/ 374
564

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 143

               

Nguyện thứ 21: Hối quá đắc sanh nguyện

Kinh văn: "Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, hệ niệm ngã quốc, phát Bồ Đề tâm, kiên cố bất thoái, trực chúng đức bổn, chí tâm hồi hướng, dục sanh Cực Lạc, vô bất toại giả, nhược hữu túc ác, văn ngã danh tự, tức tự hối quá, vi đạo tác thiện, tiện trì kinh giới, nguyện sanh ngã sát, mạng chung bất phục, cánh tam ác đạo, tức sanh ngã quốc, nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác".

Trong nguyện văn này, Kinh văn phân thành hai đoạn, từ "Ngã tác Phật thời" đến "vô bất toại giả" là đoạn thứ nhất, từ"nhược hữu túc ác" đến sau cùng là đoạn thứ hai. Lần trước, chúng ta đã giảng đến "trực chúng đức bổn".

Hôm nay chúng ta xem tiếp ba câu sau cùng:"Chí tâm hồi hướng, dục sanh Cực Lạc, vô bất toại giả". Đồng tu học Phật đối với "hồi hướng" đều rất quen thuộc, thế nhưng hồi hướng không phải là một việc dễ dàng. Bạn đem cái gì để hồi hướng? Quyết định không thể nói một câu hồi hướng trống không thì sẽ có hiệu quả. Chúng ta xem từ nơi Kinh văn:"Văn danh, hệ niệm, phát tâm, bất thoái, trực chúng đức bổn", dùng cái này để hồi hướng.

Chúng ta nghĩ xem, chúng ta mỗi ngày lấy cái gì để hồi hướng? Việc này phải rõ ràng. Hồi hướng chính là phát nguyện, Phật dạy chúng ta chỗ này là "chí tâm". Chí tâm là chân thành đến cùng tột, một lòng một dạ cầu sanh Tịnh Độ. Thế pháp, Phật pháp đều phải hoàn toàn xả bỏ thì cái tâm này mới xem là chí tâm. Nếu như bạn đối với thế gian này vẫn còn danh lợi, năm dục sáu trần, đủ thứ hưởng thụ, vẫn còn một chút lưu luyến, thì bạn không phải là chí tâm. Niệm Phật như vậy cầu sanh Tịnh Độ thì rất khó, bạn chỉ có thể ở nơi Tịnh Độ trồng một ít thiện căn, ngay đời này việc vãng sanh thật là khó! Chân thật hy vọng ngay đời này vãng sanh Tịnh Độ, bạn cần phải đem phải quấy nhân ngã, “tham-sân-si-mạn” triệt để buông xả.

Lần này tôi ở HongKong, có một vị đồng tu viết cho tôi một lá thư, hoàn cảnh đời sống của anh rất là khổ cực, buổi tối đi làm công, cho nên anh không thể đến nghe Kinh. Anh nêu ra một vấn đề: Con người anh rất tốt, đối với người cũng rất không tệ, tại vì sao tất cả tai nạn, anh rất là không may đều gặp phải. Anh hỏi tôi, phải làm thế nào mới có thể hóa giải những tai nạn này. Hôm qua sau khi tôi trở lại, đồng tu nơi đây cũng có gặp tình trạng này, nên đến nói với tôi. Loại tình huống này, quyết không chỉ là một hay hai người, mà rất nhiều người đều gặp phải vấn đề này. Thân chúng ta cũng rất tốt, chịu tu phước, cũng chịu giúp đỡ người khác, nhưng tại sao rất nhiều tai nạn đều không thể tránh khỏi? Điều này khiến cho tôi nghĩ đến một đoạn văn chương của "Du Tịnh Ý Công Ngộ Táo Thần Ký". Ngày trước, chúng ta đã từng giảng qua tỉ mỉ, có lưu lại băng ghi âm lưu thông. Du tiên sinh là một người đọc sách, do đọc sách nên ông rõ lý. Bình thường ông cũng thích bố thí, làm việc thiện, nơi nơi đều giúp đỡ người khác, y theo giáo huấn của Thánh hiền mà làm, vì sao ông cũng đều gặp phải nhiều việc bất hạnh, trong lòng không khỏi oán trời trách người. Ông cho rằng Phật Bồ Tát có lỗi với ông, ông trời cũng có lỗi với ông, còn viết sớ văn đốt ở trước mặt thần Táo. Không ngờ thần Táo đến thật, điểm hóa cho ông, nói với ông: "Anh vẫn xem là không tệ, lương tâm vẫn chưa bị mất đi, chẳng qua nghiệp chướng của anh tạo, chính anh không biết được. Tuy là miệng của anh có thể khuyến thiện, thân của anh dường như cũng không hề làm qua việc xấu, nhưng ý của anh bất thiện, tâm của anh bất thiện". Việc này cũng giống như một cây đại thọ, tâm là gốc, ý niệm là thân cây, thân thể tạo tác là cành nhánh, lời nói của miệng là lá cây. Lá cây này của bạn vẫn không tệ, cành nhánh cũng không tệ, nhưng căn gốc thì đã hỏng rồi, bạn còn có thể cứu sao? Hết cứu! Cho nên cổ thánh tiên hiền dạy chúng ta tu hành, đoạn ác tu thiện, làm từ chỗ nào? Tu từ căn bản. Ngày nay, có rất nhiều người phạm phải sai lầm, không biết được căn bản, tâm bất thiện, ý niệm bất thiện, thì cho dù thân khẩu có thiện hơn, bạn vẫn không thắng nổi nghiệp lực. Đây là chúng ta lấy một thân cây để làm thí dụ, mọi người rất dễ hiểu. Nếu như tâm của bạn thiện, ý niệm thiện, thân khẩu cho dù bất thiện, thì cũng có thể cứu, cây sẽ không chết. Cành lá hoa trái của bạn dù có tốt có đẹp hơn, nhưng nó không có cội gốc, qua mấy ngày thì sẽ khô chết, nó không thể sống. Cho nên tâm thiện, ý thiện quan trọng hơn bất cứ thứ gì. "Du Tịnh Ý Công Ngộ Táo Thần Ký", thiên văn chương này giảng được quá rõ ràng. Phàm hễ bạn gặp phải những chướng nạn này thì phải nên đọc nhiều thiên văn chương này, nỗ lực mà phản tỉnh, y giáo tu hành. Trong Kinh điển, Phật đã dạy cho chúng ta cương lĩnh.

/ 374