PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 82
6. Thứ sáu, “Bất xả Bồ Tát nghiệp cúng dường”
Nghiệp là sự nghiệp. Sự nghiệp của Bồ Tát là gì? Tôi tin tưởng mọi người đều biết đó là “kế tục huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sanh”. Đây là sự nghiệp của Bồ Tát, là gia nghiệp của Như Lai. Ngày nay chúng ta đã cạo đầu, đắp lên tấm y, là đệ tử Như Lai thì phải kế thừa gia nghiệp của Như Lai, phải đem gia nghiệp của Như Lai mở mang rộng lớn. Đây là bổn phận của chúng ta, là sứ mạng của chúng ta. Sự nghiệp viên mãn của Như Lai là giúp đỡ tất cả chúng sanh làm Phật. Thế nhưng các vị phải biết, nếu chúng ta muốn giúp tất cả chúng sanh làm Phật thì nhất định mình phải làm Phật trước. Chính mình không thể làm Phật thì làm sao có thể giúp người khác làm Phật?
Chính mình làm Phật như thế nào?
Việc thứ nhất là phải phát tâm, phát tứ hoằng thệ nguyện, phải thực tiễn tứ hoằng thệ nguyện, quyết không phải là thời khóa sớm tối một lần, như vậy thì không ích gì. Phải thực tiễn, mỗi niệm muốn độ chúng sanh, mỗi niệm muốn giúp chúng sanh giác ngộ. Kinh giáo của Phật phải biết cách giảng như thế nào, nguyên lý nguyên tắc không thay đổi, còn phương pháp giảng thì thiên biến vạn hóa. Nếu như bạn hiểu được Tứ Tất Đàn và Tứ Nhiếp Pháp thì bạn liền thông suốt.
Ngày nay, trên toàn thế giới phổ biến một cách hiểu sai lầm, cho rằng Phật giáo là tôn giáo, đem Thích Ca Mâu Ni Phật, A Di Đà Phật và các vị Bồ Tát xem thành các vị thần minh để đối đãi, xem là những vị thần để bái lạy của Phật giáo. Họ cho rằng thần của Phật giáo bái lạy cũng gần bằng với Ấn Độ giáo, thần của Ấn Độ giáo có hơn hai vạn, thần của Phật giáo chúng ta có thể còn nhiều hơn so với họ, cho “Phật giáo là đa thần giáo”, họ phổ biến một cách nhìn sai lầm như vậy. Chúng ta phải làm thế nào chỉnh sửa lại quan niệm sai lầm này? Đây là sự việc cấp bách bậc nhất. Nếu không thể thay đổi quan niệm này thì giáo dục của Phật Đà sẽ không cách gì xúc tiến được, không thể lưu thông được. Thế gian hiện tại, những người có chút tri thức, có giác ngộ đều đã ý thức được là người trên toàn thế giới nhất định phải chung sống hòa bình và cùng tồn tại. Tôi đến Úc châu tham gia tổ chức tôn giáo hòa bình thế giới, hơn 30 lãnh đạo các tôn giáo đều có ý thức giống như nhau, đều mong cầu xã hội an định, thế giới hòa bình, hợp tác lẫn nhau, cùng tồn tại phát triển. Mười sáu chữ này gần như là cùng nhau hiểu, thế nhưng sự việc này làm thế nào mới có thể thực tiễn? Hiện tại mọi người đang nghĩ biện pháp. Chúng ta có duyên tiếp nhận lời mời của họ, đem Phật pháp giới thiệu cho họ. Phật pháp chính là thứ mà hiện tại họ đang mong cầu.
Phật pháp là gì? Phật pháp là giáo dục chí thiện viên mãn của Thích Ca Mâu Ni Phật đối với tất cả chúng sanh. Ngày trước tôi đã nói câu này, hiện tại đối với những tình huống này thì tôi không dùng cách nói này nữa, mà tôi nói Phật pháp là giáo dục chí thiện viên mãn của Thích Ca Mâu Ni Phật đối với đa nguyên văn hóa. Khi họ nghe rồi thì thấy đây là thứ mà họ đang cần. Tôi không hề nói sai. Thích Ca Mâu Ni Phật không phải là thần, Ngài là gì vậy? Ngài là người làm công tác nghĩa vụ giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Nói như vậy thì mọi người vừa nghe liền hiểu, liền biết được Thích Ca Mâu Ni Phật là người như thế nào.
Tại vì sao gọi Ngài là Phật? Nhà Phật gọi là Phật cùng Trung Quốc gọi Thánh nhân là một ý nghĩa. Phật chúng ta dịch là người giác ngộ; Trung Quốc gọi Thánh nhân tức là người sáng suốt, người minh bạch đối với tất cả sự lý, tường tận đối với chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Thánh nhân là người minh bạch, trong Phật pháp chúng ta gọi là Phật, cho nên Phật là người minh bạch. Chúng ta không tường tận đối với những sự lý, nhưng các Ngài thì tường tận. Khi vừa giải thích như vậy thì mọi người liền rõ ràng.
Chúng ta đem giáo dục của Phật Đà giới thiệu cho tất cả chúng sanh, lợi ích tất cả chúng sanh, đó là Bồ Tát nghiệp. Toàn tâm toàn lực gánh vác sự nghiệp này, hy vọng đem sự việc này làm cho tốt, đem sự việc này làm được viên mãn. Thế nhưng hiện tại khó khăn lớn nhất trước mắt chúng ta là ngăn cách về ngôn ngữ, khi chúng ta đối diện tiếp xúc với rất nhiều tôn giáo trên thế giới, cái ngăn cách này tạo thành chướng ngại rất lớn, cho nên phiên dịch liền trở thành vô cùng quan trọng. Người phiên dịch khó cầu, không dễ dàng, tuyệt đối không thể nói thông đạt văn tự ngôn ngữ hai bên thì có thể phiên dịch, không có đạo lý này.