639

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 144

Thực tế, tu hành phải hiểu và nắm lấy cương lĩnh. Cương lĩnh càng đơn giản thì càng được thọ dụng. Cương lĩnh nhất định không thể quên đi, chân thật phải tinh thuần thấu triệt, thì đối với Hành môn, Giải môn chúng ta đều sẽ có sự giúp đỡ rất lớn. Cho nên chúng ta chọn lựa cương lĩnh, y theo giáo huấn của Kinh luận mà chọn ra năm khóa mục.

Khóa mục thứ nhất là "Tịnh Nghiệp Tam Phước" trong "Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật". Đây là nền tảng, là căn bản của căn bản. Tổng cộng của khóa mục này có mười một câu Kinh văn, chúng ta phải thường hay ghi nhớ trong lòng, phải đem nó làm cho được. Câu thứ nhất "hiếu dưỡng cha mẹ", câu thứ hai "phụng sự sư trưởng", chúng ta phải thường hay nghĩ đến, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của chính mình có thể xứng được với cha mẹ, có thể xứng được với lão sư hay không. Căn bản giáo học của Phật pháp chính là hai câu này, bắt đầu từ hai câu này, cũng ở hai câu này mà viên mãn. Hai câu này nếu làm được viên mãn thì thành Phật rồi. Bồ Tát Đẳng Giác vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, cho nên hiếu của họ vẫn còn kém khuyết, kính của họ đối với lão sư cũng không viên mãn. Đến Như Lai quả địa thì hiếu thân tôn sư mới làm đến được viên mãn. Cho nên, người ta vừa hỏi “Thế nào là Phật pháp?”, chúng ta liền có thể trả lời họ, đó là "hiếu thân tôn sư". Thiên Kinh vạn luận của nhà Phật không rời khỏi tông chỉ này, thiên Kinh vạn luận xiển dương hiếu đạo, xiển dương sư đạo. Chúng ta có thể làm đến được mấy phần? Chín câu phía sau chính là dạy chúng ta thực tiễn cương lĩnh của hiếu kính.

Hiếu là gì? Nói đến hiếu, kính cũng có ở trong hiếu. Tâm từ bi là hiếu, không sát sanh là hiếu, "tu mười nghiệp thiện" là hiếu, "thọ trì tam quy" là hiếu, "cụ túc chúng giới" là hiếu, "không phạm oai nghi" là hiếu, "phát Bồ Đề tâm" là hiếu, "thâm tín nhân quả" là hiếu, "đọc tụng Đại Thừa" là hiếu, "khuyến tấn hành giả" là hiếu. Chư Phật Như Lai giáo hóa chúng sanh, chẳng qua là dạy người hiếu thân tôn sư mà thôi, chúng ta có hiểu hay không?

Lục Hòa Kính là hiếu thân tôn sư. Giới-Định-Huệ tam học, Bồ Tát tu học sáu cương lĩnh “bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ”, Phổ Hiền mười đại nguyện vương, chúng ta chọn lấy năm cương mục, năm khóa mục dễ nhớ. Ngay trong cuộc sống thường ngày, khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật, niệm niệm hạnh hạnh đều không trái với giáo huấn của năm khóa mục này, thì con người này gọi là hành Bồ Tát đạo, con người này gọi là học Phật, con người này gọi là thọ trì Kinh giới, con người này có thể "chí tâm hồi hướng". Họ thật có thứ để hồi hướng, chân thật quay đầu lại, chân thật là "vi đạo tác thiện", quyết không phải miệng nói lời trống không, mà là nỗ lực đang làm. Phật nói được rất hay: “Ai làm thì người đó được lợi ích”. Ngạn ngữ có câu: "Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu không đắc". Phật pháp là pháp bình đẳng. Chúng ta sau khi nghe rồi thì phải hiểu được, phải chân thật hiểu được tâm từ bi của Phật, Phật giúp đỡ đối với chúng ta, chúng ta phải hiếu kính đối với Phật. Phật là lão sư của chúng ta, chúng ta làm thế nào để xứng với lão sư? Y giáo phụng hành mới xứng được với lão sư. Không chịu y giáo phụng hành là có lỗi với lão sư, có lỗi với cha mẹ.

Có lẽ có người hỏi: "Ta chính mình tu hành như vậy, thậm chí cha mẹ không còn, có liên quan gì với cha mẹ? " Bạn không hiểu được hiếu đạo! Bạn muốn tu hành chứng quả, cha mẹ của bạn cũng giống như làm Bồ Tát, làm Phật rồi. Bạn muốn hiếu thảo cha mẹ nhưng cha mẹ không còn, bạn muốn siêu độ cha mẹ, bạn lấy cái gì để siêu độ? Đọc mấy bộ Kinh, niệm mấy câu Phật hiệu hồi hướng thì bạn có thể siêu độ sao? Đó chỉ có thể nói là đọc còn tốt hơn so với không đọc. Nếu muốn chân thật siêu độ có hiệu quả, bạn đọc qua "Kinh Địa Tạng", bạn xem Bà La Môn, xem Quang Mục Nữ, người ta làm thế nào để siêu độ? Người ta là thọ trì Kinh giới, y giáo phụng hành, chính mình được thiền định, chính mình chứng được quả vị Bồ Tát, cha mẹ ở nơi ác đạo lập tức liền được siêu thoát, đó mới chân thật là lấy công đức này hồi hướng cho người thân, mới thật có hiệu quả. Cho nên, chính mình không thể nào chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành Thánh, công đức siêu độ của bạn không lớn. Nếu bạn có thể chuyển ác thành thiện, người thân quyến thuộc của bạn sẽ không tiếp tục bị đọa ác đạo, có thể siêu thăng từ nơi địa ngục. Nếu bạn có thể chuyển mê thành ngộ, người thân quyến thuộc trong nhà của bạn liền có thể sanh thiên. Nếu bạn có thể chuyển phàm thành thánh, người thân quyến thuộc trong nhà của bạn liền có thể vĩnh thoát luân hồi. Cho nên, chính mình phải chân thật tu hành, vậy mới là tận hiếu. Bạn viên mãn thành Phật rồi, người thân quyến thuộc trong nhà của bạn cũng sẽ thành Phật. Phải báo ân cha mẹ, báo ân giáo huấn của lão sư. Cứu cánh viên mãn là chính mình viên thành Phật đạo. Cho nên, Kinh bạn phải đọc thuộc, phải thâm giải nghĩa thú, y giáo phụng hành. Y giáo phụng hành chính là trì giới.