PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 146
Phật ở trong Kinh điển nói ra rất nhiều công đức lợi ích thù thắng, thế nhưng chúng ta không thấy được nên chúng ta rất khó tin tưởng, rất khó tiếp nhận. Đây cũng là sự thật. Nếu như chúng ta tỉ mỉ mà quán sát, tỉ mỉ mà thể hội, dần dần ngộ ra được đạo lý này thì chúng ta liền tin tưởng. Phật nói việc này có khả năng. Tuy là chúng ta mời một pháp sư, thậm chí pháp sư không phải là cao minh lắm, giảng một lần là một giờ hoặc nửa giờ đồng hồ, nhưng bạn phải nên biết, mỗi một người đến nghe Kinh, cho dù họ ngộ hay không ngộ, trong A Lại Da Thức đã trồng xuống chủng tử Phật. Đây là khẳng định.
Những người đến nghe Kinh mắt thịt chúng ta xem thấy, còn có những quỷ thần mà mắt thịt chúng ta không xem thấy. Quỷ thần xem thấy có pháp sư giảng Kinh thì sanh tâm hoan hỉ, nên họ cũng đến nghe. Ở đạo tràng của chúng ta, số lượng quỷ thần ở nơi đây nghe Kinh vượt qua gấp nhiều lần đại chúng ở hiện trường của chúng ta. Có những quỷ thần phước đức kém một chút, không dám bước vào giảng đường, nên chỉ ở ngoài giảng đường nghe giảng. Ngoài ra, còn có quỷ thần yêu cầu chúng ta mở băng đĩa cho họ nghe. Hiện tại lầu một, lầu hai của chúng ta, bạn thấy tivi đang mở băng đĩa ở đó ngày đêm không nghỉ, mở phát 24 giờ là do quỷ thần yêu cầu. Bạn liền biết được công đức giảng Kinh nói pháp bao lớn. Cho nên, chúng ta chân thật đã hiểu rõ.
Thực hiện đa nguyên văn hóa, tôi thường khuyên bảo mọi người, thế giới hiện tại động loạn, tai nạn triền miên. Bạn thấy tai nạn mỗi năm một nghiêm trọng hơn, thậm chí lần sau nghiêm trọng hơn lần trước. Tai nạn do đâu mà hình thành? Trên “Kinh Lăng Nghiêm”, Phật nói rất hay: Thủy tai, hồng thủy là do lòng tham của chúng ta mà hình thành; hỏa tai, núi lửa bùng phát, nhiệt độ nâng cao là do sân nhuế tạo thành; phong tai là do ngu si; động đất là do lòng người bất bình mà tạo thành. Không nên nói tai hại tự nhiên không có liên quan gì với lòng người, vậy thì bạn nói sai rồi.
Phật pháp nói rất hay: “Y báo tùy theo chánh báo chuyển”. Y báo là hoàn cảnh tự nhiên. Hoàn cảnh tự nhiên tùy theo lòng người đang chuyển biến. Thế giới Tây Phương Cực Lạc tốt, đất nơi đó bằng lưu ly, đất bằng như bàn tay. Tại vì sao hoàn cảnh y báo tốt đến như vậy? Vì người ở nơi đó không có tham sân si, không có cống cao ngã mạn. Điều này chứng minh hoàn cảnh cư trụ đích thực là tùy theo ý niệm mà chuyển biến. Cho nên, muốn tai nạn được hóa giải thì lòng người phải quay đầu, thay đổi tự làm mới. Vấn đề này từ xưa đến nay đã có. Thích Ca Mâu Ni Phật ra đời năm đó, cách với chúng ta hiện tại chỉ là ba ngàn năm. Ba ngàn năm không phải là thời gian dài. Ba ngàn năm trước lòng người đã bất thiện, bắt đầu bất thiện, dần dần bất thiện. Ngay trong ba ngàn năm này, vấn đề này chưa được cải thiện. Những đại Thánh đại Hiền này, các Ngài rất chăm chỉ nỗ lực ngăn ngừa giảm thiểu, không phải không có phòng phạm mà đã làm phòng phạm rất tốt. Thế nhưng, công trình này cần phải được mọi người hợp tác thì mới có hiệu quả, không thể hợp tác thì khó. Ở trong Phật pháp nói, nếu không thể hợp tác thì chư Phật Bồ Tát cũng không thể kháng nổi cộng nghiệp của chúng sanh. Câu nói này giải thích cho vấn đề này. Thế nhưng phong khí xã hội thời xưa còn tốt đẹp, người nghe lời rất nhiều. Cho nên có một khoảng thời gian, chân thật đã làm được thịnh trị dài lâu. Người hiện tại thì không được, họ không nghe lời, không bằng lòng tiếp nhận giáo huấn. Cho nên, vấn đề này chúng ta tỉ mỉ mà nghĩ lại, đây là vấn đề của nhân tính, chính trị không thể giải quyết. Thích Ca Mâu Ni Phật sanh ra ở vương tộc, chính trị không thể giải quyết vấn đề này, nên Ngài liền buông bỏ vương vị. Quân sự cũng không thể giải quyết, cho nên Ngài cũng buông bỏ vị trí tướng quân thống soái. Kinh tế không thể giải quyết, khoa học kỹ thuật cũng không thể giải quyết, đây là sự thật mà chúng ta xem thấy được. Vậy phương pháp gì có thể giải quyết? Nếu suy nghĩ kỹ, chỉ có giáo dục tôn giáo. Hay nói cách khác, người tín ngưỡng tôn giáo trên toàn thế giới, tâm địa vẫn là lương thiện, trong tâm họ còn có một phần tâm cung kính đối với thần minh. Chỉ cần một bộ phận người này chân thật chịu giác ngộ thì thế gian này vẫn còn cứu được. Hy vọng những người này dẫn đầu để làm ra tấm gương tốt. Cho nên, chúng ta cực lực đề xướng giáo dục tôn giáo, hy vọng những nhà tôn giáo này đều lấy chư Phật Bồ Tát, Thượng Đế, chúng Thần, Thiên sứ, tiên tri tự cư, vì tất cả chúng sanh mà làm tấm gương tốt, không phải vì chính mình, mà vì giúp đỡ tất cả chúng sanh tiêu trừ những khổ nạn này. Đây chính là nhà Phật nói “đại từ đại bi”. Ngày nay, chúng ta nỗ lực làm đa nguyên văn hoá, mục đích chính ngay chỗ này.