất đi, thực tế mà nói là bởi vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước (ở trong Phật pháp gọi là kiến tư, vô minh) che mất, chỉ cần đem thứ này trừ bỏ đi, quang minh của tự tánh lập tức liền hồi phục.

“Lệ” là quang lệ, hoa lệ.

"Hình sắc thù đặc", "hình" là hình trạng, "sắc" là nhan sắc. Hình trạng và sắc thái của tất cả vạn vật đều rất hoa lệ. Chúng ta ở trên lý luận mà suy tưởng, đương nhiên không cách gì hoàn toàn tiếp cận sự thật, ít nhiều có thể có được một ít tiếp cận. Đây là tâm tư của chúng sanh mười pháp giới không như nhau, nhân duyên quả báo không đồng nhau. Cư dân trong Phật quốc độ này, hết thảy người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương, cư dân của Thế giới Cực Lạc tâm địa thanh tịnh lương thiện, quả báo cảm được đương nhiên là thù thắng.

"Cùng vi cực diệu, vô năng xưng lượng". Tốt đẹp ở chỗ này, nói không hết lời. Tóm lại mà nói, họ ở bên đó cho dù cực kỳ vi tế, chúng ta nói nhỏ đến không tính kể, đều tương ưng với tánh đức, đều không có chướng ngại, cho nên là "cùng tận vi diệu chi cực". Cổ đức nói ở trong chú giải, tất cả hình tướng này đều từ tâm thanh tịnh hiển lộ ra, từ chân tâm tự tánh lưu lộ ra. Lời nói này là chính xác. Thế giới của chúng ta ngày nay, mọi người đều biết, địa cầu đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, hoàn cảnh sinh thái tự nhiên bị phá hoại. Đây là gì vậy? Văn minh vật chất khoa học ngày nay đã mang đến tác dụng phụ. Chúng ta hưởng thụ một chút khoa học kỹ thuật này, bạn phải biết cái giá mà ta phải trả là quá lớn. Chúng ta tỉ mỉ mà quán sát, mới biết được cái được không bằng mất, cái chúng ta thu được thì cực kỳ nhỏ, tổn hại đối với chúng ta thì quá nghiêm trọng, người chân thật có trí tuệ thì không làm việc như vậy.